Luận Đề Công Dân Giáo Dục
Chuyên mục: Hồi ký - Tùy bút
Giới thiệu nội dung cuốn sách "Luận Đề Công Dân Giáo Dục":
TẬP LUẬN-ĐỀ CÔNG-DÂN ĐỆ-TỨ này ra đời với mục-đích là giúp cho học sinh đi thi ý-niệm được thế nào là một vấn-đề công-dân, và cách giải-quyết vấn-đề đó. Học-sinh sẽ làm quen với những luận-đề này như là đã làm quen các luận-đề luân-lý, văn-chương. Thực ra hai phương-pháp cũng không có gì khác nhau. Học sinh chỉ cần hiểu những bài mình đã học trong năm và với phương-pháp chung cho các loại luận-văn là có thể làm được một luận đề công-dân.
Trong tập luận-đề này tác-giả theo một phương-pháp duy nhất để học sinh dễ theo.
Trước tiên có một phần hướng-dẫn ; phần đó tác-giả nói qua bài phải làm như thế nào. Vậy đọc xong phần này, học sinh hãy dừng lại suy nghĩ kỹ trước khi xem bài khai-triển ở dưới.
Sau đó đến dàn-bài. Nên chú ý là bao giờ tác-giả cũng tìm cách chia thân bài làm 2 phần để giải-quyết. Khi làm bài, học sinh cũng nên theo lối phân đoạn như vậy.
Sau cùng là phần khai-triển. Trong phần này có khi tác-giả cố ý làm thành một bài văn hẳn hoi cốt để làm mẫu cho học sinh, có lúc tác-giả làm dưới hình-thức một dàn bài chi tiết có ghi rõ 1, 2, 3 hoặc A, B, C. Khi làm bài, học sinh không nên theo vì lối đó chỉ có mục-đích gợi ý cho học sinh, còn bài làm thì cần phải mạch lạc, không thể vụn vặt rời rạc. Học-sinh nên nhớ rõ điều đó và không nên nhầm 2 loại, lúc làm bài đừng nên chia cắt một cách máy móc và cần chuyển tiếp khéo léo giữa đoạn nọ và đoạn kia.
Sau mỗi bài mẫu có một sở đề-tài công-dân đề-nghị. Học sinh nên theo phương-pháp trên tập làm những dàn bài và tập làm bài, nếu có những chỗ quên hoặc khó giải quyết hãy dở sách ra xem lại.
Với cách làm việc đó, học sinh sẽ không sợ vấp phải những luận đề công-dân lúc đi thi.
Sau cùng tác-giả xin nhắc lại để các thí sinh T.H.Đ.N.C rõ là theo chương-trình mới trong các môn thi viết có một bài luận về Công-dân Giáo-dục hoặc Sử-Địa với hệ số 2, thời hạn 2 giờ.
Rất mong tập luận đề nhỏ này có thể giúp ích các học-sinh một phần nào trong việc luyện-thi.
Saigon ngày 10-9-1960
TÂN-PHONG
***
« Những yếu-tố cấu thành quốc-gia là những yếu-tố gì ? Những yếu-tố đó có liên-quan mật-thiết với nhau như thế nào ? »
I. HƯỚNG DẪN
Ý chính của bài này là sau khi giải-thích các yếu-tố cấu thành quốc-gia, nêu rõ sự liên-quan mật-thiết giữa các yếu-tố đó. Vậy dàn bài có thể chia làm hai phần :
- Những yếu-tố cấu thành quốc-gia.
- Sự liên-quan mật-thiết giữa các yếu-tố đó.
II. KHAI TRIỂN
Vào bài : Thế-giới cấu thành bởi nhiều quốc-gia. Mỗi quốc-gia có một đời sống riêng biệt, khi thì hưng thịnh, khi thì suy-vong. Vậy ta hãy thử xét xem những yếu-tố gì đã tạo nên một quốc-gia và làm cho quốc-gia đó tồn vong.
Thân bài :
1) Những yếu-tố cấu thành quốc-gia
Một quốc-gia là một tập-thể xã-hội gồm những người cùng chung một dân-tộc, cùng sống chung trên một lãnh-thổ và cùng chịu sự chi-phối của một chính-quyền. Vậy 3 yếu-tố cấu thành quốc-gia là : Dân-tộc – Lãnh-thổ – Chính-quyền.
a) Dân-tộc : Những người cùng chung một dân-tộc thường hợp thành một quốc-gia. Cùng chung một dân-tộc nghĩa là cùng chung một nòi giống, một nguồn-gốc, một lịch-sử, một văn-minh, ngoài ra một dân-tộc thường còn có một tiếng nói chung, những phong-tục và tập-quán chung. Tuy-nhiên phong-tục tập-quán có thể thay đổi từ địa-phương nọ qua địa-phương kia. Tiếng nói cũng có khi không giống nhau (thí-dụ người Trung-Hoa miền Bắc và miền Nam không hiểu tiếng nói của nhau). Đôi khi yếu-tố tôn-giáo cũng rất cần-thiết (Ấn-độ theo Ấn-độ-giáo). Dân-tộc Việt-Nam là một dân-tộc tương-đối thuần-nhất.
b) Lãnh-thổ : Lãnh-thổ là một khoảng đất-đai trên đó một số người sinh sống làm ăn. Những người đó hoặc cùng chung một dân-tộc hoặc cùng sống chung dưới một chính-quyền.
Một quốc-gia có một lãnh-thổ rộng lớn dễ trở nên một quốc-gia giàu mạnh. Trái lại lãnh-thổ nhỏ bé hạn-chế rất nhiều khả-năng của một quốc-gia (thí-dụ : Hoa-kỳ, Nhật-Bản).
Biên-giới là đường ngăn cách giữa 2 hay nhiều quốc-gia. Ranh giới không rõ ràng thường là đầu mối cho những cuộc tranh chấp lãnh-thổ. Khoảng biển tiếp giáp với lãnh-thổ quốc-gia gọi là lãnh-hải : theo quy-định quốc-tế hiện nay hải-phận một nước rộng ba cây số.
c) Chính-quyền : Đó là một tổ-chức có uy-quyền và cũng có nhiệm-vụ bảo-vệ đời sống của những người cùng chung một dân-tộc hay cùng sống chung trên một lãnh-thổ. Chính-quyền trở nên cần-thiết khi người ta bắt đầu sống thành xã-hội, vì không có nó thì không có trật-tự an-ninh. Chính-quyền một nước thường gồm có quyền lập-pháp và tư-pháp. 3 quyền đó nếu tập trung trong tay một người thì chính-quyền sẽ dễ trở nên áp bức. Vì thế nên trong các nước dân-chủ người ta thường chia nó ra cho-3 cơ-quan khác nhau.
2) Sự liên-hệ mật-thiết giữa 3 yếu-tố
a) Một dân-tộc không thể tạo thành một quốc-gia nếu không có một lãnh-thổ chung để sinh sống làm ăn. Thí-dụ : Trước thế-chiến lần thứ hai : tuy có một dân-tộc Do-thái nhưng không có một quốc-gia Do-thái vì không có một lãnh-thổ Do-thái.
b) Một dân-tộc nếu do nhiều chính-quyền khác nhau-điều-khiển thì sẽ chia ra làm nhiều quốc-gia khác nhau : Ví dụ : dân-tộc Nhật-Nhĩ-Mản hợp bởi 2 quốc-gia Đức và Áo.
c) Nếu một dân-tộc sống rời rạc, không được tổ-chức dưới một hình-thức chính-quyền, dân-tộc đó sẽ càng ngày càng suy yếu trước sự tràn lan của những dân-tộc mạnh và có thể tàn vong. Ví dụ : dân da đỏ. Trái lại một dân tộc có sức sống mạnh được tổ-chức dưới một chính-quyền hữu-hiệu để trở thành một quốc-gia hùng mạnh. Những quốc gia thuộc loại này không còn lo ai dòm ngó lãnh-thổ mình nữa.
d) Lãnh-thổ một quốc-gia có thể mất nhưng quốc-gia vẫn còn tồn tại nếu dân-tộc vẫn còn tồn-tại vì vẫn có một chính-quyền đại-diện. Thí-dụ : Việt-Nam dưới thời Pháp thuộc vẫn còn hình-thức một quốc-gia tuy bị Pháp chiếm làm thuộc-địa vì dân-tộc Việt-Nam vẫn còn và vẫn có một chính quyền tuy rằng chính-quyền đó do ngoại-quốc chi-phối. Chính-phủ Trung-hoa Quốc-gia đóng ở Đài-Loan vẫn là đại-diện hợp-pháp của dân-tộc Trung-hoa mặc dầu lãnh-thổ Trung-hoa đang bị chính-quyền Trung-Cộng cai-trị. Tình trạng trên chỉ có thể tồn-tại nếu hy-vọng thu-hồi hoặc tái-chiếm lãnh-thổ vẫn còn. Nếu hy-vọng đó tiêu-tan thì chính quyền không thể còn lý-do tồn-tại và dân-tộc sẽ dần dần suy yếu và có thể bị đồng-hóa với dân-tộc mạnh hoặc sống mãi mãi trong tình trạng nô-lệ. Thí-dụ dân-tộc Chàm ở Việt-Nam xưa kia là quốc-gia Chiêm-Thành.
Kết-luận : Qua những điểm trên ta thấy 3 yếu-tố đó có liên-hệ mật-thiết với nhau. Thiếu một yếu-tố cũng khó lòng mà tạo thành một quốc-gia.
Một trường-hợp đơn-giản nhất và cũng lý-tưởng nhất là một quốc-gia họp thành bởi một dân-tộc sống chung trên một lãnh-thổ, dưới một chính-quyền.
Bởi thế cho nên ngày nay để tránh hiểm-họa chiến-tranh, người ta thường đề-cao một nguyên-tắc đã được vị lãnh-tụ của thế-giới tự-do là cố tổng-thống Mỹ Rossevelt và cựu thủ-tướng Anh Churchill long-trọng xác nhận : Đó là nguyên-tắc dân-tộc tự-quyết đã được nêu cao trong bản Hiến-Chương Đại-Tây-Dương.
III. ĐỀ-TÀI ĐỀ-NGHỊ
1) Trong ba yếu-tố cấu thành quốc-gia, yếu-tố nào quan-trọng nhất ? Tại sao ?
2) Người ta thường nói : « mỗi quốc-gia phải có một lãnh-thổ ». Vậy lãnh-thổ là gì ? Vì sao người công dân phải quyết-tâm bảo-vệ lãnh-thổ ?
3) Dân-tộc Việt-Nam là một dân-tộc thuần nhất và có một sức sống mãnh-liệt. Anh hay chị hãy chứng-minh điều đó.
Tham khảo thêm: Mao Trạch Ðông, Cuộc Ðời Chính Trị Và Tình Dục
Tham khảo thêm: Món Lạ Miền Nam
Tham khảo thêm: Món Ngon Hà Nội
Tham khảo thêm: Một Chuyện Chép Ở Bệnh Viện
Tham khảo thêm: Một Lít Nước Mắt
Thẻ từ khóa: Luận Đề Công Dân Giáo Dục, Luận Đề Công Dân Giáo Dục pdf, Luận Đề Công Dân Giáo Dục ebook, Tải sách Luận Đề Công Dân Giáo Dục