Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Triết Học Albert Camus":
Triết học của Albert Camus quan tâm đến kinh nghiệm sống về cái hữu hạn và cái tuyệt đối (l’expérience vécue du fini et de l’absolu / the lived experience of the finite and the absolute). Cái hữu hạn là cảm thức về tình trạng vong thân / phóng thể (alienation) của chúng ta, tính dễ bị tổn thương (vulnerability), sự yếu đuối (weakness), tính bất toàn (imperfection), tình trạng không ai nâng đỡ (helplessness), và sự hạn chế của nhận thức (limitation of knowledge). Có lẽ điều này thường gặp nhất trong tính bất khả tiên liệu (unpredictableness) của những sự việc hàng ngày. Tuy nhiên tính hữu hạn đó lại đồng hiện hữu (coexist) với một ý thức vi diệu về tuyệt đối vốn thường được hiểu, dưới những dạng khác nhau, như một Thượng đế bất biến, hay như một vũ trụ bí ẩn mà khởi nguyên hay tận cùng dường như bất khả tư nghị đối với tư tưởng thuần lý (impenetrable to rational thought), hay cảm thức yên bình và duy nhất (one’s sense of peace and oneness) trong sự hiện diện của nắng, gió, và của biển trời, v.v…
Có sự khôn ngoan cả trong việc giữ im lặng trước những tuyệt đối thể đó và có đủ can đảm để nhận lãnh một cách nghiêm túc tính hữu hạn thường ngày của chúng ta (to take seriously our everyday finitude). Quên đi hay khước từ dầu là cái hữu hạn hay cái tuyệt đối đều sẽ đưa đến cái phi nhân (the inhuman): đó là nỗi ám ảnh máy móc đối với những công việc trần thế và tư tưởng thuần lí (những cách trừu tượng hóa khiến cho những con người và những biến cố trở nên không quan trọng và vô nghĩa). Hơn nữa, sự chìm đắm hoàn toàn vào cái này hay cái kia đều làm cho đời sống dường như vắng đi ý nghĩa và đẩy đến cực điểm sẽ là sự tự tử, dầu hiểu theo nghĩa bóng hay cả nghĩa đen. Nhưng những toan tính và những thất bại trong việc hòa giải cái hữu hạn và cái tuyệt đối có thể đưa đến sự tự tử siêu hình (metaphysical suicide): một dao động bất tuyệt giữa hai cực, kéo theo một sự từ khước cả hai, và cuối cùng chính là tồn – tại – mang – đầy – ý – nghĩa – tử – vong của chính mình (the very death – meaningful – existence of one’s self).
Văn hóa Tây phương dường như đặc biệt dễ rơi vào lưỡng nan luận (dilemma) loại đó bằng việc tìm cách làm cho một vài những cái gọi là tuyệt đối thể trở thành thuần lý. Điều này có thể tìm thấy nhiều ví dụ nơi những phương cách xử thế. Chẳng hạn một đàng chúng ta được khuyên bảo đừng nên đòi hỏi tổ quốc có thể làm gì cho chúng ta mà hãy tự hỏi chúng ta có thể làm gì cho tổ quốc; đàng khác chúng ta lại được bảo rằng mỗi cá nhân, xét cho cùng, đều quan trọng. Một đàng chúng ta dựa trên tính thuần lý khoa học kỹ thuật vốn làm cho mọi sự sáng sủa và khả hữu; đàng khác, chúng ta lại ý thức một cách bất an không chỉ cái bờ vực thảm họa mà một tính thuần lý kiểu đó sẽ dẫn dắt chúng ta đến, mà còn cả hoạt lực và sự phong phú của những nền văn hóa khác. Những đối luận (antinomies) của Kant và sự phân ly giữa Thực tại như trong tự thân nó và Thực tại như nó trình hiện cho chúng ta (bifurcation between Reality as it is in itself and Reality as it appears to us) chỉ càng làm tăng thêm tình trạng căng thẳng đó, tách biệt khỏi mọi hiểu biết hay nhận định về các nền văn hóa khác. Một đàng người ta đi lễ nhà thờ vào ngày Chủ nhật và tin tưởng vào huyền nhiệm tiềm ẩn của thế giới; đàng khác chúng ta đi làm việc và đảm nhận một trật tự thuần lý. Những điều nói trên không phản ánh bất kỳ cuộc vật lộn có ý thức nào với tình trạng căng thẳng mà đúng hơn là một chuyển hướng nghịch lý giữa các thái cực (a paradoxical shift between extremes).
Tác phẩm của Camus biểu thị một toan tính duy nhất muốn đối mặt những lưỡng nan luận và những nghịch lý (dilemmas & paradoxes) kiểu đó. Hơn thế nữa ý đồ của ông đưa đến một lập trường triết lý khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến một vài nền minh triết xa xưa của Đông phương đã thành tựu cuộc dung hóa cái thuần lý và thế tục với cái phi thuần lý và cái tuyệt đối (achieve the assimilation of the rational and mundane to the non – rational and the absolute), mà không bị mắc bẫy vào sự phân biệt theo kiểu Platon giữa những Ý niệm / Linh tượng có thực nhưng trừu tượng (the real but abstract Ideas) và thế giới hiện tượng xét cho cùng là không thực (the ultimately unreal world of phenomena). Kiểu phân biệt điển hình này có lẽ đã khích lệ các triết gia sống đời ly thế (to avoid the world) và những người không phải là triết gia (non – philosophers) đắm mình trong con đường nhập thế (to immerse themselves in the world). Cái giá phải trả là sự thiếu tầm nhìn (lack of vision), sức khỏe và nhân tính: đó chính là việc tạo ra, một đàng là cái “địa ngục bàn giấy” (bureacratic hell) và đàng kia là “tháp ngà tư tưởng” (ivory tower). Triết lý của Camus chỉ ra rằng các triết gia không thể ly thế và những người say mê thế sự cũng không thể ly biệt triết học (philosophers cannot avoid the world and those concerned with the world cannot avoid philosophy).
Có thể nào tìm thấy một ý nghĩa trong toan tính của Camus muốn sống hạnh phúc – trong thanh bình và hòa hợp – với tính phi lý biểu kiến của cái hữu hạn và cái tuyệt đối? Mục tiêu chính yếu của tác phẩm này là chỉ ra rằng, trái với quan điểm được phổ biến rộng rãi và được cố thủ vững chắc từ lâu nay, vẫn thường gán cho triết học của Camus là mang tính hư vô chủ nghĩa (nihilistic), thật ra trong những trước tác của Camus có nhiều phát biểu rõ ràng và nhấn mạnh để dùng như là nền tảng để giải thích triết học của Camus không chỉ là phi hư vô chủ nghĩa (non – nihilistic) mà còn chống hư vô chủ nghĩa (anti – nihilistic) một cách không thể nhầm lẫn. Vì lý do đó, đây là một quyển sách có tính tiền phong. Và như thế, hy vọng thiết tha nhất của chúng tôi là quyển sách này sẽ khơi nguồn cảm hứng cho nhiều người khác biên soạn những giảng luận có tính chống hư vô chủ nghĩa chi tiết hơn về tư tưởng của Camus và về chính con người Camus. Nếu hoài vọng của chúng tôi được đong đầy, cho dầu chỉ ở một tầm mức nhỏ bé thôi, chúng tôi cũng sẽ thấy mãn nguyện là đã được tưởng thưởng khi viết ra quyển sách này.
Tháng mười, 1985
Robert C. Trundle, Jr & R. Puligandl
Tham khảo thêm: Triết Học Descartes
Tham khảo thêm: Triết Học Hiện Sinh
Tham khảo thêm: Triết học Kant
Tham khảo thêm: Triết học Mỹ
Tham khảo thêm: Triết Học Nhân Sinh Của Tôi
Thẻ từ khóa: Triết Học Albert Camus, Triết Học Albert Camus pdf, Triết Học Albert Camus ebook, Tải sách Triết Học Albert Camus