Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Chuộc Tội":
Truyện hấp dẫn, bố cục thực sự lạ lẫm với việc tập hợp các các đoạn "hồi ký". _NQK
Emily, Sae, Maki, Akiko, Yuka – năm cô bé cùng nhau đến trường chơi bóng chuyền song chỉ có bốn về được nhà, với tư cách là bốn nhân chứng của một vụ giết người tàn nhẫn gây chấn động.
Nhưng trở về an toàn không có nghĩa là bình an sống tiếp.
Trước bốn lời khai như một: “không nhớ rõ mặt hung thủ”, người mẹ mất con gái đã phẫn nộ gieo vào đầu bốn cô bé lời nguyền rủa độc địa – bước ngoặt lái bốn số phận mới chớm thành hình vào bốn ngã rẽ bất hạnh khác nhau:
“Hãy tìm ra hung thủ trước khi quá thời hạn khởi tố. Nếu không làm được điều đó, hãy tìm ra cách chuộc tội khiến tao có thể chấp nhận. Còn nếu không làm được một trong hai điều trên tao sẽ trả thù chúng mày.”
“Căng thẳng từng chữ, đồng thời cũng lay động từng dòng… Minato đã khéo léo viết nên một câu chuyện ớn lạnh của bi kịch, tội lỗi và sự chuộc tội.”
- Publishers Weekly
***
Kanae Minato là một nhà văn Nhật Bản về viễn tưởng và phim kinh dị. Cô là thành viên của các nhà văn bí ẩn của Nhật Bản và Câu lạc bộ nhà văn bí ẩn Honkaku của Nhật Bản.
Tác phẩm:
Thú Tội
Những Đứa Trẻ Bị Mắc Kẹt
Chuộc Tội
Tất Cả Vì N
Vòng Đu Quay Đêm
,,,
***
Gửi cô Asako,
Cảm ơn cô vì hôm trước đã tới dự đám cưới của cháu.
Suốt buổi lễ, cháu đã luôn lo rằng khi nhìn những người họ hàng cháu rồng rắn kéo nhau từ thị trấn thôn quê đó lên, cô sẽ nhớ lại sự việc khi ấy để rồi cảm thấy không thoải mái. Bởi đám người đó chẳng hề nhận ra cử chỉ và hành động của mình thiếu tế nhị tới chừng nào.
Không khí trong lành. Lần đầu tiên cháu nhận ra rằng, ngoại trừ điều đó, thị trấn ấy chẳng còn gì đáng kể là vào khoảng bảy năm trước, khi cháu tốt nghiệp cấp ba và lên Tokyo theo học trường đại học nữ sinh.
Bốn năm trời cháu sống trong ký túc xá của trường. Lúc cháu nói với bố mẹ rằng mình muốn lên Tokyo học đại học, bố mẹ cháu đều đồng thanh phản đối.
Lỡ con bị kẻ xấu lừa, bắt làm công việc bán thân thì phải làm sao? Rồi bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập thì phải làm thế nào? Bố mẹ biết làm gì nếu con bị người ta sát hại?
Một người sinh trưởng nơi đô thành như cô Asako đọc đến đây chắc sẽ phì cười mà nghĩ, rốt cuộc bố mẹ cháu nghe thông tin ở đâu mà lại có những lo lắng kỳ cục như vậy nhỉ.
Cháu đã mang chương trình yêu thích của bố mẹ ra mà cãi lại, rằng, “Đấy là tại bố mẹ xem chương trình Hai tư giờ ở đô thị lớn nhiều quá đó thôi”, dù thực ra cháu cũng nhiều lần tưởng tượng tới những chuyện đáng sợ như thế rồi. Dẫu vậy, cháu vẫn rất khát khao được lên Tokyo học.
“Trên Tokyo có gì hay đâu? Ngành mà con muốn theo học, mấy trường đại học trong tỉnh mình cũng có. Nếu là các trường đó, thì tuy không thể đi về trong ngày, nhưng giá nhà trọ rẻ, gặp chuyện gì cũng có thể về nhà ngay được. Như vậy cả con và bố mẹ đều an tâm.”
Bố cháu đã thuyết phục cháu như vậy.
“Sao bố mẹ có thể an tâm được? Không phải bố mẹ chính là những người hiểu rõ nhất, rằng khoảng tám năm trở lại đây, con đã sống trong sợ hãi ở thị trấn này như thế nào hay sao?”
Thấy cháu nói vậy, bố mẹ không phản đối nữa. Nhưng bố mẹ cháu ra một điều kiện là, khi lên đó thay vì sống một mình ở phòng trọ hay căn hộ chung cư, cháu phải vào sống trong ký túc xá dành cho sinh viên. Cháu không có ý kiến gì về việc đó.
Tokyo trong lần đầu tiên cháu tới thăm giống như một thế giới khác. Bên trong nhà ga nơi cháu bước từ tàu điện cao tốc xuống nhìn đâu cũng thấy toàn người với người, đến mức cháu nghĩ số người bên trong nhà ga này có khi còn nhiều hơn cả dân số của thị trấn quê cháu nữa. Điều làm cháu ngạc nhiên hơn nữa là, dù có nhiều người đến vậy, nhưng mọi người vẫn có thể đi lại bình thường mà không hề đụng vào nhau. Ngay cả cháu lúc đó dù đi loạng quạng do mải nhìn bảng hướng dẫn điện tử để lên tàu điện ngầm mà vẫn không đụng phải ai, vẫn có thể suôn sẻ tới được nơi mình muốn tới.
Lên được tàu điện ngầm rồi, lại có một chuyện khiến cháu ngạc nhiên hơn nữa. Đó là, những người quanh cháu dù có vẻ đều đi cùng ai đó, nhưng hầu như không ai nói chuyện với ai cả. Thỉnh thoảng cháu có nghe thấy tiếng cười hay tiếng nói chuyện lớn, nhưng đa phần những âm thanh đó đều do người ngoại quốc gây ra.
Cho đến hết cấp hai cháu vẫn đi bộ đi học, lên cấp ba thì đi xe đạp nên cho tới lúc đó một năm cháu chỉ đi tàu điện vài lần, ví như những lần tới các trung tâm mua sắm ở thị trấn khác cùng gia đình hay bạn bè. Và trong khoảng một tiếng trên tàu điện trước khi tới nơi ấy, cháu và mọi người trò chuyện không dứt.
Chúng mình mua gì bây giờ nhỉ. À tháng sau có một cái sinh nhật đấy, hay mình mua sẵn quà luôn cho tiện. Trưa nay mọi người muốn ăn ở McDonald’s hay KFC?… Cháu tuyệt nhiên không nghĩ mình làm như vậy là thiếu ý thức. Bởi tiếng nói cười vang lên ở khắp mọi nơi trên tàu, và không ai cau mày khó chịu vì chuyện đó cả, nên cháu đã nghĩ cư xử như thế khi ở trên tàu là bình thường.
Đột nhiên cháu nghĩ, phải chăng người Tokyo không nhìn thấy những người xung quanh mình? Phải chăng họ không quan tâm gì đến người khác. Miễn là bản thân không thấy phiền, thì người bên cạnh muốn làm gì cũng được? Phải chăng họ không muốn biết tiêu đề cuốn sách mà người ngồi ở ghế đối diện đang đọc? Phải chăng họ không buồn để ý dẫu cho người đứng trước mặt họ có mang một cái túi xách hàng hiệu cao cấp đến đâu?
Lúc nhận ra thì cháu đã đang rơi nước mắt rồi. Nhìn một con bé quê mùa với cái túi hành lý lớn đang khóc, hẳn mọi người sẽ hiểu lầm cháu nhớ nhà nên mới vậy. Hơi xấu hổ, cháu vừa quệt nước mắt vừa nhìn quanh, nhưng chẳng có người nào đang nhìn cháu cả.
Cháu cảm động vì nơi đây tuyệt vời hơn cả trong tưởng tượng của mình. Lý do cháu muốn đến Tokyo không phải là vì nơi đây có nhiều cửa hàng tráng lệ, hay nhiều chỗ để đi chơi.
Cháu chỉ muốn hòa vào đám đông những người không biết về quá khứ của cháu, để xóa đi hình ảnh của mình.
Nói chính xác hơn, cháu muốn trốn khỏi đôi mắt của kẻ sát nhân trong vụ án mà cháu là nhân chứng giờ này vẫn đang ung dung ngoài kia.
Cháu ở phòng ký túc bốn người. Mọi người đều là dân tỉnh lẻ, ngày đầu tiên tới ở mọi người tự giới thiệu bản thân và thi nhau khoe về những điều đáng tự hào của quê hương mình. Nào là quê họ có món mì Udon ngon, có suối nước nóng, rồi nhà gần nhà tuyển thủ bóng chày nổi tiếng… Ba người còn lại tuy nói là dân tỉnh lẻ, nhưng tên thành phố, thị trấn quê họ thì cháu đều đã nghe qua.
Cháu có nói ra tên thị trấn quê cháu, nhưng cả ba người đều không biết nó nằm ở tỉnh nào.
Họ hỏi nơi ấy là nơi như thế nào, cháu trả lời, không khí ở đó rất trong lành. Cháu nghĩ nếu là cô Asako, hẳn cô sẽ hiểu rằng, chẳng phải vì nơi đó không có gì đáng tự hào nên cháu mới miễn cưỡng nói một câu chung chung như vậy.
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn đó, hằng ngày cháu đều hít thở không khí nơi ấy như một lẽ đương nhiên. Cháu nhận ra không khí nơi đó thật trong lành, vào một ngày khi cháu mới lên lớp bốn, mùa xuân năm vụ án đó xảy ra.
Trong giờ học môn xã hội, thầy Sawada giáo viên chủ nhiệm đã nói thế này:
“Các em đang sống ở vùng quê có khí hậu trong lành nhất Nhật Bản. Các em có biết tại sao thầy có thể nói như vậy không? Những máy móc chính xác được dùng trong các bệnh viện và phòng nghiên cứu phải được chế tạo ở môi trường mà không khí không lẫn bụi bẩn. Vì thế, nhà máy sản xuất những máy móc ấy cũng phải được xây dựng ở nơi có không khí trong lành. Và trong năm nay, nhà máy mới của công ty chế tạo máy Adachi đã được xây dựng ngay tại thị trấn này. Việc nhà máy của công ty sản xuất thiết bị chính xác hàng đầu Nhật Bản được xây dựng ở nơi này chứng tỏ nơi đây đã được chọn là nơi có không khí trong lành nhất Nhật Bản. Các em hãy tự hào vì mình đang được sống trên một vùng đất tuyệt vời như thế nhé.”
Sau buổi học, chúng cháu đã hỏi Emily xem điều thầy giáo nói có đúng không.
“Tớ cũng từng nghe bố tớ nói như thế.”
Tham khảo thêm: Chuông Gọi Hồn Ai
Tham khảo thêm: Chuyện Kể Năm 2000
Tham khảo thêm: Chuyện Làng Nhô
Tham khảo thêm: Chuyện trong Cung Cấm Tập 1
Tham khảo thêm: Chuyện Trong Cung Cấm Tập 2
Thẻ từ khóa: Chuộc Tội, Chuộc Tội pdf, Chuộc Tội ebook, Tải sách Chuộc Tội