Sinh viên Đại học Stanford là nhóm người may mắn nhất. Họ được nhận vào trường đại học có tỷ lệ chọi cao nhất cả nước và tọa lạc ngay trong khuôn viên Edenic, không nơi nào gần với Thung lũng Silicon hơn được nữa. Sinh viên Stanford có vẻ luôn xác định được rõ ràng công việc của mình sau khi tốt nghiệp, mà không cần lo lắng về chuyện tương lai. Những sinh viên được săn tìm nhiều nhất đến từ các chuyên ngành kỹ thuật – những ngành thăng hạng đáng kể trong nhiều thập kỷ vừa qua. Nhưng cuốn sách này đề cập đến những sinh viên không chọn ngành kỹ thuật, mà chọn những ngành không dẫn tới nghề nghiệp cố định khác chỉ vì niềm đam mê học tập.
Tôi nhận thấy mình nên có trách nhiệm trích dẫn lại nội dung đầu tiên này trong cuốn sách, bởi nó sẽ giúp độc giả tìm hiểu được thông điệp thực sự trong sách là gì (do phần lớn dung lượng sách đề cập đến các giai đoạn lịch sử hình thành khác nhau của trường đại học Stanford và các câu chuyện sau khi tốt nghiệp của sinh viên nơi đây). Tuy không trực tiếp nói đến “Hướng nghiệp”, và tên của cuốn sách theo nguyên tác tiếng anh thực sự cũng không bàn đến vấn đề hướng nghiệp nhưng hành trình tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng bản thân của các sinh viên Stanford, với đủ cả cay đắng lẫn ngọt ngào, cũng có ý nghĩa nhất định trong việc giúp bạn đọc tự khám phá định hướng tương lai nghề nghiệp của chính mình. Ở một khía cạnh khác trong sách, thuật ngữ “Giáo dục khai phóng” cũng được sử dụng thường xuyên tuy nhiên lại không kèm theo giải thích rõ ràng, để sử dụng sách tốt hơn, bạn nên dành thêm thời gian để tham khảo từ các nguồn thông tin khác về hoạt động giáo dục khai phóng.
Ước mơ trên nền ước mơ
Chức năng của trường đại học không chỉ là dạy cách kiếm sống. Trên tất cả, đại học là cơ quan điều chỉnh cuộc sống thực và kiến thức sống đang ngày càng tăng, một sự điều chỉnh hình thành nên bí mật của nền văn minh. Trường đại học thực sự sẽ có một mục tiêu muôn đời: Không phải để kiếm miếng ăn, mà để biết kết thúc và mục tiêu của cuộc sống mà miếng ăn đó nuôi dưỡng là gì.
Một ngôi trường thật hoành tráng là khởi đầu hoàn hảo cho tương lai hoàn hảo. Không có gì sai khi bạn đưa ra lựa chọn như vậy, bạn bè và cha mẹ của bạn cũng nghĩ như vậy. Sau khi học xong (hoặc trong lúc đang học) một công việc xuất hiện rồi mọi thứ được sắp xếp đâu vào đó. Coi như hoàn thành sự nghiệp, cuộc sống giờ là tháng ngày ổn định thênh thang. Mọi thứ đều đúng và đủ. Chỉ duy nhất có bạn là thừa. Vì rõ ràng nếu không thể biết được lý do tại sao mình theo đuổi một chuyên ngành nào đó hay tại sao mình lại lựa chọn công việc này thay vì công việc khác thì bạn đâu có liên quan đến thứ bạn đang học cũng như bạn đang làm ? Bạn không thực sự tồn tại trong quy trình ấy, vậy nên dù có nghề nghiệp thì bạn vẫn không có sự nghiệp. Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng tâm thế một người bị buộc phải làm công việc anh ta không thích. Đó là lý do tại sao cần hướng nghiệp. Hướng nghiệp cần được thực hiện từ ngày bạn bắt đầu đến trường (đơn giản có thể bằng cách phát huy sở thích, thế mạnh cá nhân). Thế nhưng hướng nghiệp lại xuất hiện khá muộn, vào đúng lúc bạn quá bận rộn với các kì thi, áp lực kiếm sống và bị so sánh với bạn học. Mọi quyết định nghề nghiệp đến nhanh rồi ra đi chóng vánh. Chưa kể quang thời gian đằng đẵng mơ hồ về công việc của bản thân mình.
Hãy bắt đầu từ lựa chọn đúng công việc bạn muốn làm hoặc đi theo lĩnh vực có hứng thú- thay vì chọn ngành học nào đó chỉ vì tên của nó có liên quan đến mức thu nhập, để đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu ngắm bức ảnh kỷ yếu rồi tự hỏi “Tiếp theo là gì đây ?”.