Nếu chọn loại khẩu vị dễ hài lòng thực khách thì hai vị mặn ngọt xem như... ăn chắc! Cầu kỳ hơn một chút thì đến vị chua, hay vị cay. Nhưng với người sành điệu trong ngành ẩm thực thì tuy không nói ra nhưng vị đắng mới là vị khó quên, vì lần đầu tuy có thể khó nuốt nhưng ăn được vài phen thì khó tránh cảnh “lia thia quen chậu”. Vị ngọt đúng là ngon nhưng chỉ ở đầu lưỡi. Chính nhờ vị đắng, đúng hơn nhờ có chất đắng trong thành phần, mà nhiều món ăn giữ được cá tính để khắc sâu trong lòng thực khách, như theobromin trong cacao, cafein trong cà phê và trà, nhóm terpenoid trong nhiều loại rau quả như khổ qua...
Lời thật thì khó êm tai nhưng dù vậy cũng phải thành thật ghi nhận là hầu hết sản phẩm chocolate hiện nay trong nước, dù đã có nhiều tiến bộ, vẫn chưa có thể tranh hơn thua về chất lượng với hàng “ngoại” vì chocolate của ta không đủ... đắng. Tưởng ít đắng sẽ dễ ăn thì trật quẻ. Thẻ chocolate hay tách cà phê mà không có độ đắng nào đó thì chẳng khác nào sầu riêng không... mùi! Chất đắng hấp dẫn là nhờ tác dụng đánh mạnh vào thần kinh vị giác, để từ đó gây phản xạ hưng phấn quy trình bài tiết nước bọt và dịch vị khiến thực khách thèm ăn và cứ vậy mà tiếp tục ngon miệng. Thức ăn có vị đắng vì thế là món ăn nên thuốc cho người biếng ăn, chậm tiêu.
Thẻ từ khóa: Dinh dưỡng và phòng bệnh