Huyền Thoại Côn Đảo
Chuyên mục: Văn hóa - Tôn giáo
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 76km2 nằm ở Đông Nam nước ta, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong suốt 113 năm thống trị (1862 – 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” khét tiếng, giam cầm đày đọa hàng ngàn người yêu nước và hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng.
Côn Đảo được biết đến từ những năm của thế kỷ thứ XIII, bởi hòn đảo này có vị trí rất quan trọng nằm trên trục giao lưu Đông – Tây, nên tàu buôn của các nước như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp đã từng viếng thăm nơi đây. Côn Đảo còn là mảnh đất “thiêng” – nơi đã từng là một nhà tù vô cùng hà khắc dưới chế độ thực dân và đế quốc suốt hơn một thế kỷ. Đó cũng được coi là một “địa ngục trần gian” từng giam cầm nhiều thế hệ tù chính trị – những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước đã đứng lên đấu tranh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của Côn Đảo là một dấu son trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Quá khứ ấy đã và mãi mãi là một “huyền thoại” về ý chí sắt đá, về lòng kiên trung bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Ngục tù Côn Đảo còn là trường đấu tranh, nơi rèn luyện phẩm chất và khí tiết cách mạng. Từ đây, nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung sau khi trở về đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước thân yêu.
Biển, cát và máu
Quá khứ chẳng thể ngủ yên khi nỗi mất mát của dân tộc quá lớn. Hàng loạt công trình, kiến trúc vẫn còn đó như minh chứng cho một thời kỳ lịch sử đau thương. Cầu Ma Thiên Lãnh, cái tên mới nghe thôi cũng đã thấy ghê rợn, là nơi đã “nuốt” hơn 300 mạng người. Cầu tàu 914, tên gọi giản đơn như một sự nhắc nhở về 914 người tù đã chết vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Các trại giam Banh I (trại Phú Hải), Banh II (trại Phú Sơn), Banh III (trại Phú Thọ), trại Phú Phong, trại Phú Bình… là nơi giam cùm, tra tấn hàng vạn chiến sĩ yêu nước. Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là “chuồng cọp” thời Pháp được xây dựng từ năm 1940. Với diện tích các phòng giam tổng cộng hơn 5.000 m2, được chia thành 120 phòng biệt giam (có chắn song sắt phía bên trên) là nơi dùng để tra tấn tù nhân bằng những hình phạt man rợ nhất. Trong những phòng giam chật chội này, người tù phải nằm chen chúc, chồng lên nhau dưới nền xi măng ẩm thấp. Cái giá lạnh cộng với sự hôi hám, dơ bẩn của nhà tù hòa vào những vết thương đang bị lở loét, mưng mủ đã tước đi sinh mạng của bao người chiến sĩ yêu nước. Ngoài hệ thống “chuồng cọp” kiểu Pháp và kiểu Mỹ, Côn Đảo còn có một nơi nổi tiếng để tra tấn tù nhân có tên gọi là “chuồng bò”, được xây dựng từ năm 1930. Đây thực chất là hầm chứa phân bò, có độ sâu khoảng 3m chứa phân và nước dội rửa chuồng bò, dùng để ngâm người tù xuống đó và hành hạ cực kỳ dã man.
Trước sự tàn ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khoảng 20.000 chiến sĩ cách mạng đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất lạnh; chiến tranh kết thúc, xương cốt các anh, chị đều được quy tập chôn cất ở nghĩa trang Hàng Dương. Đây cũng thường là điểm đến đầu tiên của du khách khi đặt chân lên Côn Đảo. Điều đặc biệt ở nghĩa trang Hàng Dương là người ta thường viếng mộ lúc trời về khuya. Trên các ngôi mộ đều có một bóng đèn điện nhỏ hình quả nhót, phát ra thứ ánh sáng đỏ mờ, như trăm ngàn ngọn nến lung linh giữa bóng đêm nặng phần âm khí. Mọi người đến viếng mộ trong sự thành kính, nghiêm trang. Làn khói hương ấm áp và dòng người đông đảo khiến nhiều người cảm thấy bớt sợ hãi, lạnh lẽo trên vùng đảo thiêng liêng, nơi yên nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ.
Từng đoàn, từng đoàn người xếp hàng đến trước mộ chị Võ Thị Sáu, ai cũng nghiêng mình cuối đầu trước anh linh người con gái đã hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập dân tộc. Khi rơi vào tay giặc, chị đã hiên ngang tỏ rõ ý chí bất khuất, tinh thần kiên trung khi dõng dạc tuyên bố: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống lại thực dân xâm lược, không phải là một tội”. Ngày 23-1-1952, tại Côn Đảo, chị bị thực dân Pháp tử hình. Sự hy sinh của chị đã trở thành huyền thoại, làm rung động biết bao con tim, đến cả người lính lê dương già thuở ấy cũng phải thảng thốt: “Cô ấy bình thản đến lạ lùng. Yêu đời đến phút chết, dũng khí tỏ ra ngay cả khi đã ngã xuống rồi. Đó mới chính là một người anh hùng. Cô ấy tin vào chính nghĩa của dân tộc mình. Còn chúng tôi thì chỉ biết bắn giết”.
Tham khảo thêm: Huyền Thoại Điện Biên
Tham khảo thêm: Huyền Thoại Người Chiến Sỹ Tình Nguyện
Tham khảo thêm: Huyền Thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ Trên Không
Tham khảo thêm: Hitler và Lò thiêu sống dân Do Thái
Tham khảo thêm: Không Chiến Zero Rực Lửa
Tham khảo thêm: Anh hùng Đông A, Dựng cờ bình Mông - Tập 4
Tham khảo thêm: Đại Việt Sử Ký Tiền Biên
Thẻ từ khóa: Huyền Thoại Côn Đảo, Huyền Thoại Côn Đảo pdf