Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Hố thẳm của tư tưởng":
Lời mở đầu về lần tái bản thứ ba
Quyển Hố thẳm của tư tưởng này đã đánh dấu một giai đoạn của người viết, một giai đoạn phủ nhận triệt để. Sau sự phủ nhận triệt để này là Sự im lặng của Hố thẳm.
Không thể nào đọc Hố thẳm của tư tưởng mà không đọc Im lặng hố thẳm mà không thấy Hố thẳm của tư tưởng.
Lần tái bản thứ ba này, người viết đã tự tiện xoá bỏ bài viết về luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung vì bài ấy chỉ có tính cách giai đoạn và nhất là chỉ có tính cách tượng trưng. Sau sự tượng trưng là Thực Tại viết hoa và Thực Tại bắt chéo.
Vỗ cánh bay chín từng trời cao ngất.
(Hàn Mặc Tử)
Tôi mở đầu Hố thẳm của tư tưởng với Hàn Mặc Tử. Đáng lẽ Hàn Mặc Tử viết quyển này, vì Hàn Mặc Tử là người duy nhất đã sống trong Hố thẳm của Tư tưởng bằng chính hơi thở, máu, nước mắt, thân thể và linh hồn. Thơ của Hàn Mặc Tử là Tư tưởng của Hố thẳm; thi ca và tư tưởng đều bắt đầu và chấm dứt nơi Hố thẳm; thi ca bay về Hố thẳm bằng cánh phượng hoàng; Tư tưởng bay về Hố thẳm bằng cánh chim ưng. Chim ưng và chim phượng hoàng bay lượn vòng nhau, giao cấu nhau giữa mống cầu vồng bảy sắc và khai sinh ra một bồ câu màu đen chưa từng xuất hiện trên đời.
Phạm Công Thiện
Paris, ngày 22/VI/1966
Mở đầu
Đặt lại căn nguyên tư tưởng hôm nay
Hố thẳm của tư tưởng là Uyên tư. Tư tưởng hôm nay và tư tưởng ngày mai phải là tư tưởng về Hố thẳm. Con đường đi đến Hố thẳm là con đường của Thể và Tính; tính thể của thể tính là thể dụng; thể dụng là triết, tượng, ái, thơ và hoạ, phương trời của thể dụng là Hố thẳm, vì tư tưởng phải hủy tư tưởng, thể dụng phải phá hủy thể dụng để đi về thể tính của Hố thẳm, tức là uyên mặc, có nghĩa là niềm im lặng của Hố thẳm; đó cũng là con đường của tư tưởng Việt Nam mà Tính mệnh đã bừng sáng từ thời Lý qua những thiền sư Việt Nam cho đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du và Trần Cao Vân; nhất là đến bây giờ, tính mệnh ấy đã hực sáng một cách bi tráng với máu lửa ngút trời của quê hương, mở phương trời cam go đi đến Hố thẳm, Hố thẳm của triều dương hay tịch dương: một câu hỏi đã được đặt ra và tất cả câu trả lời đã nằm trong niềm im lặng mênh mang của Tính mệnh.
Chương nhất – Triết và tính
Trở lại tính thể của triết lý và tư tưởng
1.
Triết lý là gì? Chính câu hỏi này là một câu hỏi về một câu hỏi; bởi vì triết lý là một câu hỏi và khi nói “Triết lý là gì?” thì đã hiện lên một câu hỏi thứ hai rõ ràng hơn: “là gì?”.
“Là gì?” là câu hỏi làm sáng tỏ câu hỏi ẩn tiềm trong “triết lý”. Trong “triết lý” chứa đựng một câu hỏi đen tối. Câu hỏi đen tối là câu hỏi nằm trong bóng tối như một người nằm trong gian phòng tối mà không bật đèn. Câu hỏi sáng là bóng đèn, nghĩa là ánh sáng; ánh sáng làm sáng tỏ những gì nằm trong tối. Chữ “triết lý” trong câu hỏi “triết lý là gì?” là bóng đèn, là ánh sáng khi nó đứng và hiện diện trong những chữ khác, trong tất cả những chữ khác; nhưng khi chữ “triết lý” đứng chung với chữ “là gì?” như câu hỏi “triết lý là gì?” thì lập tức chữ “triết lý” trở thành đen tối và chữ “là gì?” hiện diện với tất cả huy hoàng sáng rực của ánh điện. Trong câu hỏi “triết lý là gì?”, chữ “triết lý” là câu hỏi đen tối; còn chữ “là gì?” là câu hỏi sáng tỏ; câu hỏi “là gì?” làm sáng tỏ ý nghĩa đen tối của danh từ “triết lý”: ý nghĩa đen tối của danh từ “triết lý” là câu hỏi; “làm triết lý” là làm câu hỏi; “học triết lý” (gọi tắt là triết học) là học câu hỏi hay học đặt câu hỏi; “triết gia”, “triết nhân”, “nhà triết học” “con người triết học” là những danh từ để gọi con người mà thể tính của họ là đặt câu hỏi – nói một cách khác là tra vấn và cật vấn. Người làm triết lý là người hỏi cung, người tra khảo. Người làm triết lý là con người chỉ biết hành hạ tra tấn. Tra tấn, đánh đập, đổ nước vào mũi, đâm kim vào đầu ngón tay là những hình thức tế nhị của một câu hỏi.
Triết lý xuất hiện từ lúc nào? Từ lúc bắt đầu có ngôn ngữ. Con người chỉ được gọi là người khi nào con người biết nói; con người biết nói là con người biết nghe (câm thì phải điếc, mặc dù điếc không bắt buộc phải câm). Nói là nghe; nói là hỏi; hỏi là trả lời. Lúc con người biết nói là lúc triết lý xuất hiện; vì biết nói là biết hỏi; hỏi là triết lý. Đứng trước sự vật, con người nguyên thủy bắt đầu ngạc nhiên. Chính sự ngạc nhiên tạo ra ngôn ngữ, thi ca và triết học; chính sự ngạc nhiên sinh ra tư tưởng (Aristote đã ý thức được sự ngạc nhiên là câu hỏi. Sự ngạc nhiên xuất hiện cùng lúc với ý thức và ý thức có nghĩa là hỏi. Hỏi thì phải hỏi về; vì nếu không hỏi về thì không phải là hỏi, nghĩa là không phải là ý thức. Hỏi là triết lý; hỏi về sự hỏi này là triết học; triết học là hỏi về triết lý, mà nói gọn là “Triết lý là gì?”. “Triết lý là gì?” là hỏi về sự hỏi, nghĩa là cái “LÀ GÌ? ấy là gì?” nói gọn là “LÀ GÌ? là gì?”. Như vậy ý thức quay lộn lại ý thức; ý thức về ý thức hãy là ý thức tự hỏi ý thức. Nói khác, triết lý là ngạc nhiên; triết học là ngạc nhiên về sự ngạc nhiên này.
Tham khảo thêm: Hoàn Cảnh Hậu Hiện Đại
Tham khảo thêm: Khế Ước Xã Hội
Tham khảo thêm: Khổng Tử và Luận Ngữ
Tham khảo thêm: Khuyến Học
Tham khảo thêm: Kinh Thư Diễn Nghĩa
Thẻ từ khóa: Hố thẳm của tư tưởng, Hố thẳm của tư tưởng pdf, Hố thẳm của tư tưởng ebook, Tải sách Hố thẳm của tư tưởng