Schopenhauer Nhà Giáo Dục
Chuyên mục: Triết học
Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Schopenhauer Nhà Giáo Dục":
Có người hỏi một kẻ du hành đã từng qua lại nhiều nước non, lắm lục địa thế nào là cái phẩm tính con người mà anh ta gặp khắp nơi kia, y trả lời: là cái khuynh hướng lười biếng. Không một ai nghĩ thêm câu trả lời kia sẽ đúng hơn nữa, sẽ giá trị hơn nữa, nếu nó bảo: tất cả họ đều là những kẻ rụt rè, sợ sệt. Từ đáy lòng mình ai cũng biết một cách quá rõ ta chỉ sống được một lần trong cuộc đời, ta là trường hợp đặc thù, duy nhất, và không một sự tình cờ nào, dù quái ác đến đâu, có thể một ngày kia tô bồi dị hợm nhiều phẩm tính hòa tan trong cái toàn thể. Họ biết điều đó, nhưng họ che giấu, làm như mình có một ý xấu xa. Tại sao phải cực nhọc như vậy? Tại nỗi sợ hãi kẻ bên cạnh, người đồng loại, nó đòi ta phải khép vào khuôn khổ, tập tục và chính nó cũng ẩn nấp bên trong. Những cái gì đã làm cho con người phải sợ hãi kẻ đồng loại, phải suy nghĩ và hành động theo bầy đàn súc vật và chẳng ước ao được chính là mình đã. Hẳn một vài kẻ là sự e dè, nhưng hiếm thôi. Phần đông là nỗi uể oải, bơ phờ, lừ đừ, tóm lại là những khuynh hướng lười biếng mà người du hành của chúng ta đã nói trên kia. Y rất có lý, con người vẫn lười biếng hơn rụt rè, họ sợ nhất những phiền muộn kéo đến do một tấm lòng trong sáng, ngay thẳng, chính trực tuyệt đối. Chỉ duy những người nghệ sĩ thù ghét cái phó mặc buông trôi, bơ thờ được vay mượn theo công luận lừa đảo kia, chỉ duy họ mới khám phá ở nó lý lẽ thầm kín, ý xấu xa lan tràn khắp mọi nẻo, và sự kiện con người ai cũng vậy là một phép màu duy nhất. Họ dám chứng minh với chúng ta, con người với tư cách là người, là kẻ cô đơn lẻ loi trên mỗi một dáng dấp đi qua; hơn nữa họ còn dám chứng minh con người là tốt đẹp, là xứng đáng được xét đến trong cái lô-gíc gắt gao của tính độc nhất; một con người mới mẻ phi thường, nó giống như mọi tác phẩm của thiên nhiên và không có chút chi buồn não. Nếu có nhà tư tưởng nào khinh bỉ con người, thì chính họ khinh bỉ sự lười biếng nơi con người, cái làm cho ta giống những đồ vật tạo sẵn từng loạt, hững hờ, không đáng được tới lui học hỏi. Con người không chịu gia nhập vào đám đông là kẻ từ chối khoan dung với mình; họ chỉ vâng theo tâm ý của riêng họ khi tâm ý đó gào lên “Phải là mày đi. Những điều mày làm, mày nghĩ, những cái mày thèm khát lúc hiện giờ, tất cả chẳng phải là mày đâu.”
Mọi tâm hồn trẻ trung đều nghe tiếng gọi kia và họ giật nẩy mình; vì ngay khi cảm nhận được cuộc giải phóng thực sự của mình, họ cảm nhận được khuôn thước hạnh phúc mà vĩnh cửu dành riêng cho họ, niềm hạnh phúc chẳng ai giúp họ đạt được khi họ còn bị còng trong xích xiềng của sợ hãi, của công luận người đời. Nếu không được giải phóng cuộc sống sẽ lạnh lẽo và vô lý biết bao. Trên thế gian này chẳng có loài tạo vật nào ngu xuẩn và đáng ghê tởm hơn con người khi quỵ gối, chùn chân trước thiên tài đặc sắc của mình để nhìn ngang ngửa trước sau. Ta cũng chẳng nên trách móc gì con người đó, vì họ chỉ là một thứ phù du, một tấm trướng lồng gió, một bóng ma sơn phết hoa hòe, không làm ai sợ sệt hay dù chỉ một chút xót thương.
Niềm ghê tởm của các thế hệ tương lai sẽ ra sao khi họ phải lãnh phần gia tài thừa hưởng do thời đại này để lại, thời đại bị điều khiển, thống trị bởi những kẻ không phải là những con người sinh động, nhưng là những bọn người đồng nhất, giống nhau, người này y hệt người kia, những bọn nô lệ của công luận, bàng quan! Chính vì vậy thời đại của chúng ta sau này hẳn sẽ xuất hiện với các thế hệ tương lai như là một thế kỷ u tối nhất, xa lạ nhất, vì đó là thời đại phi nhân nhất trong lịch sử. Khi tôi đi rảo qua những con đường mới đắp ở mấy thành phố của chúng ta, tôi tự nhủ rằng tất cả những mái nhà kia do một thế hệ bọn thủ cựu xây dựng chừng một trăm năm nữa rồi sẽ chẳng còn gì, và lúc đó thứ tư tưởng của những người xây cất chúng cũng tiêu hủy theo thôi. Trái lại, niềm hy vọng chói lòa làm đập rộn ràng trái tim, của những kẻ không cảm thấy mảy may nào mình là công dân của thời đại này sẽ ra sao, sẽ cao lớn đến đâu, vì nơi đâu họ bắt buộc phải cộng tác để giết thời đại của mình và cùng chết theo với nó, cho đến khi ngược lại họ đánh thức được triều đại mình nơi đời sống, để cùng sống sót lại với nó và trong nó.
Nhưng dù ngay khi tương lai không bảo đảm một hy vọng nào đi nữa, cuộc sống lạ lùng của ta trong thời hiện đại cũng là cái khích lệ mãnh liệt, bắt ta phải sống theo khuôn khổ của riêng ta, theo lề luật của riêng ta, tôi muốn nói cái sự kiện không thể giải thích nổi là chúng ta sống rõ ràng ở ngày nay, trong khi chúng ta sử dụng để khai sinh cái trương độ vô hạn của thời gian, chúng ta chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi là ngày hiện tại đây thôi, và ta phải, trong cái phút giây khoảnh khắc đó, chứng minh cho được với lý lẽ và mục đích nào mà ta xuất hiện vào ngày hôm nay đây. Chúng ta phải hoàn toàn gánh lấy trách nhiệm của cuộc sống riêng ta, và vì thế, ta phải cương quyết làm hoa tiêu thực sự cho đời mình, để không cho phép nó giống với một sự tình cờ đắng cay, nghiệt ngã nào. Phải xáp đến gần nó với gan góc, với bạo dạn chừng nào cũng được, vì rồi sao đi nữa chúng ta cũng sẽ mất nó. Tại sao phải bám vào mảnh đất này, vào nghề nghiệp kia, tại sao phải chỏ tai vào lời lẽ thị phi của anh hàng xóm lắm điều? Thật là quê mùa quá đỗi khi nguyền phải vâng theo những ý tưởng chẳng giúp ích được gì, ở cách xa đây hàng trăm dặm đường dài. Phương Đông và Phương Tây, đó là những đường ranh có người vạch ra để lừa bịp tính nhút nhát của mình. Cõi lòng người trẻ trung tự nhủ: “Ta sắp toan nắm được tự do”. Vì cái tình cờ, cái số mệnh luôn mong hai nước thù nhau, giết nhau, luôn mong một cái biển ngăn cắt đôi hai lục địa, hay lại rao giảng ở đây một thứ tôn giáo chẳng hề có ở mấy ngàn năm trước. Chẳng có ai dựng được thay anh những nhịp cầu buộc anh phải vượt, chỉ có riêng anh mới bắt được cho mình để bước qua con sông biến dịch là cuộc đời. Không một ai cả, trừ anh. Hẳn là có trăm con đường mòn, cả vạn cây cầu, và bao nhiêu kẻ nửa thần nửa thánh sẽ sẵn sàng mang hộ anh qua sông, nhưng chính anh phải tiêu pha cuộc đời mình, phải cầm cố nó đi, dù cho anh phải đánh mất luôn nó. Trên đời chỉ có một con đường độc nhất cho anh đi. Nhưng nó sẽ dẫn đến đâu? Ô hay, sao lại hỏi chi kỳ lạ vậy, hãy đi đã? Ai là kẻ đã đưa ra nguyên tắc này. “Một kẻ chỉ đi cao lên được mãi khi y không biết con đường sẽ dẫn mình đến đâu.”
Tham khảo thêm: Siêu Hình Tình Yêu, Siêu Hình Sự Chết
Tham khảo thêm: Siêu Lý Tình Yêu
Tham khảo thêm: Socrate Tự Biện
Tham khảo thêm: Sự Kiến Tạo Xã Hội Về Thực Tại
Tham khảo thêm: Sự Nghèo Nàn Của Thuyết Sử Luận
Thẻ từ khóa: Schopenhauer Nhà Giáo Dục, Schopenhauer Nhà Giáo Dục pdf, Schopenhauer Nhà Giáo Dục ebook, Tải sách Schopenhauer Nhà Giáo Dục