Cuốn sách "Bốn thỏa ước - những chỉ dẫn thiết thực để đạt đến tự do cá nhân" được chuyển thể từ cuốn sách The Four Agreements của Don Miguel Rui đã 6 năm liền đứng trong Top best - seller của tạp chí văn hoá The New York Times, hơn bốn triệu bản đã được bán và được giới thiệu trên show truyền hình đắt giá Oprah.
Xuất phát từ triết lý tinh hoa về vũ trụ và con người của nền văn minh Toltec cổ xưa, xuất hiện tại vùng Trung Mỹ cách đây hàng nghìn năm, Don Miguel đưa ra một quan niệm về “cái tôi, như bạn vốn là”, rất gần gũi với triết lý con người của phương Đông, “ bản lai diện mục”, cái tôi ấy là tâm điểm để khám phá thế giới và là điểm đến của hạnh phúc.
Trích dẫn Bốn thỏa ước được tóm tắt ngắn gọn như sau:
1. Không phạm tội với lời nói của mình (Be impeccable with your words): Don Miguel cho rằng lời nói là sức mạnh lớn nhất của con người. Một lời tốt đẹp có thể đưa người ta lên mây xanh nhưng một lời nói xấu xa có thể đưa người ta xuống bùn đen. Lời nói có thể trở thành “lời nguyền” (spell) ám ảnh con người tới suốt đời.
Tác giả đưa ra ví dụ nếu một bé gái nghe người khác nói mình xấu xí, cô bé đó lớn lên sẽ luôn nghĩ mình xấu. Cho dù cô xinh đẹp đến mức nào, có được người khác khen đến đâu, sâu thẳm bên trong cô vẫn nghĩ mình xấu. Có ai trong chúng ta khi còn nhỏ từng bị chê là dốt, là chậm, là kém thông minh? Điều này ảnh hưởng đến con người trưởng thành của ta như thế nào? Lời nói có sức mạnh đáng sợ vì nó có thể khiến ta coi thường bản thân. Nếu ta tin rằng lời người khác nói về mình là thật, ta cũng sẽ tự nhắc đi nhắc lại trong đầu là ta dốt, ta chậm, ta kém thông minh. “Khẩu nghiệp” tiếp tục lan ra ra khi ta nói xấu hay đưa chuyện về người khác.
Tác giả giải thích rằng sở dĩ nhiều người thích ngồi lê đôi mách (gossiping) bởi vì nó khiến con người thấy gần nhau hơn, thấy mình đẹp hơn, vui hơn, được coi trong hơn khi biết người khác xấu xí, đau khổ, không được coi trọng. Nhưng đây cũng là nguồn cơn khiến con người đau khổ trong khi tiếp tục reo rắc đau khổ cho người khác.
Cảm nhận của bạn đọc về thỏa ước thứ nhất:
"Tôi đã đọc thoả ước thứ nhất này nhiều lần nhưng lần nào đọc cũng xúc động như lần đầu tiên bởi vì nó nhắc tôi nhớ rất nhiều “lời nguyền” tôi nhận được khi còn nhỏ. “Vẽ không đẹp”, “không học giỏi Toán”, “dốt tiếng Anh”, “vụng việc nhà”, “chỉ được cái cần cù bù thông minh”, “cao quá/thấp quá”, “gầy quá/béo quá” … tất cả những lời nói này đều từng là điểm yếu của tôi trong rất nhiều năm.
Tôi từng sợ cầm bút vẽ trước đám đông, từng ngại tính toán khi đi cùng người khác, từng không nói được tiếng Anh, từng hạn chế nấu ăn cho người khác, từng giả vờ là mình không chăm chỉ …
Những điều này từng tước đi rất nhiều cơ hội quan trọng và khiến tôi không tự tin vào bản thân mình. Những năm gần đây, khi đã trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng một khi tôi không quan tâm đến người khác nghĩ gì và không cần cảm thấy phải chứng mình cho ai hết, tôi mới dần “hoá giải” được những lời nguyền này để làm điều mình muốn. Đồng thời, tôi cũng tránh tham gia những câu chuyện ngồi lê đôi mách, hạn chế nói về người khác sau lưng họ và ngừng nghe người khác tào lao về mình.
Sống và làm việc trong môi trường nhiều nữ giới, việc không tham gia ngồi lê đôi mách có thể khiến tôi có vẻ khó gần và ít “thú vị” hơn đối với một số người. Nhưng đối với tôi, đó không phải là giá trị quan trọng của cuộc sống. Tôi biết tôi là ai, có sống tốt hay không, có ảnh hưởng như thế nào tới mọi người, đó mới là điều quan trọng."
2. Không quy mọi việc về mình (Don’t take anything personally): Don Miguel cho rằng những điều người khác nói, suy nghĩ, và hành động đều xuất phát từ thế giới quan của riêng họ. Vì vậy, đừng nên quy bất kỳ điều gì, dù tốt hay xấu, là về mình. Nếu ai đó nói với bạn rằng bạn là một kẻ thất bại, đừng nên quy thất bại về mình và cũng không cần cãi nhau với họ vì những gì họ nghĩ và những gì bạn nghĩ có xuất phát điểm hoàn toàn khác nhau.
Nếu ai đó nói với bạn rằng bạn là người thành công, cũng đừng nên quy thành công đó về mình. Bạn biết mình thành công hay thất bại, và không cần có ai khác để chứng minh hay phủ nhận điều đó. Don Miguel cho rằng, nếu không quy mọi việc về mình, ta sẽ “miễn nhiễm” khỏi những lời nói của người khác, ngưng đổ lỗi cho bản thân, và tự tin hơn về những quyết định của mình.
Cảm nhận của bạn đọc về thỏa ước thứ hai:
"Đối với tôi, đây là điều khó nhất trong bốn thoả ước. Rất khó để không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe người khác chỉ trích mình. Rất khó để không đổ lỗi cho bản thân khi người khác quy tội về mình. Rất khó để ngừng ảo tưởng về bản thân khi mọi người tâng bốc mình. Đối với việc học và nghiên cứu của tôi, viết là kỹ năng sống còn. Viết quan trọng đến mức nó trở thành bản ngã và điểm nhạy cảm của tôi.
Thời gian đầu khi tôi mới bắt đầu viết học thuật (academic writing), bài viết của tôi bị sửa rất nhiều, chi chít những dấu đỏ của giáo sư hoặc người biên tập. Mỗi lần như vậy, mặc dù rất biết ơn những lời nhận xét thẳng thắn, tôi không khỏi hoang mang nghĩ rằng mình có thực sự viết được không, tiếng Anh của mình có bao giờ đủ để làm công việc này không, hay mình có đánh giá cao quá khả năng của mình hay không…
Sau một vài năm viết lách thường xuyên và cũng nhận được nhiều lời khen chê, tôi nhận ra rằng để tự tin viết tiếp, tôi phải tách bản thân ra khỏi sản phẩm của mình. Ví dụ, nếu bài viết tôi gửi đi bị đánh giá thấp, điều đó không có nghĩa là tôi không có khả năng, chỉ có nghĩa là bài viết đó không tốt mà thôi. Tương tự, bài viết được đánh giá cao cũng không có nghĩa là khả năng của tôi hơn người khác, mà chỉ là bài viết đó làm hài lòng cảm quan của người đọc khi đó.
Tôi tin rằng, tách bản thân ra khỏi công việc mình làm có thể giúp ta nhận ra điểm chưa tốt hay điểm tốt ở công việc đã làm trước đó để sửa sai hoặc phát triển hơn ở công việc sau, nhưng không chỉ trích, dằn vặt, hay ảo tưởng về khả năng của bản thân."
3. Không giả định, phỏng đoán (Don’t make assumption): Don Miguel cho rằng, con người thường có xu hướng đưa ra giả định, phỏng đoán về mọi việc thay vì tìm kiếm thông tin xác minh hay hỏi thẳng về sự việc. Vấn đề của việc đưa ra phỏng đoán này là dần dà ta sẽ tin đó là sự thật. Ví dụ khi một đồng nghiệp không chào bạn, bạn dễ đưa ra phỏng đoán là người này không thích bạn, rồi lại tiếp tục suy diễn lý do tại sao người này làm như vậy.
Vì không dám hỏi thẳng người đồng nghiệp, những giả định, phỏng đoán do chính bạn tạo ra khiến cho bạn dằn vặt, đau khổ, dễ dẫn đến nói xấu người đồng nghiệp để cảm thấy mình thoải mái, an toàn, và có phe cánh hơn. Nhưng sự thật là gì? Có thể chỉ là người đồng nghiệp này không nhìn thấy bạn, chưa kịp mở lời chào, hoặc đang có chuyện buồn không vui vẻ chào hỏi…
Con người cũng thường áp đặt giả định của mình vào người khác, cho rằng người ta nghĩ giống mình, hành xử giống mình, và đọc được ý nghĩ của mình. Tác giả viết nhiều về vấn đề này trong quan hệ tình cảm. Thông thường với những người càng thân thiết với ta, ta lại càng dễ áp đặt suy nghĩ của mình mà không chia sẻ những điều mình muốn với họ. Ví dụ như khi thấy chồng/vợ/người yêu/gia đình không làm những điều như ta nghĩ họ nên làm, ta thường nói: “ĐÁNG RA anh/em/con phải hiểu điều này” hay “Những điều như vậy KHÔNG CẦN PHẢI NÓI RA cũng phải hiểu chứ!”
Sự thật là mỗi người là một chủ thể riêng, kể cả khi bạn tìm được “nửa kia” hay “bạn tâm giao”, đó cũng không hoàn toàn là lý do để ngừng trao đổi với người đó. Đưa ra giả định, phỏng đoán, rồi kỳ vọng không có cơ sở ở người khác là mầm mống bất hoà và buồn khổ ở con người.
Cảm nhận của bạn đọc về thỏa ước thứ ba:
"Chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Á Đông, tôi từng rất ngại nói thẳng suy nghĩ của mình cho người khác. Tôi từng nghĩ người ý nhị, thông minh là phải nói nửa vời (“ý tại ngôn ngoại”) để người khác “nghe một hiểu mười”. Cho đến khi tôi gặp chồng tôi, một người sinh ra ở một nền văn hoá khác, tôi mới nhận ra mình nói chuyện khó hiểu đến thế nào.
Khi mới quen nhau, chúng tôi thường bất đồng quan điểm chỉ bởi vì tôi không nói hẳn ra suy nghĩ của mình. Chồng tôi (khi đó làm chủ nhà hàng) đã phải đưa ra ví dụ: “Khi khách bước vào nhà hàng của anh gọi món, người ta phải nói chính xác họ muốn gì, kể cả có phức tạp đến đâu. Ví dụ, thịt nướng tái nhưng không có nước đỏ, có ăn rau nhưng không cà chua, cho nước sốt A thay vì nước sốt B…
Mặc dù có hơi mất thời gian ban đầu nhưng dễ dàng hơn rất nhiều cho người nấu vì họ đã biết chính xác thứ khách cần. Nếu em không nói ra chính xác cái em cần, không ai có thể làm vừa lòng em cả!” Tôi từng phì cười khi nghe ví dụ có vẻ hơi “chợ búa” này nhưng nó thật sự rất đúng. Suốt 3 năm qua, tôi luyện tập nói ra 100% những gì mình muốn với mọi người với tất cả sự tôn trọng và lịch sự mình có.
Mặc dù còn nhiều điểm hạn chế, đến nay tôi đã nói được nhiều hơn những suy nghĩ của mình và điều này thực sự làm các mối quan hệ của tôi thành thật và dễ chịu hơn."
4. Luôn làm hết khả năng của mình (Always do your best): Thoả ước cuối cùng là hành động để biến ba thoả ước phía trên thành sự thật. Mặc cho kết quả thế nào, luôn làm hết sức mình, không hơn không kém. Nếu bạn làm quá sức, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm tiếp. Nếu bạn làm dưới khả năng của mình, bạn sẽ cảm thấy thất vọng, Vì vậy, điều tốt nhất ta có thể làm là làm hết khả năng của mình. Don Miguel cho rằng tư duy này khiến con người làm việc hiệu quả hơn, không chần chừ đợi chờ bỏ lỡ thời cơ nhưng cũng không nóng vội làm hỏng cơ hội của mình. Vì đã làm hết khả năng của mình, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn với hiện tại.
Cảm nhận của bạn đọc về thỏa ước thứ tư:
"Luôn làm hết khả năng của mình là tôn chỉ làm việc của tôi. Tôi luôn nói với bản thân, bạn bè, và học trò của mình rằng không bao giờ nên hướng tới sự hoàn hảo mà chỉ nên tập trung vào những điều tốt nhất ở thời điểm hiện tại."
Như đã viết ở đầu bài, bốn thoả ước của Don Miguel Ruiz có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ. Đây là cuốn sách nhỏ mà hữu ích cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội, và mọi hoàn cảnh khó khăn bạn đang gặp phải. Vì đây là loại sách phát triển bản thân (self-help), nó không hoàn toàn dễ đọc và dễ để bạn mộng mơ như tiểu thuyết hay các loại sách văn học khác. Tuy nhiên, nếu bạn đọc lại nhiều lần (tôi thường đọc lại một vài chương khi gặp vấn đề trong cuộc sống) và ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày, tôi tin bạn sẽ tìm được niềm vui và bình yên trong tâm hồn để sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn.
Thẻ từ khóa: Bốn thỏa ước, Bốn thỏa ước pdf, Bốn thỏa ước ebook, Tải sách Bốn thỏa ước