Anh hùng Bắc Cương - Quyển 1
Chuyên mục: Văn hóa - Tôn giáo
Quý độc giả đã đọc Anh-hùng Tiêu-sơn giai đoạn một, mang tên Thầy tăng mở nước. Thấy tăng mở nước không phải là tên mới, vì đã xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ mười hai, để chỉ chư vị tăng ni hồi đó biến đổi Phật-giáo từ Ấn-độ, Trung-quốc qua, thành một Phật-giáo dân tộc. Nhân ở hoàn cảnh mất nước lâu dài trong gần nghìn năm, các ngài đã lồng đạo pháp đức Thế-tôn với chủ đạo tộc Việt thời vua Hùng, vua An-Dương vua Trưng làm một. Bởi vậy mới có câu: “Đạo pháp bất dị quốc đạo”.
Vì nước mất đã lâu, nay các ngài dựng lại được, nên người đương thời dùng câu Thầy tăng mở nước để ghi nhớ công ơn.
Đạo-pháp, dân tộc là một không có nghĩa toàn thể tộc Việt phải sống trong đạo Phật, mà có nghĩa: Đem đạo pháp của đức Thế-Tôn ra giúp dân tộc. Đem đức từ bi, hỷ xả làm căn bản trong việc trị dân.
Giai đoạn hai, chỉ rõ một Phật-tử trong ngôi vị hoàng đế, đem đạo pháp ra trị nước, làm cho dân chúng ấm no, sung sướng như thời vua Hùng, vua Trưng. So sánh với Trung-nguyên bấy giờ hoàn toàn dùng Nho, khác hẳn. Thế nhưng không có ma sao có Phật? Bởi vậy trong triều Thuận-Thiên hoàng đế (Lý Thái-tổ) quên ăn, quên ngủ lo cho dân, thì ma qủi hiện ra dưới lớp Hồng-thiết giáo. Lại có những con ma, con quỷ đội lốt tăng ni như Nguyên-Hạnh, Hoàng-Liên, Thạch-Phụng.
2. Đến giai đoạn ba thời đại Tiêu-sơn biến sang một nét mới, thuật công cuộc phòng ngự biên cương phía Bắc của 207 khê động, tức các bộ lạc dân tộc thiểu số. Suốt mấy nghìn năm, cho đến nay, các khê động như hàng rào, bảo vệ Bắc-cương Đại-Việt.
Vào thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, lãnh thổ nước ta tới hồ Động-đình. Riêng lĩnh địa quận Giao-chỉ gồm lưu vực sông Hồng tức Bắc-Việt ngày nay và vùng lưu vực sông Tả-giang, Hữu-giang tức vùng Nam Trung-quốc như : Lộc-xuân, Nguyên-dương, Khâu-bắc, Văn-sơn, Phú-định (thuộc Vân-Nam). Một phần phía Tây-Nam sông Tả-giang như Điền-lâm, Bách-sắc, Điền-dương, Điền-Đông, Sùng-tả, Bồ-Bắc, Nhạc-xuyên thuộc Quảng-Tây.(1)
Những năm 1981-1982-1983 khi công tác cho Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaceutique, viết tắt là CEP), Ủy-ban trao đổi Y-học Pháp-Hoa (Comité Médical Franco-Chinois, viết tắt là CMFC) du hành sưu khảo trong các vùng trên, tôi đã được phỏng vấn trước sau gần năm mươi giòng họ trong vùng này. Có tới bốn mươi ba giòng cho biết gia phả chép rằng, tổ tiên họ vào thời Tống còn là người Việt. Tôi cũng mò mẫm vào bảo tàng viện địa phương, cơ quan bảo tồn di tích cấp xã để nghiên cứu về kết quả những cuộc khai quật trong các vùng nói trên.
Một số mộ tìm thấy những viên gạch trên nắp quan tài ghi tên người quá cố với những niên hiệu của:
Vua Lê-đại-Hành như Thiên-Phúc (980-988) Hưng-thống (989-993) Ứng-thiên (994-1005),
Vua Lý Thái-Tổ như Thuận-Thiên (1010-1028), Lý Thái-Tông như Thiên-Thành (1028-1033) Thông-Thụy (1034-1037).
Di tích gần nhất là ngôi mộ giòng họ Quách ở vùng Điền-Đông thuộc Quảng-Tây ghi:
Quách công húy Tuần. Thụy Minh-Mẫn
Chung ư thập tam nhật, thập nhị nguyệt, Tý thời
Kim vương Đại-Định, bát niên, Ất-Mão
Nghĩa là: Ông họ Quách tên là Tuần, tên thụy là Minh-Mẫn, từ trần giờ Tý ngày mười ba, tháng chạp. Nhằm niên hiệu đức vua Đại-Định năm thứ tám, tức năm Ất-Mão. Tra trong sử, Đại-Định là niên hiệu của vua Lý Anh-Tông. Năm thứ tám là năm 1147.
Tại Khâu-bắc, Văn-sơn, Phúc-định thuộc Vân-Nam còn có đền, miếu thờ công chúa Bảo-Hòa, nhưng không biết công chúa Bảo-Hòa Lý hay Thân. Người ta đã khai quật nhiều mộ người Việt, ghi lại những di tích đời Trần với niên hiệu vua Trần Thái-Tông, Nhân-tông.
Giữa hai vùng đồng bằng Tả-giang, Hữu-giang với Trung-châu Bắc-Việt chia cách nhau bằng khu rừng núi Bắc-biên ngày nay. Trong đám rừng núi này có 207 nhóm sắc tộc Mèo, Thái, Mán, Nùng, Tày, Mường. Sử gia Trung-quốc gọi họ là Man-dân, hoặc Khê-động. Sự thực những khê-động là di tích của các Lạc-ấp thời vua Văn-lang, Âu-lạc, Lĩnh-Nam còn sót lại.
Khi Mã Viện chiếm trọn Lĩnh-Nam. Y trồng một cột Đồng-trụ ở biên giới Giao-chỉ, Quế-lâm, Tượng-quận. Nếu vậy, đồng trụ phải nằm ở khu tứ giác Nam-ninh, Liễu-châu, Bắc-sắc, Nam-đơn, chứ không thể nằm trong lãnh thổ Bắc-Việt.
Thời vua Ngô đánh quân Nam-Hán, ngài chỉ đuổi chúng khỏi trung châu Bắc-Việt, tới vùng núi non Bắc-cương ngày nay, tức đuổi khỏi phần lưu vực sông Hồng, chứ không đuổi khỏi lĩnh địa Giao-chỉ cũ. Từ đấy biên cương Hoa-Việt ngăn cách nhau bằng khu núi non Bắc-cương với 207 khê động.
Trong thời gian Bắc-thuộc, các khê-động và biên cương không đặt ra. Vì người Hoa coi toàn thể lãnh thổ ta thuộc Thiên-hạ tức đất của họ.
Lúc vua Lê Đại-Hành đánh Nam-Hán, cũng không chiếm lại lãnh thổ Lĩnh-Nam cũ đã đành, mà không đòi lại toàn vẹn cố thổ Gia-chỉ. Thành ra các khê-động khi ta mạnh theo ta, khi Tầu mạnh theo Tầu.
Đến đời Lý, Đại-Việt giầu mạnh, triều đình mới nghĩ đến việc chiếm lại 207 khê động, vì biết mình ở gần, Tống ở xa.
Việc đầu tiên, vua Lý Thái-Tổ (Thuận-Thiên hoàng đế) phong cho Thân Thiệu-Anh thống lĩnh 207 khê-động. Ngài gả công chúa thứ nhì cho con Thiệu-Anh là Thừa-Qúy, với sắc phong Lĩnh-Nam bảo-quốc, hoà dân công chúa, gọi tắt là công chúa Bảo-Hòa. Hai người ra sức tranh dành thống nhất các khê động nhưng không thành.
Con của công-chúa Bảo-Hòa cùng phò mã Thân Thừa-Quý là Thân Thiệu-Thái lại được vua Lý Thái-Tông gả công chúa Bình-Dương cho. Chính công chúa Bình-Dương, cùng phò mã Thân Thiệu-Thái đã thành công trong việc chiếm lại toàn vẹn 207 khê động, thống nhất thành nước Bắc-biên. Hai vị còn tiến lên phía Bắc vùng núi đi vào vùng lưu vực Tả, Hữu-giang.
Bộ sách này thuật giai đoạn chiến tranh đó. Giai đoạn dành cố thổ trong thời đại Tiêu-sơn mang tên Bình-Dương ngoại sử, Bình-Dương ngoại truyện hoặc Anh-hùng Bắc-cương.
Tiếc thay, vùng đất đồng bằng phía Bắc của 207 khê động, vào thời Lê giặc Mạc Đăng-Dung hiến cho quân Minh, và vào thời Pháp thuộc người Pháp cắt phần nữa cho Trung-hoa dân quốc (2) Đau hơn, gần đây cuộc chiến tranh Hoa-Việt. Việt bị mất 56 xã thuộc vùng Cao-lạng (3) . Sau cuộc chiến, phía Việt quên, không nhắc nhở gì tới đòi lại.
3. Huyền sử kể rằng quốc tổ Kinh-Dương kết hôn với công chúa con vua Động-đình. Rồi quốc tổ Lạc-Long kết hôn với công chúa Âu-Cơ. Sau khi kết hôn cả hai vị quốc tổ đều đưa quốc mẫu lên núi Tam-sơn trên hồ Động-đình hưởng thanh phúc ba năm. Khi các vị lên núi Chín vạn hoa tầm xuân nở. Sau này, vào thời Lĩnh-Nam, anh hùng cũng đại hội trên núi Tam-sơn tuyên cáo khởi binh. Tiếp theo, có hai trận đánh kinh thiên động địa xẩy ra tại đây.
Phía Nam hồ Động-đình là sông Tương chảy theo hướng Bắc về Nam, qua Hồ-Nam, Quảng-Tây. Bên hữu ngạn sông Tương có ngọn núi Thiên-đài là nơi vua Đế-Minh lập đàn tế cáo trời đất, phong cho con trưởng làm vua phương Bắc (nay là Trung-quốc) tức vua Nghi; con thứ làm vua phương Nam (nay là Việt-Nam) tức vua Kinh-Dương. Di tích đó nay vẫn còn.
Huyền sử ghi rằng: Lạc-Long quân chia trăm con đi khắp nơi qui dân lập ấp, mỗi năm hội nhau tại cánh đồng Tương một lần.
Vì những lý do đó, đầu năm 1981, tôi lấy máy bay đi Bắc-kinh, đổi máy bay từ Bắc-kinh đi Trường-sa. Từ Trường-sa tôi dùng xe đi lên Nhạc-dương trấn, rồi thuê xuồng thăm hồ Động-đình, núi Tam-sơn, Quân-sơn. Tôi quan sát chi tiết phong cảnh, hoa cỏ vào tiết Xuân để tường thuật cuộc khởi nghiã cùng hai trận đánh vào thời vua Trưng cho đúng.
Sau đó tôi đi thăm Tương-đài, ba cánh đồng Tương: Tương-Nam, Tương-trung, Tương-Âu và Thiên-đài.
Trong bộ Anh-hùng Bắc-cương này, tôi sẽ thuật chi tiết những sự kiện đó.
Xin kính mời quý độc giả đọc Anh-hùng Bắc-cương, để thấy tổ tiên ta anh hùng như thế nào.
Viết tại Paris ngày giỗ tổ Hùng-vương năm Tân-Mùi (1991).
Ghi chú
(1) Độc giả có thể tìm hiểu rõ ràng hơn vấn đề này xin đọc những bài nghiên cứu về lịch-sử, địa lý, triết học , văn hóa Việt của các vị học giả đã đi tiên phong như: Nguyễn Đăng-Thục, Lương Kim-Định, Thái Văn-Kiểm.
(2) Hoàng-xuân-Hãn, Lý-thường-Kiệt, nhà xuất bản Sông-Nhị Hà-nội 1949. Trang 88.
(3) Việc này xẩy ra năm 1978.
Tham khảo thêm: Tướng Navarre Với Trận Điện Biên Phủ
Tham khảo thêm: Võ Trường Toản
Tham khảo thêm: Tuyển Tập Nguyễn Hiến Lê - Tập 2 Sử Học
Tham khảo thêm: Skill học vẹt Sử
Tham khảo thêm: Thomas Jefferson
Thẻ từ khóa: Anh hùng Bắc Cương - Quyển 1, Anh hùng Bắc Cương - Quyển 1 pdf, Anh hùng Bắc Cương - Quyển 1 ebook, Tải sách Anh hùng Bắc Cương - Quyển 1