Trọn bộ Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) Quyển Hạ - Quyển Thượng
Chuyên mục: Phong thủy
Trọn bộ Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) Quyển Hạ - Quyển Thượng là bộ sách phân tích và giải thích đầy đủ nhất cho bạn đọc 64 quẻ của kinh Dịch theo tinh thần khoa học. Tác giả đã vận dụng các kiến thức của khoa học tự nhiên cũng như xã hội hiện đại để phân tích, tổng hợp và lý giải, chứng minh kinh Dịch thể hiện sự vận hành các quy luật tự nhiên của vũ trụ và quy luật vận động các hiện tượng xã hội từ cổ chí kim.
Kinh Dịch, không phải là bộ sách thuộc về Luân Lý với nghĩa thông thường, vì nó chẳng nêu lên những giá trị bất di bất dịch nào cả. Nó đứng ngoài Thiện Ác, Thị Phi, Lợi Hại, Vinh Nhục. Nó đứng ngoài hệ thống tư tưởng Nhị Nguyên. Kinh Dịch thuộc hệ thống Nhất Nguyên luận, là thứ Nhất Nguyên Lưỡng Cực động nghĩa là Âm Dương trong đồ Thái Cực.Cho nó là Duy Tâm luận hay Duy Vật luận cũng không sao, trong đồ Thái Cực; bên Sáng, thuộc về Duy Tâm luận (bởi Thái Dương hàm chứa Thiếu Âm), bên Tối, thuộc về Duy Vật luận (bởi Thái Âm hàm chứa điểm Thiếu Dương). Cho nên, nói chung thì Dịch là Âm Dương luận. Cả hai tuy Hai, mà Một; tuy Một mà Hai. Nó ngầm chứa mâu thuẫn, nhưng lại không bao giờ mâu thuẫn. Vì vậy, đọc Dịch đừng chết theo văn tự... Nếu cứ mãi chết theo văn tự, thì Dịch đã chết rồi, đối với các bạn! Phải đọc Dịch như đọc Lão Trang: “đắc ý nhi vong ngôn”! (được ý, hãy quên lời). Sau khi đã cho xuất bản những sách thuộc về Đạo học Đông phương... tôi cảm thấy hết sức thất vọng vì chưa gặp được người lý tưởng đã được Trang Tử nói đến: “Có Lời là vì Ý, được Ý hãy quên Lời. Ta tìm đâu được kẻ biết quên Lời, hầu cùng nhau đàm luận?”
Bộ kinh Chu Dịch tính đến nay (theo ước lượng) đã có hơn 4500 năm tồn tại và phát triển, chỉ tính riêng loại sách dịch và bình chú về kinh Dịch trên toàn thế giới hiện nay cũng đã lên đến “thiên kinh vạn quyển”.
Cũng như ở Trung Quốc, kinh Dịch ở Việt Nam và các nước đồng văn khác được xếp vào hệ thống “Ngũ kinh” (gồm kinh Thư, kinh Thi, kinh Lễ, kinh Dịch và kinh Xuân Thu) và được dùng làm giáo trình chính thống đào tạo nhân sĩ, trí thức trong các viện hàn lâm thời phong kiến. Ngày nay, kinh Dịch vẫn được đông đảo tầng lớp người học say mê nghiên cứu, tìm hiểu và phong trào phát huy Dịch học trên toàn thế giới vẫn ngày càng phát triển.
Nhưng trớ trêu thay, dù đã trải qua lịch sử nhiều ngàn năm phát triển, truyền bá rộng rãi và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ với số lượng hết sức phong phú nhưng kinh Dịch đến nay với một đại bộ phận trí thức nước ta nó vẫn bị hiểu lầm là sách chuyên phục vụ bói toán mang đậm màu sắc mê tín dị đoan. Còn một bộ phận người đọc khác thì tuy nhận biết được các giá trị triết lý cao quý của Dịch học và chịu khó tìm tòi, học hỏi nghiên cứu, nhưng (như họ thú nhận) thường bị thất bại và phải bỏ dở giữa chừng (con đường nghiên cứu kinh Dịch) từ đó các sách viết về kinh Dịch thường chỉ còn tác dụng làm sách “trang trí” trên các kệ sách gia đình. Sự tình như trên, lý do của nó vì đâu?
Đầu tiên phải kể đến sự khó hiểu của hình thức biểu đạt trong kinh Dịch. Dịch dùng Tượng (hình tượng) và Số (con số) để biểu đạt tư tưởng, phần “ngôn từ” chỉ là phần phụ dùng để làm sáng tỏ thêm cho Tượng và Số mà thôi. Thứ hai, là bản thân ngôn từ của kinh Dịch, tuy chỉ là phần phụ thì nó cũng đã là một thách thức vô cùng to lớn đối với những người muốn tìm hiểu nó.
Ngôn ngữ của Dịch (Thoán từ, Hào từ, Thoán truyện...) được thánh nhân tác Dịch giản dị hóa tối đa với loại ngôn ngữ “tối cổ” mà ngày nay không còn được mấy người có thể đọc và hiểu trực tiếp từ nguyên bản. Với những khó khăn trên, đa phần độc giả muốn tìm hiểu kinh Dịch thường tiếp cận bằng các loại sách “dịch và bình chú” kinh Dịch do các nhà nghiên cứu viết ra. Phần diễn giải và bình chú kinh Dịch của các tác giả Đông Tây Kim Cổ tuy nhiều đến hằng hà sa số về lượng nhưng mỗi nhà giải thích mỗi kiểu, mỗi trường phái có sở học riêng lại bình chú theo thiên kiến của học phái của mình mà phần lớn chỉ trình bày được phần Hình nhi hạ học mà thôi, tư tưởng của các nhà diễn giải có khi sai lạc với tư tưởng chủ đạo của kinh Dịch thậm chí tự mâu thuẫn với nhau rất nhiều và có nhiều khi sự lý giải các thời trong các quẻ rất khiên cưỡng gần như là giải ép. Chính vì thế, người mới học Dịch thường dễ bị sa vào mê hồn trận đến rối tung rối mù của rừng sách bình chú kinh Dịch này.
Bộ Dịch Kinh Tường Giải mà các bạn đang cầm trên tay nằm trong bộ sách ba tựa gồm: Dịch Học Tinh Hoa, Chu Dịch Huyền Giải và Dịch Kinh Tường Giải của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần - một nhà nghiên cứu và trước tác kỳ cựu. Hai tựa Dịch Học Tinh Hoa và Chu Dịch Huyền Giải đã lần lượt được xuất bản. Và nay, sau 28 năm kể từ khi Dịch Kinh Tường Giải được hoàn thành (1986), 16 năm kể từ khi tác giả qua đời (1998), được sự giúp đỡ của gia đình tác giả, bộ di cảo
Dịch Kinh Tường Giải được hân hạnh lần đầu tiên ra mắt bạn đọc. Dịch Kinh Tường Giải là bộ sách dịch và bình chú kinh Dịch đầy đủ 64 quẻ theo Hình nhi thượng học, tác giả đã vận dụng những thành tựu của khoa học hiện đại để lý giải 64 quẻ tương ứng với 64 thời trong kinh Dịch, giúp người đọc dễ hiểu, dễ tiếp cận những Hào, Tượng, Số và từ đó dễ dàng thoát khỏi những thứ tư tưởng mù mờ, bí hiểm, khó hiểu nhuốm đậm màu sắc mê tín. Qua
Dịch Kinh Tường Giải người đọc sẽ dễ dàng nắm bắt những tư tưởng triết lý của Dịch về sự vận hành các luật lý của vũ trụ, những hình thái phát triển cũng như sự vượng suy của xã hội loài người từ xưa đến nay.
Chúng tôi hy vọng Dịch Kinh Tường Giải sẽ là bộ sách hữu ích cho quý bạn đọc trên con đường tiếp cận những tinh hoa của nền triết học minh triết phương Đông.
Thẻ từ khóa: Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) Quyển Hạ, Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) Quyển Thượng