Phơi Bày Bản Chất Của Nhà Nước
Chuyên mục: Triết học
Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Phơi Bày Bản Chất Của Nhà Nước":
DẪN NHẬP
Cuốn sách này đưa ra một trình thuật cô đọng từ góc nhìn của Rothbard về Nhà nước. Nối tiếp Franz Oppenheimer và Albert Jay Nock, Rothbard cũng nhìn nhận Nhà nước như một thực thể bóc lột. Nó không sản xuất ra bất kì thứ gì nhưng lại trộm cướp nguồn lực từ những người tham gia sản xuất. Khi áp dụng quan điểm này lên lịch sử nước Mỹ, Rothbard cũng mượn đến những trước tác của John C. Calhoun.
Làm thế nào một tổ chức thuộc dạng này có thể duy trì chính bản thân nó? Nó phải vận dụng tuyên truyền để giành được sự ủng hộ của quần chúng đối với những chính sách của nó. Giới trí thức và tòa án đóng một vai trò then chốt ở đây, và Rothbard dẫn ra tác phẩm của nhà lý thuyết pháp luật có ảnh hưởng lớn Charles Black, Jr. như một điển hình của sự huyễn hoặc về tư tưởng trong quá trình Tòa án Tối cao trở thành một cơ quan được sùng kính.
CHƯƠNG 1: NHÀ NƯỚC KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI ĐIỀU GÌ
Nhà nước gần như được thống nhất xem là một cơ quan phục vụ xã hội. Một số nhà lý thuyết tôn sùng Nhà nước như một hình tượng thần thánh của xã hội; một số khác xem nó là một tổ chức hiền hòa mặc dù thường kém hiệu quả để đạt được những mục đích xã hội; nhưng hầu như tất cả đều xem nó là một phương tiện cần thiết để đạt được những mục tiêu của nhân loại, một phương tiện để chống lại “kinh tế tư nhân” và thường giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh nguồn lực này. Với sự trỗi dậy của thể chế dân chủ, mức độ đồng nhất của Nhà nước vào xã hội đã được tăng lên bội phần, cho đến khi người ta phải nghe quen tai những điều cảm tính trái với hầu hết mọi nguyên tắc lập luận và lẽ thường, chẳng hạn như “chúng ta là chính phủ.” Thuật ngữ tập hợp “chúng ta” thật quá hữu ích, nó đã để cho một thứ ngụy trang tư tưởng trùm lên thực tế đời sống chính trị. Nếu như “chúng ta là chính phủ,” vậy thì bất kể điều gì một chính phủ làm đối với một cá nhân đều không những công bằng, không hề bạo ngược mà còn mang tính “tự nguyện” xét về phía cá nhân liên quan. Nếu chính phủ đã gánh lấy một khoản nợ công đồ sộ cần phải trả bằng cách đánh thuế một nhóm này vì lợi ích của một nhóm khác, thì thực tế về gánh nặng này sẽ bị giấu nhẹm đi bằng cách nói rằng “chúng ta tự mắc nợ chính mình.” Nếu chính phủ bắt một người đi lính hay tống anh ta vào tù vì bất đồng quan điểm, vậy là anh ta “tự gây ra cho chính mình” mà thôi, và vì thế sự việc chẳng có gì là không thỏa đáng. Theo cách lập luận này, bất kì người Do thái nào bị chính quyền Quốc xã giết hại thành ra đã không hề bị giết hại mà chính là họ đã “tự sát,” bởi vì họ là chính phủ (thứ được chọn ra một cách dân chủ), và vì thế bất kì điều gì chính quyền đã gây ra cho họ đều mang tính tự nguyện – xét từ chính góc độ bản thân họ. Ta sẽ nghĩ rằng rất dễ để nhận ra quan niệm này là đúng hay sai, nhưng có vô số người ở những mức độ khác nhau vẫn bám vào sự trá ngụy ấy không ít thì nhiều.
Do đó, chúng ta phải nói rõ rằng “chúng ta” không phải là chính quyền; chính quyền không phải là “chúng ta.” Chính quyền – theo bất kì một ý nghĩa chính xác nào – không hề “đại diện” cho đa số dân chúng.
Trong chương này, chúng ta không thể nói nhiều những vấn đề và ngụy biện về “dân chủ.” Đủ để nói rằng “đại biểu” hay đầy tớ của một cá nhân luôn phải tuân theo những mệnh lệnh của cá nhân ấy, có thể bị bãi miễn bất kể khi nào và không được hành động đi ngược với lợi ích và ý muốn của người chủ. Rõ ràng “đại biểu” trong một chế độ dân chủ không bao giờ có thể đáp ứng được những chức năng cung cấp dịch vụ như vậy, những chức năng duy nhất hòa hợp với một xã hội theo chủ nghĩa tự do.
Nhưng kể cả nếu nó có đại diện, kể cả nếu 70 phần trăm người dân quyết định giết hại 30 phần trăm những người còn lại, thì đó vẫn sẽ là tội giết người chứ không phải là sự tự nguyện tự sát xét từ phía nhóm thiểu số bị tàn sát. Không một ẩn dụ hay một lối nói rỗng tuếch vô vị rằng “tất cả chúng ta đều thuộc về nhau” được phép che đậy thực tế căn bản này.
Những người có tư tưởng dân chủ xã hội thường đối đáp lại rằng chế độ dân chủ – sự chọn lựa lãnh đạo bởi đa số – theo logic có ngụ ý rằng nhóm đa số phải để lại những quyền tự do nhất định cho thiểu số, bởi một ngày nào đó thiểu số có thể sẽ trở thành đa số. Không kể đến những chỗ sai sót khác, lí lẽ này rõ ràng không thể đúng trong những bối cảnh mà thiểu số không thể trở thành đa số, ví dụ như khi thiểu số thuộc một chủng tộc khác hoặc một dân tộc ít người so với đa số.
Vậy nếu Nhà nước không phải là “chúng ta,” nếu nó không phải là “gia-đình-con-người” tụ họp với nhau để quyết định những vấn đề chung, nếu nó không phải là một cuộc hội nghị Tam điểm hay một câu lạc bộ đồng quê, thì nó là gì? Một cách ngắn gọn: Nhà nước là một tổ chức trong một xã hội và nó luôn cố gắng duy trì sự độc quyền sử dụng vũ lực, bạo lực trong một khu vực lãnh thổ nhất định; một cách cụ thể, nó là tổ chức duy nhất trong xã hội thu được lợi lộc không dựa trên sự đóng góp tự nguyện hoặc các thanh toán cho những dịch vụ nó cung cấp mà dựa trên sự áp bức. Trong khi những cá thể hay cơ quan khác có được thu nhập bằng việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ và bằng cách bán những hàng hóa và dịch vụ ấy cho nhau một cách tự nguyện và hòa bình, Nhà nước thu được lợi lộc nhờ cưỡng bức – tức là là nhờ vào sử dụng và đe dọa bằng nhà tù và lưỡi lê.
Tham khảo thêm: Plato và Con thú mỏ vịt bước vào quán bar
Tham khảo thêm: Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải
Tham khảo thêm: Quyền Lực Của Không Quyền Lực
Tham khảo thêm: Quyền Lực
Tham khảo thêm: Sáng Tạo - Bừng Cháy Sức Mạnh Bên Trong
Thẻ từ khóa: Phơi Bày Bản Chất Của Nhà Nước, Phơi Bày Bản Chất Của Nhà Nước pdf, Phơi Bày Bản Chất Của Nhà Nước ebook, Tải sách Phơi Bày Bản Chất Của Nhà Nước