Cơn ác mộng của nhà thần học
Chuyên mục: Triết học
Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Cơn ác mộng của nhà thần học":
Lời Người Dịch
Sự kiện Bertrand Russell được trao giải Nobel về văn chương (1954) thường được nhắc nhở, và nay thành phổ thông mỗi khi có dịp nhắc về ông, nhưng ông không là một nhà văn, thơ theo nghĩa chuyên nghiệp, như phần đông những người nhận giải này, mặc dù ông cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, có những người khác trước và sau ông như Henri Bergson (1927), Albert Camus (1957), Jean-Paul Sartre (1964) đều là những triết gia lỗi lạc của thế kỷ qua.
The Theologian’s Nightmare là một truyện rất ngắn của Bertrand Russell, tôi chọn dịch cho những ai tò mò nếu muốn biết Russell viết “văn” ra sao. Đọc chưa xong, chúng ta đã dễ dàng thấy ngay; ông viết như một triết gia, và khoa học gia. Dĩ nhiên, và hơn nữa vẫn là một triết gia vô thần quen thuộc. Tôi kể ba điều này ngược dòng thời gian, ông là một người vô thần trước khi vào Cambridge, ở đấy, trước học toán, sau mới sang triết lý. Ông nổi danh và có một địa vị và ảnh hưởng hết sức sâu rộng trong tư tưởng và triết học ở thế kỷ qua, đến nay vẫn chưa ai vượt qua: đem toán học vào giải quyết những vấn đề triết học. Qua nỗ lực đó thành nhà luận lý nổi tiếng nhất trong thời đại của mình, và qua tham vọng đó, thành người tiên phong khai sáng trường phái triết học mới – triết học phân tích. Nhưng như ông nói về Plato “Đã từng luôn luôn là đúng để ca ngợi Plato, nhưng không hiểu ông. Đây là số phận chung của những con người vĩ đại”. Tôi dừng ở đây, biết mình vừa phạm vào một lỗi lầm, ca ngợi Russell về những nội dung mà mình còn không có khả năng hiểu trọn. Nội dung mà tôi hiểu về ông, như rất nhiều người khắp thế giới hiểu và ngưỡng phục ông, là quan điểm của ông về tôn giáo, những phê phán nền tảng của ông với tôn giáo độc thần tại châu Âu, đặc biệt là đạo Kitô, và tổ chức những hội nhà thờ của nó.
Thế nên, mặc dù chọn dịch bài văn này để giới thiệu một khía cạnh khác của Russell, tôi cũng không sao tránh khỏi không trở lại những nội dung đã quen thuộc với những độc giả phổ thông của ông: phê phán đạo Kitô. Ở đây, một lần nữa, chúng ta lại gặp một Russell hóm hỉnh diễu cợt những giáo điều Kitô về Gót và con người. Đáng thương thay giấc mơ trẻ thơ Thiên đàng, quan điểm ấu trĩ về vũ trụ, và thái độ ngờ nghệch đến lố bịch khi tin gắn cứu cánh của cả hai, con người và vũ trụ của nó, vào một huyễn tưởng Gót.
Một chuyện có thể gọi hiếm hoi và thú vị, cũng có thể đọc cho vui, và cũng để nhắc nhở rằng quanh chúng ta không phải là không có rất đông đảo những người chững chạc vẫn tin như nhà thần học trước khi lên đến cửa thiên đàng.
Dĩ nhiên là không có cửa thiên đàng, và dĩ nhiên là không có nhà thần học nào được sáng dạ và có cơ hội tỉnh ngộ như tiến sĩ Thaddeus, nhưng đây là một truyện ngắn, chúng ta biết các nhà phê bình văn học gọi những chi tiết đó là hư cấu. Tôi trộm đoán Russell, ông giả định như vậy, như chúng ta có dịp học ở những năm đầu trung học. Đó là muốn chứng minh một điều gì là sai, hãy cứ giả định là nó đúng trước đã, sau đó dùng lý luận hợp lý, đưa nó đến những hệ quả vô lý, để kết luận điều giả định là sai, không đúng. Trong lôgích gọi là eductio ad absurdum.
Một khi đã đưa cánh cửa thiên đàng đến ad absurdum, thì không có Gót nào ở sau, mà hẳn nhiên cũng không có con Gót nào từ chốn không-có ấy xuống trần gian thực-có này của chúng ta, vị này khăng khăng tuyên bố chỉ có duy nhất một lối qua “khung cửa hẹp” là tin vào ông, lẽ ra nhân loại đã phải sớm nghi ngờ, vì cũng giống như thái độ của một người bán hàng, khăng khăng chỉ có món hàng của mình là tốt nhất, là duy nhất, và chỉ có thể mua được qua mình. Nếu thế, chắc đã không có những hội nhà thờ sau đó hoành hành, trồng mê tín đặc dày, gây thảm hoạ khôn kể, gieo tai ương vô vàn, tạo ác độc không đủ lời để viết, xuống đám nhân loại quằn quại đáng thương, vốn đã chưa bao giờ từng thiếu khốn khổ, kể từ hai nghìn năm trước vẫn kể đó.
Tôi kể như thế xem ra có phần thừa thãi nhưng cốt để biện minh cho tuyên bố của tôi ở trên – tôi khá hiểu Bertrand Russell về những quan điểm và phê bình tôn giáo của ông với đạo Kitô. Giản dị vì chúng rất hiển nhiên, nên rất dễ hiểu, và ngày càng có đầy rẫy những chứng cớ khoa học quanh chúng ta, chưa kể đến những chứng cớ của lịch sử, và trong thời sự đương xảy ra trên khắp thế giới, và dĩ nhiên cả ở ViệtNam.
Và câu chuyện này chứng minh sự hiển nhiên dễ hiểu đó.
Người dịch Lê Dọn Bàn
Tham khảo thêm: Con Người Trong Thế Giới Tinh Thần
Tham khảo thêm: Cộng Hòa (The Republic)
Tham khảo thêm: Cuộc Cách Mạng Ngược Trong Khoa Học
Tham khảo thêm: Da Thịt Trong Cuộc Chơi
Tham khảo thêm: Đại Cương Triết Học Trung Quốc - Liệt Tử Và Dương Tử
Thẻ từ khóa: Cơn ác mộng của nhà thần học, Cơn ác mộng của nhà thần học pdf, Cơn ác mộng của nhà thần học ebook, Tải sách Cơn ác mộng của nhà thần học