Ta Ba Lô Trên Đất Á
Chuyên mục: Văn hóa - Tôn giáo
“The world is a book and those who do not travel read only one page”.
- St. Augustine.
Chào bạn, bạn đang cầm trên tay cuốn sách hướng dẫn về du lịch bụi đầu tiên của Việt Nam. Có thể bạn là một người trẻ, khao khát mơ về chuyến đi đầu tiên của mình nhưng không biết làm cách nào để bắt đầu? Hoặc bạn là một người đã đi nhiều nơi, nhưng chỉ đi theo tour và đang tìm hiểu về du lịch bụi? Hay bạn là một phượt tử đã đi được kha khá nơi, nhưng vẫn muốn biết xem quyển sách này có gì hay ho mới mẻ? Nếu vậy, thì đây là quyển sách dành cho bạn.
Hầu hết mọi người đều thích du lịch, và hầu hết người trẻ đều thích du lịch bụi. Nhưng làm thế nào để có thể đi? Nếu bạn đang tự hỏi câu đó, thì tôi có tin mừng cho bạn: Du lịch bụi không phải là chế tạo tên lửa. Nó dễ thôi, và không tốn nhiều tiền như ta tưởng. Còn nếu bạn đã có kinh nghiệm trong chuyện này, tôi chắc rằng bạn sẽ gật đầu với tôi. Trong trường hợp bạn không thuộc nhóm nào trên đây, bạn là người, bình thường, không cuồng du lịch, không yêu thích đi xa trải nghiệm như những người trẻ máu lửa khác (chà, bạn thuộc vào loại hiếm đấy). Bạn chỉ muốn tìm hiểu về những nền văn hóa khác, muốn có một vài thông tin, kiến thức về những dân tộc láng giềng để giúp ích cho việc kết bạn giao lưu văn hóa hoặc cho công việc của bạn, hay bạn chỉ đơn giản là đang trải qua một cuối tuần rảnh rỗi, nhặt quyển sách này lên và tự hỏi: “Cái quái gì ở trong này nhỉ?”. Ở đây, tôi có những câu chuyện hay cho bạn.
Lý do ra đời của quyển sách này xuất phát từ kết quả của những quan sát về tình hình thực tế. Có hàng loạt đầu sách của các tác giả người Việt về du lịch và du ký khiến ta không khỏi mơ mộng về những cuộc hành trình khám phá và chinh phục thế giới: Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Phi, Trung Đông, Ai Cập, và trời ạ, còn có Seychelles, Fiji và thậm chí là cả Nam Cực nữa chứ. Ngày càng có nhiều người Việt hòa nhập thế giới, chu du khắp mọi nơi trên Trái Đất này, và chia sẻ những ký ức tuyệt diệu về hành trình của họ. Bên cạnh đó, lại có rất nhiều bạn trẻ khao khát được đi, nhưng lại không biết bắt đầu như thế nào. Và đây là lỗ hổng mà tôi nhận thấy. Trong rất nhiều quyển sách du ký do người Việt viết hiện có trên thị trường, không có bất kỳ quyển sách nào hướng dẫn người trẻ một cách cụ thể làm thế nào để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Cuốn sách này ra đời là để giải quyết vấn đề đó.
Phân tích chi tiết hơn, có thể thấy, du lịch bụi hiện nay đang nổi lên như một trào lưu mới. Người trẻ hô hào rủ nhau đi và đi. Rất nhiều người viết về du lịch, về các địa điểm, các câu chuyện. OK, tất cả các câu chuyện nghe đều có vẻ hấp dẫn, nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn ngồi đấy, mài mông trên chiếc ghế nhà trường mòn vẹt, hoặc nhốt mình trong văn phòng ngột ngạt, mơ tưởng về những chuyến đi. Và đến khi họ bắt đầu chuyến đi của mình, họ gặp khó khăn, họ không biết bắt đầu từ đâu, họ không rõ tìm thông tin thế nào, làm cách nào để không bị lừa, nên đi đâu, làm gì, có nguy hiểm không, và vạn tỉ thứ khác đổ dồn trong đầu khiến những người mới bắt đầu lúng túng. Vậy nên, đó chính xác là điều tôi sẽ làm trong quyển sách này. Không như những quyển sách du ký hay nhật ký hành trình, ở đây tôi sẽ chỉ cho những người muốn đi du lịch bụi một cách tỉ mỉ làm thế nào để khởi hành chuyến đi của riêng mình.
Sách của tôi có thông tin và các câu chuyện. Tất cả đều thực tế và sống động với kinh nghiệm nhiều năm lữ hành của khổ chủ. Vì tôi đã trải qua tất cả những điều đó, nên tôi không muốn những người đi sau phải tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí như tôi. Cái tôi muốn là truyền đạt những kinh nghiệm của mình, để nếu có thể sẽ giúp bạn giảm thiểu hết mức rủi ro và chi phí, và tăng hết mức niềm vui và trải nghiệm.
Sách gồm những chia sẻ về kinh nghiệm cơ bản để chuẩn bị cho du lịch bụi, tất tần tật mọi thông tin, công cụ, mẹo hay giúp ích cho dân du lịch bụi trên hành trình của mình. Thêm vào đó là thông tin du lịch của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gồm Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines. Mỗi đất nước tôi sẽ trình bày các thông tin chi tiết ở quốc gia đó, cùng những câu chuyện hành trình của tôi ở mỗi nơi.
Những điều tôi chú trọng khi viết về một đất nước nào đó bao gồm: lịch sử, văn hóa, và con người, đặc biệt là nhấn mạnh những nét tính cách dân tộc mà tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi trong mấy năm trời vừa đi vừa làm việc không ngừng nghỉ với các dân tộc xung quanh châu Á. Vì sao? Vì những điều này liên quan mật thiết đến du lịch bụi, đồng thời sẽ giúp thêm cho những bạn muốn tìm hiểu về văn hóa các dân tộc xung quanh.
Bạn đừng nghe tới lịch sử mà ngán, vì nếu biết cách học thì những câu chuyện lịch sử thường rất thú vị. Bản thân tôi rất chán học sử vì phải thuộc lòng quá nhiều, nhưng tôi không thể phủ nhận rằng lịch sử của một vùng đất lý giải được rất nhiều điều về văn hóa, con người của vùng đất đó. Với những nơi tôi có dịp đi qua, tôi thường hứng thú tìm hiểu quá khứ của chúng một cách tường tận. Vì càng đi tôi càng thấm thía câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Mỗi vùng đất tôi qua đã trở thành một phần máu thịt của tôi, khiến tôi không ngại bỏ công tìm hiểu, và lại càng yêu nơi chốn đó hơn.
Theo kinh nghiệm của tôi, khi đến một địa điểm nào đó mà không có kiến thức nền chuẩn bị, thì tôi đều mù mờ và không có cảm xúc gì đặc biệt. Ngay cả những thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nếu mình không biết ý nghĩa của chúng, chỉ thấy đó là những ngôi đền bình thường, khu vườn tầm thường, và rốt cuộc ta chẳng học được gì cả. Cho nên khi đi một nơi nào đó, tìm hiểu về nó càng nhiều càng tốt là cách đi của tôi. Ở đây, để tiết kiệm thời gian cho bạn, tôi sẽ cố gắng tóm tắt những điều thú vị nhất tôi thấy về lịch sử từng nước, mong rằng đó là bước đầu giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về vùng đất bạn sắp đến.
Tuy vậy, khác với các sách hướng dẫn du lịch như Lonely Planet, Rough Guides hay Fodor’s, bạn sẽ không tìm thấy ở đây các gợi ý về nơi ăn chốn ở, nhà hàng, khách sạn hay quán bar. Đơn giản là vì những thông tin đó thay đổi khá nhanh, mất nhiều thời gian để tổng hợp, và mang tính chủ quan cao. Thay vào đó, tôi sẽ chỉ bạn những chỗ để tìm các gợi ý đó, và họ làm tốt hơn tôi. Mặc dù vậy, tôi cũng sẽ đề cập đến những nơi tôi ở trong các cuộc hành trình của mình.
Về cách đọc sách, bạn có thể đọc hết một lượt, hoặc giở ra đọc bất kỳ nước nào bạn thích. Bạn có thể đọc những thông tin này trước khi đến đất nước đó, để quan sát và đối chiếu với những gì bạn thấy trên đường. Hoặc có thể bạn chỉ trở nên hứng thú tìm hiểu về vùng đất đó sau khi đã kết thúc hành trình, nên sau đó về nhà nghiên cứu thật kỹ. Cách đi nào cũng có cái lợi xen lẫn cái hại. Mặt lợi của việc không tìm hiểu trước thông tin là khi đi đường là bạn sẽ hoàn toàn khách quan, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ kiến thức nền nào cả, và bạn nhìn sự vật sự việc một cách chân thực nhất, có những cảm xúc trung thực nhất. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến tình huống là đôi khi đứng trước một công trình kiến trúc có ý nghĩa to lớn nhưng bạn hoàn toàn dửng dưng, vì bạn không được biết về những câu chuyện ẩn đằng sau nó. Dù sao thì tôi cũng hy vọng bạn sẽ tìm thấy những điều có ích qua những thông tin về các quốc gia được đề cập trong sách.
Người ta đi được, sao bạn lại không?
Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện nhỏ.
Hồng Hảo, một em sinh viên mà tôi quen, đã làm một chuyến đi bụi từ Campuchia qua Thái Lan suốt cả tháng trời mà chỉ với hai triệu đồng, còn rẻ hơn chi phí sinh hoạt ở Việt Nam một tháng. Khánh Ngân, một cô bé khác mới mười tám tuổi đã đi sáu mươi tư tỉnh thành của Việt Nam với chiếc túi thường xuyên rỗng không, chỉ bằng đi nhờ xe và ở nhờ nhà người lạ dọc đường. Khi tôi đang viết những dòng này thì em ấy đã kịp băng qua Lào, Campuchia và Thái Lan, giờ đang tìm đường đến Ấn Độ bằng đường bộ, lúc bắt đầu chuyến đi em ấy chỉ có bốn trăm nghìn đồng trong túi. Huyền thoại? Không đâu. Họ chỉ như chúng ta, tóc đen, da vàng, những con người rất bình thường. Cái họ có là thông tin và lòng hăng hái.
Khi tôi nghe Hảo kể về hành trình của mình, tôi đã trầm trồ một cách thích thú. Không phải vì tôi ngạc nhiên là em ấy quá giỏi hay quá can đảm, mà vì tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cái mà em ấy có mà khi bằng tuổi em tôi đã không có, đó là thông tin. Và tôi đã đánh mất thời gian và cơ hội của mình chỉ vì như vậy. Ở tuổi hai mươi, em đã tham gia vào các diễn đàn du lịch quốc tế, đã nghe về các chuyến đi vòng quanh địa cầu, đã dò nát lộ trình từng chặng, cách đặt vé máy bay, cách xin thị thực và lên kế hoạch. Ở tuổi hai mươi, em ấy đã biết là chúng ta có thể đi du lịch bụi với chi phí rẻ đến thế nào, và em đã đi. Còn tôi, tuổi hai mươi tôi đã không biết, và tôi đã nhốt mình trong bốn bức tường của căn phòng trọ.
Còn bạn thì sao? Bạn có muốn bỏ lỡ như tôi không? Tôi thì không, nếu như có thể trở về tuổi hai mươi thơ dại ấy, tôi cũng ước gì mình có thể đi. Nên tôi cho bạn cái bạn cần: thông tin, sự chuẩn bị. Để bạn biết rằng điều ấy có thể. Để bạn cũng lên đường.
Nghe có vẻ là điều bạn đang tìm kiếm? Thật tuyệt, vậy chúng ta hãy cùng bắt đầu nào.
***
Trên thế giới này, từ miền cực bắc giá lạnh đến vùng nhiệt đới cháy nắng, từ phương Tây phóng khoáng đến phương Đông huyền bí, có biết bao người ra đi vì tiếng gọi của những con đường, biết bao người ra đi vì tiếng gọi của miền đất mới. Đường xa vẫy gọi, tất cả họ đều nghe tiếng nói thôi thúc trong tim.
Cụm từ “the traveler”, người lữ hành, không phải xuất hiện mới đây. Hàng nghìn năm về trước, từ thuở khai sinh loài người, các bộ lạc nguyên thủy đã chia làm hai loại, bộ lạc du mục và bộ lạc định cư. Theo thời gian, những nền văn minh hình thành, với các thành phố, pháo đài, bộ máy nhà nước. Con người dần dần quay về sống quây quần với cộng đồng của mình trong những lãnh thổ khác nhau. Nhưng có một số người nào đó, dường như còn vương vất lại dòng máu lãng du của tổ tiên mình, vẫn tiếp tục lang thang từ miền này đến miền khác.
Trong những tác phẩm văn học thiếu nhi, thi thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông gầy gò, râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng với cái nhìn khỏe khoắn, rong ruổi qua làng mạc núi non, sưu tầm những bài dân ca, những câu đồng dao, thần thoại, và kể chuyện cổ tích cho trẻ con nghe. Chính một ông già như thế trong câu chuyện Cánh buồm đỏ thắm đã khơi gợi niềm tin mãnh liệt của cô bé Assol, khiến cô tin vào một cánh buồm đỏ đến đón cô đi vào cuộc đời mới, với những chân trời mới đầy tình yêu và hy vọng. Chính ông già ấy đã gieo ước mơ vào lòng cô từ những ngày thơ bé, để nó nảy mầm và thành hiện thực khi cô lớn lên. Có lẽ những ông già như vậy, là ông tổ của những người lữ hành.
Trải qua bao nhiêu năm, những người lữ hành hiện đại được trang bị với Internet, với các diễn đàn chuyên dành cho dân lữ hành, với các thiết bị chuyên dụng. Số lượng của những người lữ hành chuyên nghiệp ngày càng tăng lên, nhưng vẫn còn là một con số ít ỏi so với những nghề nghiệp khác. Họ vốn là những người muốn thoát ra khỏi cái vòng cuốn lẩn quẩn của công việc thường nhật và môi trường chật hẹp. Họ yêu thích khám phá những vùng đất xa lạ và tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau. Họ đánh giá cao những trải nghiệm trong đời hơn là sở hữu vật chất.
Và cũng giống như ông lão Egle trong Cánh buồm đỏ thắm ngày xưa, những người lữ hành ngày nay là những người khơi gợi ước mơ. Qua kinh nghiệm của họ, qua trí tưởng tượng của họ, những câu chuyện của người lữ hành luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những người khác, khiến họ mơ đến những vùng đất thần tiên, khiến họ tin vào những gì tốt đẹp ở đời, khiến họ mong về một tương lai tươi sáng hơn, trái ngược với cuộc sống đầy khó khăn hiện tại.
Như những người đứng bên lề xã hội, dân lữ hành luôn phải chịu những phản đối, thất vọng từ gia đình, những chỉ trích từ cộng đồng. Jodi Ettenberg (http://www.legalnomads.com), người đã từ bỏ công việc luật sư ở New York để trở thành một travel blogger kể về cuộc sống lữ hành toàn thời gian của cô một cách hài hước. Một lần cô gọi cho gia đình từ Việt Nam. Cha cô hỏi: “Con đang làm gì ở đó vậy con yêu?”, “Con ăn bún cha à, mỗi ngày”, “Cái gì? Bún hả? Hằng ngày sao?”, “Dạ, nơi này có nhiều loại bún lắm cha ơi, và con đang thử hết tất cả các loại”. Ông cười và bảo rằng: “Jodi, cha rất yêu con, nhưng cuộc sống của con làm cha thấy bối rối quá”.
Nhưng không phải ai cũng nhẹ nhàng như cha của Jodi. Cô nhận được nhiều email từ các bậc phụ huynh, giận dữ bảo rằng cuộc sống của cô là một tấm gương xấu cho con cái của họ, khiến chúng sống ngày càng vô trách nhiệm. Những người khác thì hỏi rằng tại sao cô lại lựa chọn sống lang thang như vậy, và cô đang cố lẩn tránh điều gì. Trong khi thực tế thì Jodi chỉ yêu thích phiêu lưu trên những vùng đất mới.
Liz Carlson (http://youngadventuress.com), một traveler khác, kể rằng khi trở về sau chuyến du hành vài năm, cô thấy nhiều người vốn là bạn thân bỗng quay lưng lại với cô. Cô bảo: “Lựa chọn một cuộc sống lữ hành có thể khiến bạn bị xa lánh”. Không chỉ có thế, người lữ hành thường xuyên phải đối diện với những khó khăn trên đường, những cô đơn thất vọng khi kiệt sức, và phải làm việc cật lực để có thể đi tiếp. Tác giả chia sẻ rằng để làm một người du hành, bạn phải làm việc vất vả hơn bao giờ hết, rằng thu nhập của bạn sẽ không ổn định, cùng với nhiều gian khổ khác nhau.
Các lữ khách bị nhiều người chỉ trích rằng họ lựa chọn một cuộc sống thảnh thơi, không biết tích lũy cho sau này, không có trách nhiệm với xã hội, chạy theo những giấc mơ hão huyền trong đời sống, và sẽ chết già không nơi nương tựa. Nhưng cùng với những chỉ trích chua cay về họ, vẫn có rất nhiều người khác, hằng ngày nhắn hỏi làm cách nào để có thể sống được như vậy.
Cuộc đời là thế, không thể tránh khỏi những khác biệt, những mâu thuẫn. Nhưng có nhiều điều khác nhau, có những thứ phong phú đa dạng mới là cuộc đời, và chính những điều đó làm nên nét đẹp của cuộc sống. Mỗi người đều có những sở thích, những ước mơ riêng. Nói như tác giả Phạm Lữ Ân: “Có người mải mê rong chơi, có người chỉ thích nằm nhà đọc sách. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi”.
Có người tìm thấy chính mình trên hành trình vạn dặm, nhưng cũng có người ngộ ra đạo lý khi ngồi dưới mái nhà của mình, trên chiếc giường quen thuộc của mình. Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống riêng, miễn là không phương hại đến người khác. Đừng vì người ta khác mình mà dè bỉu gièm pha, đừng vì họ khác mình mà ghét họ. Đừng cho những người ở nhà là buồn chán cổ hủ, cũng đừng lên án kẻ lang thang là sống vô ích vô tâm. Hãy làm tốt việc của bản thân, ngừng xen vào chuyện người khác.
Nhưng lẽ đời, nói thường dễ hơn làm. Khác biệt thường gây ra xung đột. Tác giả Chuyện con mèo dạy hải âu bay viết: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn”. Tôi thực chỉ ước có một nơi nào đó trên thế giới, nơi những suy nghĩ tự do, độc đáo được khuyến khích, nơi những khác biệt chung sống cùng với nhau, thuận hòa, an nhiên.
Cũng như thời xưa cũ, những con đường luôn vẫy gọi trái tim của những con người mang trong mình dòng máu du mục. Má của tôi, một cô giáo làng nuôi mộng văn chương từ thuở bé, dù giờ đã hơn năm mươi tuổi, nhưng Người vẫn luôn nói rằng khi nghỉ hưu, Người mong ước được phiêu du trên những miền đất lạ, và được viết hăng say.
Elizabeth Gilbert từng kể về một thời trẻ tuổi, khi bà lang thang khắp nơi ở lục địa châu Âu, làm đủ nghề từ bồi bàn đến trông trẻ, để gặp những người xa lạ, để nghe những câu chuyện kể, và cặm cụi viết trong những đêm tối đen sau một ngày cực nhọc. Cũng như họ, tôi cũng ước mơ một ngày nào đó. Một ngày nào đó, tôi sẽ lang thang trên hành trình vạn dặm, và viết với tất cả trái tim mình.
Tham khảo thêm: Sử Thi Ấn Độ Vĩ Đại Mahabharata Và Chí Tôn Ca
Tham khảo thêm: Tìm Hiểu Nghi Lễ Cưới Hỏi, Thờ Cúng Trong Dân Gian
Tham khảo thêm: Du Học Nhật Bản - 3000 Ngày Với Nước Nhật
Tham khảo thêm: Đắc Nhân Tâm Theo Phong Cách Phật Giáo
Tham khảo thêm: Du Ký Việt Nam Tập 2
Thẻ từ khóa: Ta Ba Lô Trên Đất Á, Ta Ba Lô Trên Đất Á pdf, Ta Ba Lô Trên Đất Á ebook, Tải sách Ta Ba Lô Trên Đất Á