Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh
Chuyên mục: Triết học
Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh":
Ngày 3/1/1992, một buổi họp giữa các học giả Mỹ và Nga diễn ra tại lễ đường của một tòa nhà chính phủ ở Matxcơva. Hai tuần trước đó, Liên Xô tan rã và Liên bang Nga trở thành một quốc gia độc lập. Theo đó, bức tượng Lênin vẫn thường ngự trị trong đại lễ đường nay nhường chỗ cho lá cờ của Liên bang Nga. Duy chỉ có một chuyện, một học giả Mỹ nhận xét, là lá cờ đó bị treo lộn ngược. Khi đồng nghiệp Mỹ chỉ ra điều đó, chủ nhà lẳng lặng và nhanh chóng sửa sai ngay trong lần nghỉ giải lao đầu tiên.
Những năm tháng sau Chiến tranh Lạnh được chứng kiến những thay đổi sâu sắc về bản sắc các dân tộc và biểu tượng của những bản sắc này. Nền chính trị toàn cầu bắt đầu tái định hình theo các xu thế văn hóa. Những lá cờ treo ngược là một dấu hiệu của sự chuyển biến quá độ, nhưng ngày càng có nhiều lá cờ được treo cao hơn và hãnh diện hơn. Người Nga cũng như các dân tộc khác tiến bước theo lá cờ và biểu tượng văn hóa mới của chính họ.
Ngày 18/4/1994, hai nghìn người tập hợp ở Sarajevo, tay phất cờ của Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ. Phất những lá cờ này chứ không phải cờ của Liên Hợp Quốc, NATO hay cờ Mỹ, những người Sarajevo tự xác định mình là những người anh em với tín đồ Hồi giáo và cho thế giới biết ai thật sự là bạn của họ.
Ngày 16/10/1994, tại Los Angeles, 70 nghìn người tuần hành dưới “biển cờ Mêhicô” phản đối Dự luật 187 của Hoa Kỳ tước bỏ nhiều quyền lợi của những người nhập cư bất hợp pháp. Một số nhà quan sát thắc mắc: Tại sao họ “xuống đường với quốc kỳ Mêhicô khi đòi hỏi nước Mỹ phải cho con em họ được hưởng giáo dục miễn phí?”, “Lẽ ra họ phải cầm cờ Mỹ mới phải”. Hai tuần sau đó nhiều người biểu tình khác xuống đường và tay cầm cờ Mỹ – lộn ngược. Những lá cờ lần này biểu thị thắng lợi của họ trước Dự luật 187.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, quốc kỳ của các nước trên thế giới thật sự có ý nghĩa cũng như các biểu trưng văn hóa khác, trong đó có cả chữ thập, trăng lưỡi liềm, thậm chí cả khăn đội đầu – bởi vì văn hóa có tầm quan trọng và bản sắc văn hóa có ý nghĩa đối với hầu hết mọi người. Người ta đang khám phá bản sắc mới nhưng thường lại là cũ, đang tiến bước dưới lá cờ mới nhưng thực chất là cũ, đang đưa họ tới những cuộc chiến với kẻ thù mới song cũng thường vẫn là kẻ thù cũ.
Một Weltanschauung[1] ảm đạm cho kỉ nguyên hiện đại này được thể hiện sinh động bằng triết lý của nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc người Venise[2] trong tiểu thuyết Vũng biển chết của Michael Dibdin: “Người ta chẳng bao giờ có bạn mà lại không có kẻ thù, người ta ghét cái không giống mình, nghĩa là người ta yêu cái giống mình. Đây chỉ là những chân lý cũ mà chúng ta đang cố gắng khám phá lại sau một thế kỉ loanh quanh lảng tránh. Những ai phủ nhận những chân lý này đang phủ nhận chính gia đình mình, di sản, văn hóa và chính bản thân mình!” Cái chân lý đáng buồn trong những chân lý cổ xưa này, các chính khách và học giả không thể bỏ qua. Đối với những dân tộc đang tìm lại bản sắc của mình và đang tái sáng tạo sắc tộc, thì xác định bạn – thù là vấn đề quan trọng. Và kẻ thù tiềm tàng nguy hiểm nhất nằm ở những phân chia ranh giới không hợp lý giữa các nền văn minh lớn của thế giới.
Chủ đề chính của cuốn sách này là văn hóa và bản sắc văn hóa, mà ở mức độ rộng nhất chính là các bản sắc văn minh, đang hình thành các hình mẫu liên kết, tan rã và xung đột trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.
Tham khảo thêm: Suy Niệm Mỗi Ngày
Tham khảo thêm: Suy Tưởng - Marcus Aurelius Antoninus
Tham khảo thêm: Suy Tưởng
Tham khảo thêm: Tác Phẩm Triết Học
Tham khảo thêm: Tại Sao Mác Đúng
Thẻ từ khóa: Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh, Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh pdf, Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh ebook, Tải sách Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh