Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Tuân Tử":
CHƯƠNG I. LƯỢC TRUYỆN TUÂN TỬ
TUÂN TỬ họ Tuân, tên Huống (荀况) tự là Khanh (卿). Người đời cũng gọi ông là TÔN KHANH (孫卿)[15]. Tổ tiên là một vọng tộc ở nước Tấn, từ khi Trí Bá bị giết (-451) mới dời qua nước Triệu, và Tuân sinh ở Triệu. Chưa thể xác định được năm ông sinh và năm ông mất. Vũ Đồng, trong cuốn Trung Quốc Triết Học Đại Cương cho rằng ông sinh khoảng -330 (Hiển Vương), mất khoảng -227 (Vương Chính, đời Tần). Theo biểu Hành Trạng Tuân Tử, do La Căn Trạch lập, thì ông sinh ước vào năm -312 (năm thứ 3 đời Chu Noãn Vương, đời Chu) và mất sau năm Xuân Thân Quân qua đời[16]. Vương Trung Lâm trong Tân Dịch Tuân Tử Độc Bản – Tam Dân Thư cục, 1974, cho Tuân Tử sinh vào năm -315 (gần giống La Căn Trạch) và mất năm -228 (gần giống Vũ Đồng).
Hai tài liệu cổ nhất về đời sống của Tôn Tử và còn lưu tới ngày nay là thiên 74, phần Liệt Truyện trong Sử Kí của Tư Mã Thiên và bài Tựa cuốn Tôn Khanh Tân Thư của Lưu Hướng. Lưu Hướng (79 trước T.L. – 8 trước T.L.) sinh sau Tư Mã Thiên (-145 -?), chắc đã đọc Sử Kí, chỉ khác mỗi một điều là Tư Mã Thiên cho Tuân Tử làm quan lệnh ở Lan Lăng nước Sở một lần thôi, còn theo Lưu Hướng thì Tuân nhận chức đó tới hai lần.
Nhưng cả hai tài liệu đó đều không rành mạch, nên chúng tôi đành tạm dùng ít đoạn trong Tuân Tử và bài Tuân Khanh du lịch khảo của La Căn Trạch trong Chư Tử Khảo Sách mà viết lại.
Việc đầu tiên La Căn Trạch ghi về hành động của Tuân Tử là việc Tuân vô Tần yết kiến Tần Chiêu Vương và Tướng quốc Ưng hầu, tức Phạm Tuy[17], không rõ năm nào chỉ biết là sau năm -226, năm Phạm Tuy được phong là Ưng hầu. Nếu Tuân sinh năm -312, như La Căn Trạch đoán, thì lúc đó Tuân đã khoảng 46 tuổi. Vậy Tuân nổi danh cũng rất trễ, trễ hơn Mạnh Tử nữa.
Trong Tuân Tử, có hai đoạn chép về việc Tuân qua Tần đó.
Một đoạn ở thiên Nho hiệu (không trích dịch trong phần II), Chiêu Vương chê nhà Nho là vô ích cho nước, Tuân đáp đại ý rằng nhà Nho theo đạo Tiên vương, trọng lễ nghĩa, có địa vị cao trong triều đình làm cho phong tục được đẹp đẽ. Chiêu Vương khen là phải, nhưng rồi cũng không dùng.
Một đoạn nữa ở thiên Cường quốc (cũng không trích dịch trong phần II), Phạm Tuy hỏi cảm tưởng về nước Tần ra sao, Tuân Tử đáp rằng: Tần địa thế hiểm yếu, nhiều tài nguyên, dân chúng chất phác, không dâm đãng, biết sợ nhà cầm quyền, quan lại nghiêm chỉnh, trung tín, mặt nào cũng tốt cả, chỉ có một sở đoản là không biết dùng Nho gia. Phạm Tuy không đáp gì cả.
Vậy ta có thể đoán trễ lắm là vào khoảng ngoài 40 tuổi, Tuân đã có chủ trương rõ rệt là dùng đạo Nho để trị nước và muốn đi chu du các nước để thuyết phục các vua chư hầu, như Khổng, Mạnh thời trước. Tại sao ông lại sang Tần mà không qua Tề trước (Tề ở sát ngay Triệu) thì ta không hiểu. Có lẽ thấy Tần lúc đó đương mạnh nhất, có cơ thống nhất được thiên hạ, nên muốn thuyết phục vua Tần thi hành đạo Nho mà dựng nghiệp vương.
Vua Tần không dùng ông, nên ít lâu sau, ông về Triệu rồi qua Tề (sau năm -264, tuổi khoảng 50). Ông ở Tề khá lâu, Sứ Kí chép rằng ba lần làm Tế tửu (tam vi tế tửu). Thời đó, theo Từ Hải, tế tửu chưa phải là một chức quan. Trong các buổi tế lễ, hễ người nào tuổi cao, được trọng vọng thì lãnh việc dâng rượu cúng trước hết. Vậy có lẽ là Tuân cũng chỉ được kính trọng – chẳng hạn ngang hàng với đại phu thôi – chứ không được giao phó một chức vụ gì quan trọng cả.
Vậy mà tới năm -255 (năm nhà Chu bị Tần chiếm), Tuân cũng không ở Tề được nữa (có lẽ bị kẻ gièm pha), qua Sở, được tướng quốc Sở là Xuân Thân Quân[18] đề cử làm một chức lệnh (coi một ấp) ở Lan Lăng, một miền ở tỉnh Sơn Đông ngày nay, tức ở biên giới Đông Bắc Sở thời đó, rất xa kinh đô Sở mà Sở vừa chiếm được.
Được bốn, năm năm, cũng vì bị gièm pha[19], năm -250, Tuân mất chức, từ Sở về Triệu và có lần bàn về việc binh với Lâm Vũ Quân, trước mặt vua Hiếu Thành Vương nước Triệu. Việc này chép ở đầu thiên Nghi binh (coi phần II). Tuân chủ trương phép dùng binh phải đoàn kết dân tâm, thống nhất dân trí, trái hẳn với Lâm Vũ Quân, nhưng Triệu cũng không dùng ông.
Năm -246, vua Tần lấy hiệu Thuỷ Hoàng Đế, vào khoảng đó, Xuân Thân Quân ân hận rằng đã nghi oan Tuân, nên viết thư xin lỗi và mời ông trở về Sở lãnh chức cũ. Ông giữ chức lệnh ở Lan Lăng tới khi Xuân Thân Quân bị giết, năm -238. Già quá, 74-75 tuổi rồi, ông không đi đâu nữa, ở lại Lan Lăng tới khi mất[20]. Không rõ ông sống thêm được bao lâu, có phải thấy hai môn sinh của ông, một kẻ bị giết (Hàn Phi), một kẻ làm tể tướng ở Tần (Lí Tư) không.
Đó, về đời ông, chúng ta hiện nay chỉ biết được bấy nhiêu. Còn về số môn sinh của ông, cách ông dạy học, trị dân, về việc ông viết sách… không có tài liệu nào ghi lại cả. Chỉ biết ông gây được một học phái, học phái Lan Lăng, vậy chính tích ông chắc tốt, ảnh hưởng của ông đáng kể.
Về tính tình ông thì coi phần tiểu truyện ở trên, và đọc bộ Tuân Tử, chúng ta có thể đoán được ít nhiều.
Ông cũng có chí cứu đời như Khổng, Mạnh, hai chục năm bôn ba qua Tần, Tề, Sở (ba nước mạnh nhất thời đó), nhưng không hăng hái như Mạnh, không tự đắc hiên ngang như Mạnh, có lẽ ông ôn hoà như Khổng Tử nên ba lần làm “tế tửu” ở Tề, hai lần làm quan lệnh ở Sở.
Tính ông có vẻ điềm đạm, suy tôn Khổng Tử, nhưng không tới mức bảo “từ khi có nhân loại tới nay, chưa ai bằng Khổng Tử” (lời của Mạnh Tử), tuy chê mười hai triết gia (Phi thập nhị Tử), nhưng không gay gắt như Mạnh Tử khi mạt sát Dương và Mặc.
Ông cũng cho biện thuyết để làm rõ đạo là bổn phận của ông, nhưng không hiếu thắng như Mạnh Tử khi cải nhau về “tính” với Cáo Tử, ông cứ bình tĩnh đưa ra lẽ phải trái, chứng cứ rành mạch, người ta nghe thì càng hay, không nghe, ông cũng không tức, và gặp kẻ hiếu thắng thì thôi, ông không nói nữa. Khi chê chính sách của Tần, hoặc cách dùng binh của Triệu giọng ông không gay gắt.
Ông học rộng, có nhiều ý độc đáo, suy luận sắc bén và có tinh thần nghệ sĩ ít nhiều, nên nổi danh về từ phú. Văn ông giản luyện, cân đối, không lôi cuốn như văn Mạnh. Mạnh là một chính trị gia hơn là một triết gia, trái lại, ông là một triết gia, một tư tưởng gia hơn là một chính trị gia, và chúng tôi đoán Xuân Thân Quân đề cử ông làm chức lệnh ở Lan Lăng vì trọng tư cách, sở học hoặc văn tài của ông chứ không vì những tư tưởng chính trị của ông, mà sở dĩ ông nhận chức đó có lẽ một phần chỉ vì nể tình tri ngộ của Xuân Thân Quân đấy thôi.
Tham khảo thêm: Tuyển Tập Krishnamurti
Tham khảo thêm: Vài nét sơ lược về sự phát triển của triết học Trung Hoa
Tham khảo thêm: Vật Lý Và Triết Học
Tham khảo thêm: Về Thể Tính Của Chân Lý
Tham khảo thêm: Walden - Một Mình Sống Trong Rừng
Thẻ từ khóa: Tuân Tử, Tuân Tử pdf, Tuân Tử ebook, Tải sách Tuân Tử