Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 2
Chuyên mục: Địa lý
Giới thiệu nội dung cuốn sách "Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 2" của tác giả An Chi:
Tôi biết có rất nhiều người, hễ cầm đến số Kiến thức ngày nay mới ra (hay mới mượn được) là tìm đọc ngay mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của An Chi. Dĩ nhiên cũng có những người đọc trước tiên những mục khác, chẳng hạn như những người đang nóng lòng đọc phần tiếp theo của một truyện đăng nhiều kỳ đang đọc dở, nhưng có thể biết chắc rằng sau đó người ấy thế nào cũng tìm đọc “Chuyện Đông chuyện Tây”.
Có một lần tôi đi photocopy một bài mà tôi viết chung với An Chi. Khi nhìn thấy tên tôi đặt cạnh tên An Chi, người thợ đứng máy ngạc nhiên hỏi tôi: “Thế ra chú quen cả đến cụ An Chi?”. Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này.
An Chi (cũng là Huệ Thiên, một bút danh khác do nói lái cái tên thật Thiện Hoa mà thành) chưa phải là một cụ già. Hồi bắt đầu viết cho Kiến thức ngày nay (1990), anh chỉ mới vượt qua tuổi năm mươi. Anh vốn là học sinh trường Chasseloup-Laubat ở Sài-gòn. Khi Hiệp định Genève được ký kết, anh quyết định chọn miền Bắc, và đã kịp mua vé máy bay ra Hải Phòng trước khi chấm dứt thời hạn 300 ngày, trong tay có thư giới thiệu của Đảng ủy Đặc khu (vì anh tham gia đoàn thể học sinh kháng chiến ở Sài Gòn). Nhưng anh không thấy cần tới tờ giấy này, và có lẽ đó là một trong những nguyên nhân chính của những chuyện không may của anh sau này, vì thời ấy còn có những người (tuy ít ỏi) không tin rằng có thể có những thanh niên con nhà khá giả lại đi chọn miền Bắc nếu không có ý đồ đen tối nào đó. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội), anh đi dạy cấp hai ở Thái Bình. Nhưng chỉ sáu năm sau, vì bị coi là có những tư tưởng lệch lạc, anh bị thải hồi, và vì hoàn toàn không nơi nương tựa, anh phải ở nhờ nhà một bác cấp dưỡng tốt bụng. Sau đó anh xin được làm hợp đồng trong Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo viên của tỉnh, chuyên mua than củi muối gạo cho trường, cho đến khi được Bộ Nội vụ triệu tập lên Hòa Bình học lớp chính trị của Trường 20-7 “dành cho cán bộ miền Nam vì lý do này hay lý do khác không còn trong biên chế nhà nước”. Sau đó anh trở về Hà Nội học nghề thợ nguội và thợ tiện ở Nhà máy xe đạp Thống Nhất rồi phụ trách bổ túc văn hóa tại nhà máy. Từ năm 1972, anh được chuyển đến Trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo (Vĩnh Phú). Đến khi miền Nam giải phóng, anh được chuyển vào Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh rồi Phòng Giáo dục Quận 1 làm nhiều công tác khác nhau, rồi đến 1984 anh xin về hưu non để dành hết thì giờ cho việc đọc sách và nghiên cứu những vấn đề mà anh đã quan tâm từ hai mươi năm trước, nghĩa là từ khi anh bị thải hồi.
An Chi bao giờ cũng nuôi một niềm tri ân chân thành và sâu xa đối với những người lãnh đạo đã thải hồi anh vì nhờ đó mà anh được bắt tay vào một việc xưa nay vẫn là ước mơ tha thiết nhất của đời anh: học, học thực sự, học để biết, để trở thành người có ích, chứ không phải để có bằng này, bằng nọ hay danh vị này, danh vị khác. Từ khi được giải phóng ra khỏi công việc giảng dạy ở nhà trường, anh dành tất cả thời gian không phải đi mua than củi hay gạo muối để lao vào học, học cho kỳ được những gì mình vẫn thèm iết mà trước kia vì phải soạn bài, chấm bài và lên lớp giảng nên chưa làm được. Thoạt tiên, anh vớ được một cuốn Thượng của bộ Từ hải và một cuốn từ điển chữ Hán dành cho học sinh của nhóm Phương Nghị. Rồi từ đó trở đi, suốt gần 30 năm anh không ngừng tìm kiếm sách vở để học thêm về các khoa học xã hội và nhân văn, dù là trong khi làm thợ nguội, đi học tập chính trị, hay chạy việc hành chính, anh đều dành hết tâm trí cho việc học. Và cũng như thói thường, càng học thì lại càng thấy mình biết quá ít, cho nên anh chỉ thấy mình được sống thực sự sau khi đã về hưu non và được ngồi suốt ngày bên bàn viết, giữa mấy ngàn pho sách yêu quý mà anh đã tích lũy được trong bấy nhiêu năm.
Từ khi Ban biên tập Tạp chí Kiến thức ngày nay giao cho An Chi phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây, anh đã dành khá nhiều thì giờ để trả lời cho những bạn đọc thấy cần thỏa mãn những mối băn khoăn về chữ nghĩa và tri thức nói chung. Anh thấy đây là một công việc có ích cho nhiều người, mặc dầu công việc này có làm cho anh sao nhãng ít nhiều những vấn đề mà anh chuyên tâm nghiên cứu từ lâu, nhất là những vấn đề về lịch sử tiếng Việt. Và tuy anh biết rất rõ rằng thời nay không có ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì cũng biết, nhưng những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn được phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao.
Dĩ nhiên, tôi không dám nói An Chi bao giờ cũng đúng. Errare humanum est. Không phải anh bao giờ cũng tìm được cách trả lời tối ưu có thể làm hài lòng những chuyên gia khó tính. Nhưng tôi tin chắc rằng một người đọc trung bình như tôi, khi đọc xong một đoạn giải đáp của An Chi, ít nhất cũng thấy mình biết thêm được một cái gì bổ ích, và đó quả thật là một điều tối đa có thể chờ mong ở một tạp chí dành cho quần chúng rộng rãi như Kiến thức ngày nay.
Nói như vậy không có nghĩa là trong những bài trả lời ngắn gọn của An Chi không lóe lên những tia sáng của một tài năng chân chính. Những ý kiến của An Chi về gốc Hán của yếu tố “kẻ” đứng trước những địa danh mà có người tưởng là “nôm” như Kẻ Sặt, Kẻ Noi (do chữ Giới 界: xem Kiến thức ngày nay, số 229); về gốc Hán của chữ chiềng (do chữ Trình 呈?: xem Kiến thức ngày nay, số 225) mà có người cho là dùng để chỉ công xã nông thôn dưới thời Hùng Vương, việc anh cải chính những chỗ sai quan trọng của Từ điển Bách khoa Việt Nam như về quốc hiệu Đại Nam mà Từ điển Bách khoa Việt Nam nói là do Gia Long đặt (Kiến thức ngày nay, số 212); sự sai trái của cách nói “sau Công nguyên” (Kiến thức ngày nay, số 219) và rất nhiều chuyện khác nữa, được anh chứng minh và trình bày đủ sức thuyết phục để ngay các chuyên gia cũng phải tán thành.
Nhiều bài giải đáp của An Chi làm cho người đọc thấy hé mở ra những luận điểm khoa học quan trọng và thú vị, khiến họ phải lấy làm lạ mà tự hỏi tại sao nó không được anh trình bày thành những chuyên luận. Ta hãy yên tâm chờ đợi. Những người như An Chi thường rất khó tính đối với bản thân. Rồi sẽ có ngày những chuyên luận ấy đủ chín muồi để tác giả thấy có thể đem nó ra đóng góp vào nền khoa học nhân văn của đất nước. Nhưng dù chỉ có mấy tập Chuyện Đông chuyện Tây không thôi thì tôi cũng thấy học được của anh rất nhiều rồi. Vả chăng chính cuộc đời của An Chi cũng đã là một tấm gương sáng chói của ý chí vượt qua mọi nỗi gian truân để đạt đến một đỉnh cao của tri thức.
Cao Xuân Hạo
***
Sau 11 năm ròng rã, độc giả yêu mến nhà nghiên cứu An Chi mới có dịp cầm trên tay cuốn sách Chuyện Đông chuyện Tây (tập 7) do Nhà xuất bản Tổng hợp phát hành kể từ khi 6 tập trước đó của bộ sách ra mắt vào năm 2006.
Đây cũng là cuốn sách cuối cùng tập hợp những bài viết của ông đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay trong nhiều năm liền.
Trong buổi ra mắt sách vào sáng 14-10 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM), hai cuốn sách vừa được phát hành cách đây không lâu của nhà nghiên cứu An Chi (Huệ Thiên): Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm và Câu chữ Truyện Kiều cũng được giới thiệu.
Nếu Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm là nơi tập hợp các thảo luận của nhà nghiên cứu An Chi về một số vấn đề trong ngôn ngữ thì Câu chữ Truyện Kiều lại là những nghi vấn và bình giải của ông xoay quanh tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Những cuốn sách trên là tâm huyết của ông sau quãng thời gian dài miệt mài nghiên cứu.
Đã từng có một khoảng thời gian dài nền học thuật trên cả nước bị ngưng trê vì nhiều lý do chính trị, xã hội. Anh An Chi là người có công hàng đầu trong việc mở ra sự đối thoại học thuật bằng những bài viết của mình trên tạp chí Kiến thức ngày nay kể từ năm 1990.
Đến tham dự buổi ra mắt sách, ông Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM, đã không kìm nén được xúc động khi nói về nhà nghiên cứu An Chi.
Trò chuyện với độc giả tại đường sách, ông Phan Hoàng còn kể thêm những câu chuyện đằng sau trang viết của học giả An Chi.
"Vì là một bạn luôn kề cận với anh An Chi nên đã rất nhiều lần tôi biết được những lá thư của cây đa, cây đề trong giới nghiên cứu từng gửi cho anh.
Có những bức thư lời lẽ rất gay gắt, thậm chí là chửi mắng nặng nề. Thế nhưng, vượt qua khó khăn đó, anh An Chi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình và mang đến cho bạn đọc những kiến giải sâu sắc về ngôn ngữ."
Một độc giả trẻ mang trọn bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây đến nhận chữ ký của học giả An Chi - Ảnh Mai Thụy
Chia sẻ về Chuyện Đông chuyện Tây (tập 7), nhà nghiên cứu An Chi cho biết kể từ khi phát hành tập 6 của bộ sách vào năm 2006, ông đã dự định không viết tiếp nữa vì một số lý do cá nhân.
Thế nhưng, khi nhận ra tình cảm của các độc giả mong muốn được đọc lại các bài viết của ông đăng rải rác trên tạp chí, nhà nghiên cứu An Chi đã tiếp tục hoàn thành cuốn cuối cùng của bộ sách.
"Có thể tôi không có phát kiến gì lớn lao trong những bài viết của mình, kể cả khi phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây hay khi tôi viết về Truyện Kiều cũng vậy, tôi chỉ có một niềm say mê vô hạn dành cho công việc nghiên cứu ngôn ngữ." ông An Chi bày tỏ.
Trong suốt nhiều năm, bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây của học giả An Chi đã hỗ trợ đắc lực cho công việc của các nhà nghiên cứu khác.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho biết trong quá trình nghiên cứu lịch sử, bộ sách của học giả An Chi đã giúp cô giải mã được phần nào những ẩn ý trong các thư tịch của tiền nhân.
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng học giả An Chi vẫn tâm sự rằng ông luôn muốn tiếp tục công việc của mình, dẫu cho sức khỏe đã không còn nhiều nữa.
Trong thời gian sắp tới, nhà nghiên cứu An Chi sẽ giới thiệu đến các độc giả cuốn sách Rong chơi miền chữ nghĩa (tập 4) và công bố một số công trình nghiên cứu ngôn ngữ ông vẫn đang ấp ủ từ nhiều năm nay.
MAI THỤY
***
Tác giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, còn có các bút hiệu khác là Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Mặc dù đã bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn. Theo nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: “Bằng tình yêu nước mãnh liệt, thời trẻ ông An Chi tự mình vượt tuyến ra Bắc mang theo lá thư giới thiệu của một cán bộ cấp cao gửi giới thiệu cho một cán bộ cấp cao khác nhưng vì lòng tự trọng ông đã không đưa lá thư ấy mà chấp nhận những ngày tháng cơ cực tự khẳng định mình, như đi làm công nhân, dạy học rồi khi có thời gian lại mày mò nghiên cứu chữ nghĩa. Ở ông luôn hội tụ đầy đủ tính cách của người Nam bộ hào sảng và giản dị. Những vấn đề học thuật ông đưa ra đôi khi xảy ra tranh cãi gay gắt nhưng đều xuất phát từ sự nghiên cứu, đối sánh nghiêm cẩn; được trình bày khúc chiết, khoa học, “nói có sách, mách có chứng”, với một phong cách “rất An Chi” - thẳng thắn, không khoan nhượng, giàu cảm xúc…”.
Học giả An Chi kể thêm: “Tôi vốn sinh ra học giỏi… toán nên từng theo học bộ môn này ở trường Sư phạm. Sau này bạn bè khuyên tôi học mấy môn khoa học xã hội tốt nghiệp dễ xin việc làm nên tôi mới chuyển hướng qua… văn học. Nhờ có vốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và chữ Hán nên tôi có thể đọc nhiều loại sách khác nhau. Năm 9 tuổi, loạn lạc xảy ra liên miên nên gia đình cho tôi về Chợ Lớn học ở mấy trường người Tàu dạy nên tôi có bạn bè là người Hoa nhiều. Mấy tiệm gần nhà mua sách báo cân ký về gói hàng nên tôi hay qua chơi lùng đọc, nhờ vậy mà trao dồi, biết thêm nhiều kiến thức. Phía trước nhà, ba má tôi cho chị bán tạp hóa người Quảng Đông hành nghề nên rảnh rỗi tôi lại thọ giáo chị về cách phát âm chuẩn nhất. Sau này mới có điều kiện và vốn liếng từ ngữ để viết lách tranh luận với các cây đa cây đề trong lĩnh vực này…”.
Nhận xét về 3 tập Rong chơi miền chữ nghĩa của học giả An Chi ra mắt lần này, bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM cho rằng: “Chính giá trị và sức hấp dẫn trong các bài viết của học giả An Chi đã thôi thúc chúng tôi xuất bản ba tập dày dặn, tập hợp những bài viết của ông đăng trên các báo: Đương thời, Người đô thị, An ninh thế giới, Năng lượng mới. Hy vọng rằng mỗi bài viết trong bộ sách này sẽ đưa độc giả vào một cuộc rong chơi thú vị và say mê, rong chơi để thêm hiểu, thêm yêu tiếng Việt và cùng nhau gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt…”.
Nguyện vọng lớn của học giả An Chi hiện nay là mong có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục... rong chơi với các con chữ. Ông đang phải chạy đua với tuổi tác để dần hoàn thiện tập sách Từ điển từ ngữ về các từ Việt gốc Hán như là một công trình đồ sộ vào những năm tháng cuối cuộc đời mà ông muốn để dành lại cho hậu thế.
Tham khảo thêm: Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 3
Tham khảo thêm: Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 4
Tham khảo thêm: Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 5
Tham khảo thêm: Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 6
Tham khảo thêm: Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 7
Thẻ từ khóa: Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 2, Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 2 pdf, Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 2 ebook, Tải sách Chuyện Đông Chuyện Tây Tập 2