Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Chuyện Kể Năm 2000":
Nhiều người hỏi tại sao người Việt Nam đã trải qua mấy chục năm chiến tranh mà chưa có tiểu thuyết lớn nào phản ảnh toàn cảnh một dân tộc trong cuộc chiến đằng đẵng tràn ngập khổ đau đó.
Nhưng trong thế kỷ 20 ở Việt Nam còn một biến cố khác cũng có kích thước lớn, tác động sâu rộng và gây nhiều đau khổ không kém chiến tranh. Ðó là việc thiết lập một chế độ độc tài toàn trị ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1950 và trên cả nước từ năm. Chiến tranh đã gây những đổ vỡ vật chất, những máu lửa, chết chóc kinh hoàng; còn một chế độ công an bao trùm khắp mặt, chặt chẽ và tinh vi, cũng để lại những hậu quả xã hội và tinh thần lớn lao không kém, mà ảnh hưởng còn sâu đậm và lâu dài hơn chiến tranh nữa.
Chiến tranh tác động trực tiếp đến từng nhóm người, từng địa phương, trong một thời gian giới hạn, và khi chiến tranh qua thì người ta sẵn sàng quên đi để trở lại tiếp tục cuộc sống hàng ngày của mình. Những ngôi nhà đổ vỡ sẽ được xây lại, những nấm mồ sẽ xanh cỏ, những chiếc xe tăng sẽ han rỉ, những hố bom rồi cũng được lấp đầỵ Nhưng một chế độ chính trị thay đổi, đảo lộn tất cả đất nước, tất cả nếp sống hàng ngày, khi làm việc, khi đi chợ, các món ăn, cách chặt thịt gà lén lút, cách “phân phối” một cây kim một cuốn chỉ trong làng, các ngõ ngách phải đi qua khi đi xin việc, cho đến cách suy nghĩ, cách nói năng thưa bẩm; chế độ đó buộc chặt mọi cá nhân, mọi gia đình, mọi con người vào một guồng máy chuyên chế, soi xét và điều chỉnh từng hành vi, cử chỉ, lời nói, thậm chí đến các giấc mơ thầm kín trong đầu người ta; ảnh hưởng của một chế độ như vậy lan tỏa khắp mọi làng xã, thành thị, trên giường ngủ, trên trang báo, và nó kéo dài rất lâu, người sống trong đó cảm thấy là bất tận, sống mãi trong đó những thứ bất thường trở thành bình thường, tự nhiên.
Trong lịch sử Việt Nam chẳng mấy thời không bị cảnh chiến tranh, có khi liên miên mấy chục năm, dai dẳng hàng trăm năm, từ những lần phải chống ngoại xâm cho đến những cuộc nội chiến. Nhưng việc thi hành một chế độ độc tài và toàn trị kiểu Cộng sản thì mới xảy ra lần đầu, và hy vọng là lần duy nhất. Việc thiếp lập và duy trì một chế độ rập theo khuôn mẫu của Stalin ở Nga, lại được Mao Trạch Ðông cải biến cho phù hợp với xã hội Á Ðông, trong một hai thế hệ, có thể nói còn tác hại cho dân tộc Việt Nam một cách nặng nề và sâu xa hơn cả ba chục năm chiến tranh.
Có lẽ vì vậy các nhà văn Việt Nam không viết nhiều về những đau khổ thời chiến tranh nhưng họ viết rất nhiều về tình trạng xã hội đảo lộn, tan rã trong chế độ Cộng sản. Và tất nhiên những nhà văn đã sống ở miền Bắc Việt Nam thì có nhiều kinh nghiệm và chịu nhiều thất vọng cay đắng hơn các nhà văn sống ở miền Nam. Những tác phẩm của Dương Thu Hương, Phùng Gia Lộc, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Khắc Trường, v.v. đã phản ảnh nhiều bộ mặt xã hội miền Bắc dưới chế độ Cộng sản. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, kịch bản của Lưu Quang Vũ, v.v… cũng cho thấy các cảnh sống tàn bạo đến phi lý làm cho con người mất cả tính người, cái ác trùm lấp cái thiện, chiếm chỗ và đội lốt, nhân danh cái thiện ố tình trạng mà nhà thơ Nguyễn Duy gọi là “Thiện ác nhập nhằng ố công lý nổi lên phênh”. Hồi ký của Vũ Thư Hiên cũng có tính chất sáng tạo, nghệ thuật, vì diễn tả một con người bị bộ máy vô hồn đè bẹp trong lao tù như thế nào. Nhưng cho đến nay chưa có tác phẩm nào có tầm cỡ như “Chuyện Kể Năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn.
* * *
Ðọc mấy chương đầu Tập Một, chúng ta thấy phảng phất bút pháp của Soljenitsyn trong “Một Ngày Trong Ðời Của Ivan Denisovitch”, bất cứ ai đã trải qua “nhà tù cải tạo” đều được sống lại cuộc sống trong tù, dưới mắt các quản giáo. Nhưng khi đọc tiếp vài chương nữa, độc giả sẽ khám phá ra một bút pháp độc đáo của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, cuộc sống nhà tù mở rộng ra và dài hơn, linh hoạt và phức tạp hơn, với chiều sâu không kém gì Soljenitsyn. Cuộc đời hiện ra trên các trang giấy chen lẫn hiện tại với quá khứ, trong tù và ngoài đời, từ người tù này sang người tù khác, hiện thực và mộng ước; với hàng chục nhân vật không ai quan trọng hơn ai, dù người kể chuyện đóng vai chính, mỗi người một tiểu sử, một lý do riêng để bị tống vào tù, rất phi lý nhưng lại rất hợp lý trong cái guồng máy công an toàn trị; tất cả các mẩu đời đều linh hoạt, sống động, đau khổ, đều nhẫn nhịn chịu đựng. Và tất cả đều có vẻ ngây thơ, hồn nhiên, hầu hết đều đã đặt niềm tin ở bộ máy vô hồn có toàn quyền xếp đặt cuộc đời mình, ra lệnh cho mình làm việc, chia khẩu phần cho mình, chỉ định mình được liên hệ, gặp gỡ với ai, ra chỉ thị rõ rệt quy định cả những quan hệ xã hội, những ý nghĩ trong đầu mình nữa. Họ tin tưởng một cách hồn nhiên và ngây thơ cho đến và ngay cả khi bị tống vào tù, không bản án, không thời hạn.
Ðọc một phần Tập Một thì người đọc hiểu tại sao chính quyền Hà Nội phải ra lệnh tịch thâu ngay tác phẩm này lúc mới in xong. Vì nó thật quá. Sự thật tàn nhẫn hiện ra rõ ràng quá. Những nếp sống có thời ai cũng chấp nhận là bình thường, bỗng hiện nguyên hình với bộ mặt bất thường quá. Khi nhân vật chính trong chuyện ra khỏi nhà tù rồi mà đi đường nhìn ai cũng thấy quen quen, hình như ai cũng đã gặp ở trong tù rồi, độc giả phải thấy rờn rợn, cái cảm tưởng mình hiện giờ cũng đang sống dưới bàn tay sinh sát của các ông quản giáo. Cuốn sách đang khuynh đảo chế độ, phải bị đem cất, đem giấu kín đi, nó nguy hiểm cho những người cầm quyền quá. Nó đặt câu hỏi về nguyên ủy sinh ra quyền hành của họ, gợi ra nghi vấn về tính chính thống, hợp lý của bộ máy cầm quyền, mặc dù cuốn sách cũng do bộ máy đó in ra, đã được một ban kiểm duyệt của nhà xuất bản Thanh Niên, cơ quan tuyên truyền của một đoàn thể do các cán bộ được Trung Ương Ðảng chỉ định trực tiếp lãnh đạo. Có lẽ những người cho xuất bản tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn cũng ngây thơ như nhà văn Tuấn, người kể chuyện, như già Ðô, như Vũ Lượng, như Giang… những nhân vật trong chuyện này, khi tin rằng có thể kêu oan, có thể gợi tấm lòng thương xót của các ông công an thẩm vấn hay các ông vua con trong nhà tù. Phải chăng họ nghĩ rằng có thể in tác phẩm Bùi Ngọc Tuấn vào năm 2000, để hưởng ứng chiến dịch phê bình và tự phê bình, để “xây dựng đảng”, trong những ngày đảng CSVN kỷ niệm 70 tuổi. Nhưng trong ngày đó, ông Tổng Bí Thư vẫn thở ra toàn những khẩu hiệu ca tụng chủ nghĩa Lê nin nít, đả đảo đế quốc, vẫn quyết tâm tiến tới Chủ nghĩa Xã hội, giống hệt như thời gian 1967, ở 1973 trong quãng đời của các nhân vật trong tập truyện này. Thế thì làm sao câu chuyện của những người tù này có thể đem ra kể lại được?
Cuối cùng thì độc giả phải thấy rằng tất cả những đảng viên Cộng sản, những đồng bào miền Bắc tin và theo chế độ, những người miền Nam đi theo Mặt trận Giải Phóng, tất cả mọi người đều là những kẻ hồn nhiên, ngây thơ như các nhân vật trong chuyện này, và vì thế họ trở thành nạn nhân của bộ máy chuyên chính vô hồn, mà các bánh xe tiêu biểu trong bộ máy đó là những quản giáo Thanh Vân, những ông Trần toàn quyền sinh sát, ông Lan mặt ngựa chuyên nghề buộc tội bằng cách bắt người ta phải nhận tội mà chẳng bao giờ cần nêu ra chứng cớ. Cho anh vào tù là để giúp các anh. Có bệnh thì phải để người ta chữa cho. Tội tuyên truyền phản cách mạng? Tức là tội nói thật! Anh phải thành khẩn nhận tội. Nhưng xin cho biết tôi phạm tội gì? Nhân vật chính cho đến phút cuối cùng vẫn còn tin tưởng ở Ðảng sáng suốt, tin ở lãnh đạo, bám víu lấy những cán bộ cao cấp nhưng lạc lõng vì hết thời như ông Hoàng, một nhân vật phảng phất hình ảnh Hoàng Hữu Nhân, từng là Bí thư thành phố Hải Phòng là nơi nhân vật chính sinh sống.
* * *
Có lẽ tác giả Bùi Ngọc Tấn đã dựa trên kinh nghiệm sống của mình rất nhiều khi viết cuốn tiểu thuyết mới ra được hai tập này. Sinh năm 1934, đi theo kháng chiến chống Pháp rồi làm cho tờ báo Hải Phòng Kiến Thiết, bị bắt trong chiến dịch bỏ tù nhóm Xét Lại, khi các ông Hoàng Minh Chính, Trần Thư, Vũ Thư Hiên, v.v. cũng bị bắt.
Trong tập đầu độc giả đã nhìn thấy cảnh trong tù, tiêu biểu cho cuốc sống của mọi người trong xã hội, trong tập thứ hai, nhân vật chính về nhà, sống trong xã hội thật ngoài nhà tù, thì người đọc càng thấy sống ngoài đời còn khổ ải hơn nữa. Người ta không được phép sống lương thiện. Những người hiền lương, ngay thẳng nhất sau cùng cũng thành những tay buôn lậu, những tên ăn cắp. Họ phải tập nói dối, tập giấu giếm mới sống được. Guồng máy vô hồn của Ðảng Cộng sản biến mọi người thành kẻ cắp. Vì vậy già Ðô, sau khi được tha rồi sống vất vưởng mãi, cuối cùng lại làm đơn xin được trở lại nhà tù – và bị từ chối. Và một người tù hơn 23 năm khác, khi nghe tin được thả thì tự tử, vì đã tập sống theo lối mới, đã cắt đứt cuộc sống của mình với quá khứ, với xã hội bên ngoài.
Cuốn tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn vượt ra ngoài khuôn khổ những hồi ký và tiểu thuyết viết về nhà tù Cộng sản, ở Nga, ở Trung Quốc hay ở Việt Nam vì trong đó không phải chỉ có nhà tù, mà còn cả xã hội loài người bị khép vào án chung thân tập thể. Nhưng cũng như Soljenitsyn, Trương Hiền Lương hay Rubakov, Bùi Ngọc Tấn vẫn cho chúng ta thấy còn một cõi bình an ấm áp tình người, những niềm hy vọng không bao giờ chết trong cuộc sống xã hội khô cứng, lạnh lùng toàn mầu xám đó.
Chúng ta sẽ xót thương người phụ nữ thôn quê khi chị tính toán hàng phân phối “ba người hai cái kim, hai người thì được hơn một cái, nhà mợ bốn người hơn hai cái, hai nhà là bốn cái cả đấy”. Chúng ta chia sẻ niềm vui bất ngờ của cô Xoan khi cô được tặng cả một cuốn chỉ đen, niềm vui lớn lao trong đời vì cô biết sẽ đủ chỉ vá quần áo cho các con từ nay đến Tết, “sộp quá, khâu được đến cuối năm”. Chúng ta sẽ chia sẻ nỗi hân hoan của những người bạn chân tình, những niềm tin cỏn con mong có ngày công lý sẽ soi tỏ những hàm oan. Tình mẹ yêu con, con thương mẹ, tình bạn trong tù chia sẻ với nhau từng hạt cơm, tình yêu trắc trở giữa Giang và Len, con người tốt bụng không bao giờ từ chối giúp ai, rồi cả tình thầy trò giữa ông Hoàng và Tuấn. Và bừng sáng bên trên cảnh đời tối đen khô cứng chung quanh nhận vật Tuấn còn có tình yêu, tình yêu tinh ròng trong sáng thuần khiết đam mê hồn hậu ấm áp nồng nàn chung thủy của một người vợ, cũng là một người yêu vĩnh cửu. Cuối cùng, tình yêu thắng tất cả, tình yêu là nguồn cứu rỗi của con người. Người đọc sẽ nhận ra thông điệp nhân bản đó (chứ không phải guồng máy công an) mới là chủ đề lớn của tác phẩm này.
TUỔI XANH
(Văn Nghệ, Mỹ)
***
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Bùi Ngọc Tấn có sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông… khi mới ngoài hai mươi tuổi.
Trước khi viết văn, ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội, viết với bút danh Tân Sắc.
Sau đó, năm 1959, ông trở về quê và thành biên tập viên báo Hải Phòng Kiến. Để có thể nuôi gia đình 6 người, ông tập trung vào viết báo. Ông có mối quan hệ thân thiết với nhà văn Nguyên Hồng và Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân, người quan tâm đến giới văn nghệ sĩ và đã giúp đỡ ông lúc khó khăn sau này.
Bùi Ngọc Tấn từng bị tập trung cải tạo 5 năm (1968-1973) theo đài RFA về tội "Xét lại, chống Đảng", mà không được xét xử. Theo ông thì người hạ lệnh bắt ông, cũng như đuổi vợ ông khỏi trường Đại học trong thời gian ông bị cải tạo, ngăn chặn ông đi làm sau khi ra tù là giám đốc công an thành phố Hải Phòng Trần Đông. Khi bị bắt giữ, ông cũng bị tịch thu hơn nghìn trang bản thảo và sau này không được trả lại. Theo nhà văn Vũ Thư Hiên viết tưởng niệm ông Tấn, thì ông ta không dính líu gì đến chính trị, nhưng bị bắt chỉ vì chơi với ông Hồng Sĩ. Từ khi được xóa án, sau hai năm thất nghiệp, Bùi Ngọc Tấn được tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Hoàng Hữu Nhân xếp vào làm nhân viên theo dõi thi đua khen thưởng ở Liên hiệp Xí nghiệp Đánh cá Hạ Long. Trong khoảng thời gian làm công việc này từ 1974 đến 1994, ông trở thành một "người ẩn dật" với văn chương, ngừng viết trong khoảng thời gian 20 năm này. Theo đài RFA, trong thời gian đó "ông không được phép viết lách gì, ngay cả nhật ký cũng thường xuyên bị công an văn hóa xét nhà, lục lọi tịch thu..."
Ông trở lại với bạn đọc qua bài "Nguyên Hồng, thời đã mất" đăng trên tạp chí Cửa biển tại Hải Phòng năm 1993.
Ngày 18/12/2014 ông mất tại nhà con trai mình (anh Bùi Ngọc Hiến) ở Hải Phòng sau một thời gian bị bệnh phổi nặng.
Theo con trai ông, tang lễ được tổ chức vào ngày 20 tháng 12 năm 2014.
Tác phẩm chính
Mùa cưới
Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long, phóng sự
Đêm tháng 10
Người gác đèn cửa Nam Triệu, truyện ký
Nhật ký xi măng
Nhằm thẳng quân thù mà bắn
Thuyền trưởng, truyện vừa, cuối thập niên 1970
(Ký tên Châu Hà)
Nguyên Hồng, thời đã mất, 1993
Một thời để mất, hồi ký, 1995
Một ngày dài đằng đẵng, tập truyện ngắn
Những người rách việc, tập truyện ngắn, 1996
Chuyện kể năm 2000, tiểu thuyết, 2000
Rừng xưa xanh lá, ký chân dung, 2004
Kiếp chó, tập truyện ngắn, 2007
Biển và chim bói cá, tiểu thuyết, 2008
Viết về bè bạn, ký, 2012
(In gộp Rừng xưa xanh lá, Một thời để mất và phụ lục)
Tham khảo thêm: Chuyện Làng Nhô
Tham khảo thêm: Chuyện trong Cung Cấm Tập 1
Tham khảo thêm: Chuyện Trong Cung Cấm Tập 2
Tham khảo thêm: Chuyện Xảy Ra Ở London
Tham khảo thêm: Claude Monet Là Ai
Thẻ từ khóa: Chuyện Kể Năm 2000, Chuyện Kể Năm 2000 pdf, Chuyện Kể Năm 2000 ebook, Tải sách Chuyện Kể Năm 2000