Những Trào Lưu Mới Trong Xã Hội Mỹ
Chuyên mục: Kinh doanh & Khởi nghiệp
Những Trào Lưu Mới Trong Xã Hội Mỹ:
Trong cuốn sách Những trào lưu mới trong xã hội Mỹ, chúng ta sẽ xem xét 75 nhóm người, được phân nhóm dựa trên những quyết định hàng ngày của họ, đang góp phần hình thành hiện tại và tương lai của nước Mỹ và cả thế giới. Có thể một số nhóm sẽ đông hơn các nhóm khác, nhưng các nhóm này đều có điểm chung là khó phát hiện, vì số lượng của họ rất nhỏ, hoặc vì những xét đoán thông thường đã che giấu đi, thậm chí đôi khi còn nhấn mạnh những yếu tố đối lập, tiềm năng của họ. Cuối cùng, chúng ta sẽ lùi lại ngắm bức tranh tổng thể. Không còn là phép cộng đơn thuần của các mảnh ghép. Nước Mỹ và thế giới giờ đây là một tập hợp những điểm ảnh, được kiểm nghiệm kỹ lưỡng từng điểm một. Chúng ta sẽ chờ xem hình ảnh nào nổi lên sau cuối và nó có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của chúng ta.
Năm 1773, khi xảy ra Sự kiện Boston (Boston Tea Party), chỉ có một loại trà duy nhất được ném qua mạn tàu – đó là trà Bữa sáng nước Anh (English Breakfast). Ngày nay, nếu người Mỹ tiến hành cuộc nổi loạn đó, sẽ có hàng trăm loại trà khác nhau được ném xuống cảng, từ những loại trà nhài không chứa caffeine đến các loại trà bạc hà Morocco và trà ngọt Thái Lan. Để mua được một bịch khoai tây chiên, bạn chắc chắn sẽ phải lựa chọn giữa hàng đống các vị như khoai nướng, khoai chiên, ít béo, mặn hay có mùi thơm – với một lô những danh mục như khoai nướng, khoai lang, có hành tây và lá thơm hay pho mát tẩm hạt tiêu Monterey Pepper Jack.
Chúng ta đang sống trong một thế giới của rất nhiều lựa chọn. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, người Mỹ giờ đây đều phải chọn lựa: công việc mới, loại thực phẩm mới, tôn giáo mới, công nghệ mới và những dạng giao tiếp mới.
Theo một khía cạnh nào đó, đây là chiến thắng của nền kinh tế Starbucks trước nền kinh tế Ford. Vào đầu những năm 1900, Henry Ford đã tạo ra một dòng sản phẩm sản xuất hàng loạt để phục vụ đại đa số công chúng. Hàng nghìn công nhân sản xuất ra một chiếc ôtô đen, và nhân chúng lên hàng triệu, hàng triệu lần.
Ngày nay, những sản phẩm kiểu như vậy không còn nhiều. (Điều hài hước là một trong số đó là chiếc máy tính cá nhân, có mặt trên bàn của mọi nhà cùng với một dạng giống nhau. Tuy về hình dạng máy có một số thay đổi, nhưng nếu bạn đến một cửa hàng máy tính Mỹ điển hình, bạn sẽ thấy không có nhiều sự lựa chọn như việc chọn thực phẩm ở siêu thị).
Ngược lại, Starbucks được điều hành với ý tưởng rằng con người tự đưa ra các quyết định – về cà phê, sữa và chất tạo ngọt – chính vì thế càng có nhiều lựa chọn sẽ càng làm hài lòng người uống. (Chỉ với những lựa chọn đơn giản này, bạn sẽ thấy rất khó đoán trước khách hàng muốn gì – một số người không dùng chất caffein, chất béo hay đường, trong khi những người khác lại rất ưa). Starbucks đã thành công vì nó có thể phục vụ mọi thứ cho mọi người – không có lựa chọn nào trội hơn lựa chọn nào.
Trong nền kinh tế Ford, nhiều người làm việc để tạo ra một sản phẩm thống nhất phục vụ công chúng. Ở nền kinh tế Starbucks, công chúng được phục vụ bởi một nhóm ít người làm việc tạo ra hàng nghìn sản phẩm được thiết kế những đặc điểm riêng.
Mô hình của Starbucks dường như đã chiếm ưu thế. iPod là một sản phẩm thông dụng không phải vì chúng ta có thể mang chúng theo để nghe nhạc – chúng ta cũng có thể làm như vậy với sản phẩm Walkman của những năm 1980. Chúng thông dụng vì chúng cho phép ta được lựa chọn những bài hát của riêng mình. Công nghệ đã được cá thể hoá, và giờ đây có thể có chính xác cái chúng ta cần trong tất cả các lĩnh vực tiêu dùng. Bạn thậm chí có thể sở hữu những chiếc xe đơn chiếc làm theo đặt hàng được giao trong vòng chưa đến một tháng – lâu hơn đặt mua một chiếc bánh pizza nhưng vẫn là một khoảng thời gian nhanh một cách kinh ngạc nhờ tiến bộ của khoa học công nghệ.
Chiến thắng của cá thể hoá các lựa chọn đem lại lợi ích cho những người uống cà phê hay những người mua ôtô, nhưng lại là cơn ác mộng với những người phải xác định xu hướng phát triển của tương lai. Khi các lựa chọn ngày càng được chia nhỏ, bạn phải nhìn vào những lát cắt ổn định hơn để xem xét các lựa chọn thay đổi như thế nào.
Nhưng hãy nhớ đến ví dụ về những tên khủng bố, hoặc nhớ rằng những chiếc xe bán chạy nhất nước Mỹ chỉ được mua bởi 300.000 người mua. Không giống bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử, những xu hướng nhỏ giờ đây có thể làm nên những thay đổi to lớn. Vì thế, dù việc xác định các xu hướng hiện giờ khó khăn hơn rất nhiều, nhưng tầm quan trọng của nó sẽ ngày càng tăng.
Những nhóm nhỏ, tập hợp lại với nhau bởi những nhu cầu, thói quen và sở thích chung, đang phát triển mạnh mẽ. Ở họ tiềm ẩn sức ảnh hưởng to lớn nhưng rất khó phát hiện. Mục tiêu của cuốn sách này là chỉ ra một vài trong số đó. Gần đây có những cuốn sách rất hay đưa ra quan điểm rằng nước Mỹ đang chuyển mình theo một vài xu hướng lớn. Cuốn sách này của tôi sẽ đưa ra kết luận ngược lại. Nước Mỹ đang chuyển mình theo hàng trăm những xu hướng nhỏ. Cùng một lúc. Nhanh chóng. Đó là một phần trong năng lượng to lớn và là một phần những thách thức u ám phía trước chúng ta.
Sở dĩ như vậy là do các xu hướng nhỏ hiếm khi không đối nghịch nhau. Có nhóm những người trẻ tuổi thành đạt và sành điệu ở các thành phố, thì cũng có nhóm những người già, cổ điển và thích đi nhà thờ. Có nhóm những người ham mê kỹ thuật, thì lại cũng có những người không bao giờ muốn động vào công nghệ. Người Mỹ giờ đây ăn kiêng nhiều hơn, nhưng các cửa hàng bán thịt bò cũng đông khách hơn bao giờ hết. Giới chính trị chia những người cực đoan thành hai phe “bang đỏ” và “bang xanh” (màu xanh chỉ những bang ủng hộ Đảng Dân chủ, màu đỏ là những bang ủng hộ Đảng Cộng hoà – BT), nhưng số người tự cho mình là những ứng cử viên độc lập cũng nhiều hơn bao giờ hết.
Qua ba mươi năm kể từ khi đọc sách của V.O.Key, tôi đã sử dụng phương tiện đáng tin cậy nhất để phát hiện các xu hướng, sự thay đổi hay đột phá trong những nhóm này: đó chính là các con số. Người Mỹ tự cho mình là một dân tộc “ý muốn” – một cách nói ẩn dụ để mô tả vỏ bọc những gì chúng ta cho là “giá trị” của dân tộc mình. Đã bao nhiêu lần bạn được nghe câu: Điều đúng đắn là làm theo những gì mình thích?
Tuy nhiên, lời khuyên trong đa số trường hợp thường quá lố. Nếu bạn muốn một phương tiện giao thông an toàn nhất, hãy dùng máy bay và đừng đến gần ôtô. Nếu bạn muốn giảm cân, hãy tính toán lượng calo, quên đi món nước nam việt quất và quả lanh. Các con số sẽ luôn đưa bạn đến những nơi bạn muốn nếu bạn biết cách đọc chúng như thế nào.
Nói chung, chúng ta yêu thích các con số – thậm chí một chương trình truyền hình ăn khách hiện nay còn được đặt tên là Numb3rs (Các con số). Nhưng chúng ta cũng sợ hãi chúng. Một phần vì chúng ta được học về toán học và khoa học ít hơn là văn học và ngôn ngữ. Vì thế, nước Mỹ vẫn bị coi là không giỏi về các con số. Những con số khiến chúng ta sợ hãi, nhưng đồng thời chúng cũng mê hoặc chúng ta.
Nhiều người trong chúng ta không tin vào các con số vì một nhóm nào đó đã không sử dụng chúng đúng cách. Bạn có còn nhớ về sự kiện Y2K? Tất cả những người sử dụng máy tính trên thế giới đều đã sợ rằng các tập dữ liệu của họ sẽ gặp rắc rối khi thiên niên kỷ mới đến. Trên thực tế, chỉ một phần ba số máy tính trên thế giới gặp lỗi bị nghi là Y2K – và trong số này, cũng ít lỗi được cụ thể hoá. Hay dịch cúm gia cầm chẳng hạn. Cuối năm 2005, dịch lan rộng trên khắp thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á có hơn 140 ca bị nhiễm dịch ở người, hơn một nửa số đó tử vong. Các phóng viên đã buồn bã kết luận rằng tỷ lệ người chết do cúm gia cầm là hơn 50%. Thật kinh khủng. Trên thực tế, con số này là để chỉ những người ốm yếu nhất. Còn số người mắc cúm nhưng không đến bệnh viện sẽ không thể được thống kê vào đây. Tôi gọi những con số được công bố này là những con số “mang tính đe doạ”.
Công việc của tôi, với ba mươi năm chuyên khảo sát ý kiến, là phân biệt điều hay điều dở được biểu thị qua các con số. Trong khi làm việc với nhiều đối tác khác nhau, từ Bill Clinton đến Bill Gates hay Tony Blair, tôi đã học được cách nhìn sâu vào những nhận xét thông thường cứng đầu nhất, để tìm ra những xu hướng ngược chiều trong xã hội có thể giúp giải quyết những thách thức thực tế. Hãy thử tưởng tượng bạn là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực. Những lời tán dương hùng hồn khiến bạn phải xiêu lòng, và giới báo chí cho bạn biết quan điểm của họ. Các cố vấn của bạn cũng phụ hoạ theo những thông tin đó. Mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn để đưa ra lựa chọn đúng đắn trừ khi bạn có những dữ liệu còn thiếu: đó là những con số. Công việc của tôi là làm việc với tất cả các ý kiến và đưa ra một quan điểm chắc chắn và mang tính định lượng về thực tế dựa trên các con số, từ đó các nhà lãnh đạo có được bức tranh trung thực khi cần đưa ra các quyết định.
Theo quan điểm của tôi, những lời lẽ không có số liệu cũng vô nghĩa như những con số mà không có lời bình – bạn cần phải cân đối, để các lý lẽ khi đưa ra phải được củng cố bằng thực tế cũng như những con số. Phần cuối cuốn sách này, chúng ta sẽ nói về tình trạng phạm tội ngày càng gia tăng ở Mỹ – một chủ đề rất khó – được bàn tới trong không biết bao nhiêu chương trình nghị sự cũng như đưa ra rất nhiều giả thuyết để lý giải, từ tình trạng thất nghiệp đến việc cha mẹ thiếu quan tâm. Nhưng nếu bạn biết mỗi năm có 650 ngàn tội phạm nguy hiểm mãn hạn và tái hoà nhập với xã hội hẳn bạn phải lập tức phác ra mô hình những nguy cơ mới trên đường phố cũng như dự thảo một loạt các biện pháp đối phó.
Thẻ từ khóa: Những Trào Lưu Mới Trong Xã Hội Mỹ