Thomas Jefferson
Chuyên mục: Văn hóa - Tôn giáo
THOMAS JEFFERSON: NHÀ LẬP QUỐC VĨ ĐẠI ĐẦY HẤP DẪN CỦA NƯỚC MỸ
Nhân dịp Quốc khánh Mỹ (4/7/2018-4/7/1776), nhìn về lịch sử hình thành và phát triển của nước Mỹ giai đoạn lập quốc 1776-1789 cũng là dịp để chúng ta có thể nhìn lại những nhân vật lãnh đạo đã có công lớn trong việc kiến tạo một nhà nước Mỹ hiện đại, làm nền tảng cho sự phát triển của một cường quốc sau này.
Từ một tập hợp 13 tiểu bang-thuộc địa lỏng lẻo và chia cắt, giờ đây, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và mở rộng lãnh thổ sang hầu như toàn bộ lục địa Bắc Mỹ chỉ trong hơn một thế kỷ. Công lao giành độc lập và xây dựng này thuộc về những người Mỹ được mệnh danh là Founding Fathers - Những Người cha Lập quốc, như Geogre Washington - Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội Mỹ; Benjamin Franklin - nhân vật được mệnh danh là người Mỹ thông thái nhất, người xuất hiện trên tờ 100 đô-la Mỹ; James Madison - Cha đẻ bản Hiến pháp Mỹ năm 1787 và là Tổng thống thứ tư; Alexander Hamilton - Bộ trưởng Tài chính đầu tiên, người tạo nền móng cho hệ thống kinh tế-chính trị Mỹ những năm đầu thành lập; và Thomas Jefferson - vị Tổng thống thứ ba, người viết nên tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập Mỹ bất hủ và cũng là người tiến hành việc cải cách nền giáo dục Mỹ với trường Đại học Virginia.
Thomas Jefferson: Nhân sư Mỹ là cuốn sách không chỉ viết về một trong những Người cha Lập quốc được yêu thích nhất của nước Mỹ, mà còn về nền chính trị và các chính khách có ảnh hưởng đến thời đại và sự thành lập của nước Mỹ. Không giống các cuốn tiểu sử khác, Thomas Jefferson: Nhân sư Mỹ không là một cuốn tiểu sử cá nhân mà còn phân tích sâu sắc hơn về các triết lý đằng sau việc hình thành hệ thống chính trị của Mỹ, với những ảnh hưởng vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Dường như ở nước Mỹ, không một nhà lãnh đạo nào mang lại nhiều tranh luận, hâm mộ và nhiều điển tích như Thomas Jefferson. Khi đọc cuốn sách, các bạn sẽ thấy những giai thoại, lời bình về ông vượt qua Washington, Adams và cả Lincoln, và đầy mâu thuẫn nghịch lý trong chính tư duy và con người ông.
Tác giả nỗ lực phân tích những phát triển, thay đổi suy nghĩ và động lực ẩn giấu của Thomas Jefferson tại 5 giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời ông: Soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập ở Philadelphia (1775-1776); Chứng kiến cuộc Cách mạng Pháp trong những năm 1780 ở Paris khi ông là Công sứ (1784-1789); Chống lại phe đối lập chống Liên bang từ trang trại quê hương ở Monticello (1794-1797); Trong nhiệm kỳ đầu tiên là Tổng thống Mỹ (1801-1804), và dành những năm cuối của ông ở quê nhà và những nỗ lực xây dựng Đại học Virginia (1816-1826).
Tác giả - Giáo sư sử học Ellis, một học giả đầy uy tín nghiên cứu về giai đoạn thành lập nước Mỹ với nhiều tác phẩm khác đã thực hiện một công việc rất có giá trị khi cố gắng tìm hiểu tâm trí của một nhân vật sâu sắc, uyên thâm nhưng cũng khó nắm bắt nhất mà như ông nói, Thomas Jefferson có lẽ là một nhân vật khó hiểu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một người từng tuyên bố rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và tự do nhưng bản thân ông lại là chủ của hàng trăm nô lệ. Một người nỗ lực lên án việc buôn bán nô lệ như một tội ác lại cũng là người từng đem bán một số nô lệ của chính mình. Người viết và giảng về sự trong sạch đạo đức nhưng lại có những mối tình lang chạ lịch sử như lời đồn đoán về quan hệ của ông với nô lệ da đen của mình. Người từng tuyên bố hạn chế quyền lực của chính phủ liên bang với một chính phủ nhỏ nhất, nhưng lại cũng là người quyết định mua mảnh đất Louisiana rộng mênh mông.
Hầu như bất cứ quyết định lớn lao nào trong đời, Jefferson cũng đầy những giằng xé nội tâm để rồi tìm ra một cách nào đó phù hợp với toàn bộ niềm tin cá nhân của chính ông. Chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Jefferson suốt đời sống trong nợ nần, có những món nợ do ông thừa kế từ bố vợ nhưng phần lớn là do cách tiêu xài hoang phí của ông gây ra, nhất là công trình kiến trúc khổng lồ với nội thất xa hoa, lộng lẫy mà ông cho xây trên ngọn đồi Monticello quê nhà.
Bạn đọc hẳn còn nhớ những câu nói nổi tiếng và quen thuộc nhất trong lịch sử Mỹ và cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc”. Thật thú vị khi chúng ta biết được rằng, người viết nên những câu chữ hùng hồn này lại là một người rụt rè, cảm thấy khó khăn khi phải thuyết trình trước đám đông và thường trốn tránh các cuộc tranh luận nảy lửa giữa các phe phái nơi chính trường.
Jefferson mất ngày 4/7/1826, đúng 50 năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ được ký kết, văn bản có lẽ quan trọng và vĩ đại nhất của loài người cho đến nay. Trên mộ bia là dòng chữ do chính ông mong muốn được hậu thế nhớ tới: “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, của Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, và là cha đẻ của trường Đại học Virginia”. Ông đã không hề nhắc gì đến chức danh Tổng thống của mình!
Ellis là tác giả nổi tiếng và là giáo sư lịch sử tập trung vào thời kỳ Cách mạng Mỹ. Ông nổi tiếng với cuốn sách đoạt giải Pulitzer - Các nhà Lập quốc: Thế hệ Cách mạng (Founding Brothers: Revolutionary Generation) năm 2002 và các cuốn tiểu sử về Tổng thống Washington và Adams. Cuốn sách Thomas Jefferson: Nhân sư Mỹ của Joseph J. Ellis được xuất bản năm 1996 và giành được Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ năm 1997. Chắc chắn cuốn sách sẽ mang đến nhiều bất ngờ và thú vị cho độc giả, những người muốn hiểu hơn về những nhà lập quốc vĩ đại của nước Mỹ.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả một cuốn sách rất có chiều sâu này về một vĩ nhân của lịch sử!
- NGUYỄN CẢNH BÌNH
***
Bất kỳ nhà viết tiểu sử Jefferson nào có tham vọng, những người nhận thức được rằng Jefferson là một chủ đề đã tốn quá nhiều giấy mực và rằng các thư viện đã đầy ắp những cuốn sách về ông, đều sẽ làm rất tốt việc trích dẫn lại những lời nổi tiếng của người con Virginia trẻ tuổi năm 1776. Tôi muốn nói là không ai lại đi dại dột mà viết thêm một cuốn sách khác về Thomas Jefferson chỉ vì lý do “nhất thời và thiếu thuyết phục”. Trên thực tế, “sự thận trọng phải có” và “sự kính trọng cần có đối với những ý kiến của loài người đã yêu cầu” việc xuất bản tất cả những cuốn sách mới về người đàn ông đến từ Monticello này phải đi kèm với một lời tuyên bố chính thức về lý do đã khiến vị tác giả ấy thực hiện nỗ lực này.
Lý do của tôi khởi nguyên từ hơn 30 năm trước, khi tôi theo học chương trình sau đại học tại Yale, chuyên ngành lịch sử Mỹ sơ khai. Không thể tránh được Jefferson khi cố gắng nắm bắt câu chuyên về Cách mạng Mỹ, bởi sự nghiệp của ông được đan xen trong những sự kiện chính của kỷ nguyên. Và những ý tưởng của ông, chí ít là những ý tưởng mà ông là người phát ngôn hùng hồn nhất, đã xác lập nên những chủ đề chính của câu chuyện về một nước Cộng hòa Mỹ mới nổi. Hơn nữa, tôi còn là một người gốc bang Virginia, và cũng giống như Jefferson, đã tốt nghiệp tại Đại học William & Mary. Tôi thậm chí cũng có những lọn tóc vàng hung như Jefferson và cũng học cách che giấu cảm giác bất an đằng sau mặt nạ của sự trầm lặng bí ẩn. Vì vậy, cũng là lẽ tự nhiên với tôi khi, ở vị trí lọt thỏm trong nơi đã từng là cái nôi của Thanh giáo kiểu New England và chủ nghĩa liên bang, trở nên đồng nhất với những nghi ngờ sắc lẹm của Jefferson về sự khổ hạnh kiêu ngạo và khí hậu đặc sệt Bắc cực của vùng New England.
Thầy hướng dẫn cuối cùng của tôi trong chương trình sau đại học, Edmund S. Morgan, thậm chí còn có một bức chân dung khổng lồ của Jefferson treo trong văn phòng. Bức tranh sáng rực phong cách của danh họa Rembrandt Peale những năm 1800 vẽ Jefferson nhìn xuống những buổi học của chúng tôi đầy vẻ uy quyền từ kiếp trước khiến tôi cảm thấy, kỳ lạ thay, thật an tâm. Jefferson và tôi là những tâm hồn có chút đồng điệu, tôi tự nhủ, là những đồng minh trong thế giới xa lạ này, nơi chất giọng miền Nam dường như tương quan ngược với mục đích nghiêm túc của người nói. Mối cuồng si tuổi trẻ với Jefferson cuối cùng cũng giống như chất giọng miền Nam của tôi, chưa bao giờ thực sự biến mất mà chỉ bị đẩy xa đến một đường biên mờ mờ, nơi nó mất đi đặc trưng độc đáo của mình. Tuy vậy, cũng giống như bất cứ mối tình tuổi trẻ nào, sự si mê ấy đã trở thành một phần luôn thường trực trong gia tài tình cảm của tôi.
Không hẳn là tôi thực sự biết nhiều về cuộc sống và suy nghĩ của Jefferson. Cảm giác thân thuộc của tôi với Jefferson mang tính cá nhân hơn là học thuật. Chỉ một lần, khi tôi đang tìm chủ đề cho bài viết của mình, tôi đã tính đến chuyện viết về Jefferson. Tôi nhớ là C. Vann Woodward, một người đồng hương miền Nam cũng mới đến New Haven - mặc dù với tư cách là một sử gia có thâm niên chứ không phải mới nổi - đã cảnh báo tôi về sự nguy hiểm của lựa chọn đó. Ta không bao giờ nên thử tiểu sử cho đến khi có nhiều trải nghiệm hơn trong đời, anh ấy khuyên tôi như vậy. Về Jefferson, ông là một chủ đề không hề rõ ràng và nổi tiếng là khó nắm bắt tới nỗi mà bất kỳ sử gia trẻ tuổi nào đã từng xông pha theo đuổi ông đều giống như những thanh niên lanh lợi được cử ra chiến trường, thực hiện những nhiệm vụ bất khả, thường xuất hiện trong câu chuyện về những nạn nhân bi thảm của chiến tranh. Tôi chưa bao giờ nghiêm túc xem xét Jefferson về mặt học thuật trong 25 năm tiếp đó.
Là giảng viên đại học, tôi yêu cầu đọc sách về Jefferson trong các khóa học của mình, và tôi cũng đã xây dựng giáo án chính thức về Tuyên ngôn Độc lập và quan điểm ngược đời của Jefferson về nô lệ. Nhưng chỉ đến khi bắt đầu nghiên cứu để viết một cuốn sách về John Adams, tôi mới bắt đầu thăm dò phần chìm trong những thư tín của Jefferson. Thật kỳ quặc đối với một người con Virginia khi trở về nhà lần nữa, bước đến Monticello bằng con đường của Quincy, nhưng chuyện là vậy đó.
Adams quả thực có mối quan hệ rất đặc biệt với Jefferson. Đó là mối quan hệ vượt ra ngoài đại nghiệp chống lại sự cai trị của đế quốc Anh và vượt trên cội rễ khác nhau trong văn hóa vùng miền khu vực New England và Virginia. Kết quả là, Adams ngưỡng mộ, thậm chí là yêu quý Jefferson; họ duy trì tình bằng hữu kéo dài suốt 50 năm, được thể hiện rõ nhất trong những trao đổi thư từ vào những năm cuối đời mà hầu hết các sử gia đều coi là thành tựu trí tuệ cao nhất đối với những thành quả của thế hệ cách mạng. Nhưng Adams cũng bất đồng sâu sắc với cách nhìn của Jefferson về cuộc Cách mạng Mỹ. Thực vậy, ông cho rằng toàn bộ tầm nhìn chính trị của Jefferson chỉ dựa trên toàn bộ những ảo tưởng hấp dẫn cám dỗ. Càng đọc tôi càng đi đến kết luận là Adams đã đúng. Lần đầu tiên tôi bắt đầu nhìn nhận Jefferson bằng sự phê phán và mỉa mai.
Cuối cùng tôi đưa ra quyết định viết một nghiên cứu dài bằng một cuốn sách về Jefferson trong lúc viết một bài luận cho số đầu tiên của tờ Civilization về vị trí có phần tranh cãi của Jefferson trong nền văn hóa đương đại Mỹ. Nếu tác phẩm của tôi về Adams cho tôi một quan điểm mới, thì bài luận cho tờ Civilization lại khiến tôi có một cách đánh giá mới mẻ về tầm ảnh hưởng của Jefferson như một biểu tượng của nước Mỹ. Ta có thể nghiên cứu vài năm liền về Adams và tận hưởng sự biệt lập tuyệt vời. Nhưng nghiên cứu về Jefferson lại giống như bước vào một căn phòng chật kín người, lúc nào cũng có những cuộc hội thoại dang dở, và tiếng rì rầm liên miên, chứng tỏ rằng có nhiều thứ để nói về chủ đề này hơn là chỉ giải quyết những câu hỏi lịch sử thuần túy. Jefferson có sức hút như điện từ. Ông là biểu tượng cho những giá trị được trân quý và gây nhiều bàn cãi nhất trong văn hóa Mỹ hiện đại. Ông là một trong những người đàn ông da trắng đã qua đời nhưng vẫn còn quan trọng.
Những suy nghĩ mở rộng này không những trở thành lý do để tôi viết cuốn sách về Jefferson mà còn có những ảnh hưởng mang tính quyết định định hình nên bản thân cuốn sách. Vô số các tác phẩm về Jefferson mang tính ngoa dụ, như thể một người sẽ phải tuyên bố lòng trung thành của mình ngay từ ban đầu, hoặc đi theo hoặc chống lại phiên bản thần thánh của Jefferson như đã được mô tả qua bức tượng bán thân bằng cẩm thạch của Jean-Antoine Houdon hoặc chí ít là bức chân dung thánh thiện của Rembrandt Peale. Tâm lý cường điệu quá mức này thực ra lại tái hiện bầu không khí chính trị phân cực cao độ ở thời Jefferson, khi mà bạn buộc phải theo ông hoặc chống lại ông, yêu quý ông hoặc căm ghét ông. Thường thì những người viết tiểu sử sẽ đứng về phe của người mà họ viết tiểu sử. Nhưng trong trường hợp của Jefferson, các phe phân tách rõ rệt hơn và cũng không có nhiều lựa chọn. Dường như không thể chọn đứng bên phe nào khi một bên là những kẻ sùng bái còn một bên là những kẻ muốn phơi bày mọi thứ.
Đó chính xác là cách mà tôi đang cố gắng theo đuổi trong những trang tiếp theo. Lấy cảm hứng từ ví dụ của John Adams, tôi tin rằng ta có thể vừa yêu mến vừa phê phán Jefferson, xuất phát từ giả thiết rằng không một cá thể người đích thực nào từng bước trên trái đất nay lại chịu đựng nổi gánh nặng ngộ nhận đè lên vai như Jefferson. Tôi cũng tự thuyết phục mình rằng mối cuồng si tuổi trẻ phải đi theo cái cách của tuổi trẻ, nghĩa là mọi đánh giá kỹ càng về những nhân vật huyền thoại suy cho cùng đều sẽ khiến những người hâm mộ nồng nhiệt nhất có phần thất vọng. Những điều tốt đẹp nhất và tồi tệ nhất của lịch sử nước Mỹ đan xen không thể tách rời trong con người Jefferson, và bất cứ ai nếu chỉ hạn chế việc tìm hiểu ở một vế của phương trình đạo đức thì sẽ dẫn đến việc bỏ qua mất một phần quan trọng của câu chuyện.
Cách tiếp cận của tôi có sự chọn lọc - một bạn đọc gần đây thậm chí còn gọi đó là cách tiếp cận mang tính điện ảnh - nhưng vẫn duy trì một cam kết truyền thống với trình tự thời gian. Rõ ràng ta chẳng cần đến một câu chuyện khác đầy đủ, nhiều chương về cuộc đời và thời đại Jefferson. Mục tiêu của tôi là nắm bắt Jefferson vào những khoảnh khắc thăng hoa trong đời ông, lia vào cận cảnh suy nghĩ và hành động của ông trong những khoảnh khắc kéo dài này, tập trung vào những giá trị và niềm tin được bộc lộ ra trong những bối cảnh lịch sử cụ thể, đồng thời cung cấp cho bạn đọc một lượng kiến thức nền về những gì đã diễn ra giữa các cảnh, để có thể theo sát trình tự cuộc đời Jefferson từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi đời. Cách tiếp cận này đòi hỏi phải đưa ra lựa chọn khi thế này khi thế khác, và tôi chỉ có thể đồng tình với những nhà phê bình quen thuộc, những người đã kết luận rằng những tháng năm quan trọng trong vai trò Ngoại trưởng hay trải nghiệm khó chịu trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Jefferson đòi hỏi phải được nghiên cứu đầy đủ hơn. Cách biện minh duy nhất của tôi là trích những tác phẩm học thuật đầy rẫy hiện có, để tái khẳng định niềm tin rằng câu chuyện của Jefferson cần phải được đặt giữa hai bìa sách và thừa nhận mong muốn tự vệ của mình nhằm tránh kết cục của rất nhiều người đi trước: rơi tự do vào vực thẳm Jefferson.
Mục tiêu theo đuổi chính của chúng tôi, sau tất cả, vẫn là tính cách của Jefferson, những nguyên tắc sống động đã ảnh hưởng tới đời sống cá nhân và xã hội của ông, biến ông thành một chính khách quan trọng và một con người độc đáo như thế. Tôi thấy ở ông thực sự có một niềm tin và những sự lo lắng trong thâm tâm. Mặc dù ông luôn khó nắm bắt và cực kỳ khéo léo trong việc che đậy dấu vết, vẫn có những giá trị Jefferson cơ bản quyết định nên hình hài tầm nhìn chính trị mà ông đã rất thành công trong việc nêu cao trong thế giới của mình và giờ đây vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới của chúng ta. Ngoài ra, một lần nữa, tôi còn thấy ở ông một lòng trung thành kiên định với những niềm tin cốt lõi từ ngày đầu ông xuất hiện trên sân khấu quốc gia năm 1775 đến khi từ giã cõi đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1826. Những mâu thuẫn được nói đến nhiều và sự thiếu nhất quán của Jefferson là có thật, chắc chắn thế, nhưng sự dẻo dai về mặt tâm lý, khả năng chơi trốn tìm trong bản thân ông chính là một thiết bị bảo vệ, ông đã tạo ra để ngăn cho tầm nhìn cá nhân lãng mạn và thực sự cực đoan khỏi đâm sầm vào thực tại. Như tôi sẽ cố gắng thể hiện trong Chương 1, những thế hệ sau này, bao gồm cả thế hệ chúng ta, chắc chắn đã khám phá ra nhiều ý nghĩa trong tầm nhìn Jefferson, vốn có thể hiểu theo nhiều nghĩa nhưng riêng Jefferson biết ý ông là gì và những gì ông nói là những điều ông vẫn hằng tin tưởng.
Điều tôi cố gắng làm ở đây là phục dựng con người và ý nghĩa ấy trong sự ngưng kết của bối cảnh cuối thế kỷ 18 - bằng một ngôn ngữ có thể tái hiện được niềm tin trong trí tuệ người dân thường nước Mỹ đối với Jefferson. Điều này có nghĩa là thứ ngôn ngữ chuyên biệt của những tài liệu học thuật đã được chuyển thành thứ tiếng Anh phổ thông và những ý nghĩa âm vang của những thuật ngữ nặng nề như “chủ nghĩa cộng hòa”, “phái Whig”, “tự do” và “đảng chính trị” không được cho là hiển nhiên. Trong khi tôi hy vọng chắc chắn những đồng nghiệp học giả của mình sẽ đọc cuốn sách này, thậm chí là thấy cách diễn giải của tôi có phần tươi mới và một ít những ngớ ngẩn chắc chắn không tránh khỏi, tôi mường tượng độc giả của tôi sẽ là một phần lớn những người dân thường có một hứng thú chung chung nhưng thật lòng với Thomas Jefferson.
Món nợ học thuật của tôi có thể so sánh với sự thiếu hụt tài chính khổng lồ của Jefferson lúc cuối đời, điều mà tôi chỉ có thể hy vọng sẽ trả lại bằng tiền tệ của lòng biết ơn. Mọi học trò của Jefferson đều mang món nợ không trả nổi đối với Dumas Malone quá cố và Merill D. Peterson, những người đã mạnh mẽ kể câu chuyện về Jefferson và thời đại của ông xuất phát từ những giả thiết khác nhau và do đó đi đến những kết luận khác nhau so với câu chuyện tôi đang cố gắng kể ở đây, đồng thời cũng chính là những người đặt ra tiêu chuẩn viết tiểu sử mà căn cứ trên đó, giờ đây tất cả chúng ta đang được đánh giá. Tác giả Julian P. Boyd đã khuất và những biên tập viên kế tục ông tại dự án Những tài liệu của Thomas Jefferson tại Princeton đã duy trì tiêu chuẩn cao tương tự trong khi sắp xếp những nguồn cơ bản mà câu chuyện của chúng ta dựa trên. Cuối cùng, những nhân viên tuyệt vời tại Quỹ Tưởng niệm Thomas Jefferson đã giúp đỡ tôi cực kỳ nhiệt tình trong những lần tôi ghé thăm Monticello. Quả vậy, tôi xin đặc biệt cảm ơn Daniel P. Jordan, Giám đốc quỹ, và Douglas Wilson, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Jefferson, người không chỉ cho tôi ở nhờ tại Kenwood mà còn sắp xếp một số dịp trước công chúng để tôi được chia sẻ tác phẩm đang dang dở của mình đồng thời duy trì mức độ lịch sự và hỗ trợ cao nhất ngay cả khi rõ ràng là Chúa không cho tôi diễm phúc được nhìn thấy Jefferson như họ.
Những chương bản thảo riêng lẻ hay những tập bản thảo cỡ một chương sách đã được những người sau đây đọc giúp: Howard Adams, Joann Freeman, Ann Lucas, Pauline Maier, Lucia Stanton và Mary Jo Salter. Hầu hết hoặc toàn bộ bản thảo đều nhận được nhận xét hữu ích của Catherine Allgor, Andrew Burstein, Eric McKitrick, Peter Onuf, Stephen Smith và Douglas Wilson. Cũng xin lưu ý rằng, điều này nghĩa là không ai trong số những đồng nghiệp hào phóng này phải chịu trách nhiệm về những thành kiến diễn giải của tôi. Chấp nhận Thomas Jefferson là một quá trình vốn dĩ mang tính tranh luận, và chất lượng lời khuyên mà tôi nhận được phản ánh chuẩn xác những bất đồng nghiêm túc về di sản của ông.
Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Stephen Smith, biên tập viên tại tờ Civilization, người đã cho phép tôi thử đăng những phiên bản đầu tiên của lý luận của mình trên tạp chí của ông. Phần mở đầu này xuất hiện lần đầu trên ấn bản tháng 11-12 năm 1994; tôi đã bàn về bản thảo Tuyên ngôn Độc lập của Jefferson trong ấn bản tháng 6-7 năm 1995; diễn giải về Jefferson và chế độ nô lệ trong ấn bản tháng 11-12 năm 1996.
Đại diện của tôi, Gerry McCauley, đã nắm tay tôi và đưa tôi đi ăn trưa những lúc thích hợp. Ở Knopf, biên tập viên của tôi, Ashbel Green và trợ lý của anh, Jennifer Bernstein đã lo cho cuốn sách này rất chu đáo và lịch sự.
Toàn bộ bản thảo được viết tay, rồi chuyển vào đĩa nhờ có Helen Canney, người mà khả năng đọc đoán nét chữ xiêu vẹo của tôi đã trở thành nghệ thuật. Ba đứa trẻ nhà tôi, Peter, Scott và Alexander còn nghĩ ra cả một kho những câu đùa về việc rơi vào vực thẳm Jefferson. Vợ tôi, Ellen, đã đọc từng chương dự thảo nhỏ giọt của tôi và đều đều đưa ra những gợi ý về văn phong mà tôi không thể bỏ qua.
Ban đầu tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn những sử gia, người mà, với tư cách cá nhân cũng như công việc, đại diện cho những giá trị mà tác phẩm của tôi nỗ lực noi theo.
Sự xuất hiện của phiên bản Nhân sư Mỹ do nhà xuất bản Vintage ấn hành tháng 4 năm 1998 đã cho phép tôi có một vài chỉnh lý âm thầm cho phiên bản in ở Knopf. Đây là những chỉnh lý nhỏ mà độc giả cẩn thận sẽ bắt lỗi được sau khi tác giả và biên tập viên đã cố hết mình để tránh những hổ thẹn này.
Tuy vậy, hiện tại, phiên bản Vintage đòi hỏi phải được chỉnh lý khá nhiều sau khi một nghiên cứu DNA của Tiến sĩ Eugence Foster được xuất bản. Nghiên cứu này đã làm thay đổi toàn bộ cuộc tranh cãi từ lâu về quan hệ giữa Jefferson và Sally Hemings. Thành thực mà nói, một chủ đề lịch sử gây tranh cãi từ lâu và đã được nghiên cứu rất nhiều như chủ đề này hiếm khi bị ảnh hưởng bởi những bằng chứng mới. Nhưng đây lại chính là trường hợp của nghiên cứu của Foster.
Phần chỉnh lý do sự xuất hiện của bằng chứng mới này quá quan trọng nên tôi không thể giữ yên lặng. Tôi đã đưa ra bốn thay đổi lớn: trước hết, thêm câu chuyện của nghiên cứu Foster vào phần mô tả sự phù hợp đương đại của Jefferson (Lời mở đầu); thứ hai, chỉnh lý lại phần viết về vụ lùm xùm khi lần đầu nó nổi lên trên chính trường năm 1802 (Chương 4); thứ ba, thêm một đoạn văn về quan hệ Jefferson-Hemings ở những ngày cuối đời của Jefferson (Chương 5); thứ tư, thêm một đoạn bàn về nghiên cứu Foster trong phần viết về lịch sử của cuộc tranh cãi (Phụ lục).
Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình về vấn đề Sally, chứ không phải về Jefferson. Ông nổi lên trong phiên bản có chỉnh lý này như một người Mỹ bí ẩn hơn bao giờ hết, phức tạp hơn và cực kỳ kín đáo, thoải mái hơn trong mâu thuẫn của chính mình.
JOSEPH J. ELLIS
Amherst, Massachusetts
Tháng 11 năm 1998
Tham khảo thêm: Phẩm Tam Quốc - Tập 1
Tham khảo thêm: Vương Triều Sụp Đổ
Tham khảo thêm: Tào tháo thánh nhân đê tiện - tập 5
Tham khảo thêm: Nam Bộ Với Triều Nguyễn và Huế Xưa
Tham khảo thêm: Truyện danh nhân Việt Nam - Thời Nguyễn
Thẻ từ khóa: Thomas Jefferson, Thomas Jefferson pdf, Thomas Jefferson ebook, Tải sách Thomas Jefferson