Bằng nghệ thuật tái hiện khoáng đạt, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lật lại lịch sử thời kỳ cuối đời nhà Trần, góp thêm tiếng nói khám phá xã hội và con người Hồ Quý Ly - một nhân vật mà hơn 600 năm qua vẫn còn nhiều tranh cãi về ông.
Hơn thế, cuốn tiểu thuyết còn là bức tranh đẹp về Thăng Long ngàn năm văn hiến với những địa danh cổ nổi tiếng, những cảnh sinh hoạt thôn dã, những lễ hội dân gian, những phong tục tốt đẹp...được lưu truyền hay đã bị mai một theo năm tháng.
***
Hồ Quý Ly (chữ Hán: 胡季犛; 1336 – 1407), tự Lý Nguyên, là hoàng đế sáng lập nhà Hồ Việt Nam. Ông trị vì được 1 năm thì trao ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên ngôi làm Thái thượng hoàng, cho đến khi ông bị bắt qua nhà Minh sau khi bị thua trận vào năm 1407.
Về dòng dõi Hồ Quý Ly, sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển VII chép:
...Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán (947-950) được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu, Nghệ An). Đến thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ...
***
Hội thề Đồng Cổ là ngày lễ lớn của Thăng Long. Nó được cừ hành vào ngày mồng bốn tháng tư hàng năm. Đó là một lễ hội thuần Việt rất được dân kinh đô xem trọng ở thời Lý Trần, tiếc rằng đã bị các triều vua sau này nho hoá bỏ mất.
Sách cổ chép rằng vua Lý Thái Tông, thủa còn là thái tử, phụng mạng vua cha đi đánh Chiêm Thành, năm Canh Thân (1020), khi đến vùng Đan Nê, An Định, Thanh Hoá, đóng quân dưới chân một quả núi. Canh ba đêm ấy, trong cõi mộng mung lung, nhà vua chợt thấy một dị nhân, mình cao tám thước, mày râu cứng nhọn, mặc áo giáp, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử đem quân đi dẹp giặc phương Nam, tôi xin theo giúp phá giặc, để lập chút công nhỏ”. Thái từ cả mừng vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh dậy. Sau đó tiến quân đánh chiếm quả nhiên toàn thắng. Khi trở về qua núi Đồng cổ, thái tử sửa sang lễ tạ rồi rước thần vị về kinh đô Thăng Long. để giữ dân, hộ nước. Đền thờ lập sau chùa Thánh Thọ, thuộc địa phận thôn Đông, phường Yên Thái (làng Bưởi).
Khi Lý Thái Tổ chết, thái tử lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tôn. Đêm nằm mộng thấy thần Đồng Cổ đến báo rằng: “Ba vị em vua là Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương âm mưu làm phản”. Lúc vua tỉnh dậy. Sai Lê Phụng Hiểu dàn quân bố trí phòng bị. Sự việc xảy ra quả đúng như giấc mộng. Loạn ba vương được dẹp tan. Đến đây, vua xuống chiếu xây đàn thề ở miếu Đồng Cổ, và hàng năm cứ đến mồng bốn tháng tư thì trăm quan hội họp làm lễ ăn thề.
Năm nay, ông vua già Trần Nghệ Tông cho mở hội thề to hơn mọi năm. Tháng hai, viên quan coi việc tế lễ đã cho thợ đến sửa sang miếu thờ, cạo rêu, quét vôi, tô tượng, thay những câu đối cũ. xây dựng lại những chỗ đổ nát, sửa sang cây cối, trồng hoa, lát đường... và soát xét lại đồ tế khí. Đồ tế khí ở đây có hai thứ có thể gọi là linh vật của đất nước.
Thứ nhất là chiếc chuông chùa Yên Tử. Hồi vua Trần Thái Tôn bỏ nhà lên núi Yên Tử định cắt tóc đi tu, quan thái sư Trần Thủ Độ kéo cả triều đình lên theo, cầu xin vua về cho hợp lòng dân. Việc đi tu của vua không thành. Khi vua chia tay, Phù vân quốc sư nghĩ phải có cái duyên hạnh ngộ lớn thì mới có một ông vua lên tận chốn núi cao hẻo lánh này để tìm Phật. Ông bảo nhà vua: “Trong núi không có Phật. Phật ở trong lòng người”. Tuy nhiên, để kỷ niệm cái duyên kỳ ngộ ấy, phù vân quốc sư tặng nhà vua Đại Hồng Chung ở chùa Vân Yên đem về kinh đô.
- Tâu bệ hạ. Đây là chiếc chuông quý truyền mấy trăm năm suốt triều nhà Lý. Đại Hồng Chung ít khi dùng đến, chỉ dùng vào dịp đầu xuân. Mỗi năm khi chuông rung lên là mây mù ùn ùn kéo đến. Mây trắng che kín đầu Yên Từ. Chuông gọi mây xong lại gọi mưa. Khi hồi chuông dồn dập binh boong ngân nga lần thứ hai thì những hạt nước li ti nằm trong mây sữa run rẩy, rồi chúng bay lượn quấn quít với nhau và thành những hạt to rơi xuống. Mưa rào. Đó là phật lộ. Mong rằng tiếng chuông của đức Phật từ bi được vang lên trên kinh thành Thăng Long. Mong rằng nước mưa của Phật từ bi sẽ nhuần thấm trong lòng người dân kinh kỳ.
Chiếc chuông Yên Tử đem về được treo ở chùa Thánh Thọ. Mấy năm trước, nhà sư Phạm Sư Ôn tập họp dân lưu tán đói khát nổi loạn. Giặc thày chùa kéo về kinh thành Thăng Long đốt phá. Ông vua già Trần Nghệ Tông, ông vua trẻ Trần Thuận Tôn và cả hoàng gia phải rời kinh đô đi lánh nạn. Đội cấm quân phía hữu kinh thành đóng binh ở chùa Thánh Thọ. Đội quân này đã gây cho quân nổi loạn nhiều thiệt hại. Tức giận, toán giặc thày chùa đã tàn phá, đốt trụi khu chùa thắng cảnh đẹp nhất Thăng Long. Cũng may khi giặc rút, nhân dân đã chữa cháy, cứu được tháp chuông. Giặc thày chùa mà lại đốt chùa. Ông vua già thở dài, và chẳng lẽ để chiếc chuông linh thiêng nằm chơ vơ giữa hoang phế, nên ông đã sai mang chuông đến đền Đồng Cổ.
Tham khảo thêm: Tào tháo thánh nhân đê tiện - tập 2
Tham khảo thêm: Huyết Chiến Bạch Đằng
Tham khảo thêm: Cao Điểm Thứ Tư
Tham khảo thêm: Hồ Sơ Quyền Lực Younger Pitt
Tham khảo thêm: Những Câu Chuyện Trung Hoa Xưa 36 Kế
Thẻ từ khóa: Hồ Quý Ly, Hồ Quý Ly pdf, Hồ Quý Ly ebook, Tải sách Hồ Quý Ly