Nghệ Thuật Và Vật Lý
Chuyên mục: Văn hóa - Tôn giáo
Nghệ thuật thể hiện thế giới nhìn thấy được, còn vật lí giải thích sự vận hành không nhìn thấy được của thế giới đó, khiến cho hai lĩnh vực này dường như hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng trong cuốn Nghệ thuật và vật lí, Leonard Shlain đã theo dõi sát sự phát triển bên cạnh nhau của hai lĩnh vực này trong suốt nhiều thế kỉ để phát lộ ra một mối tương quan thật kinh ngạc về quan niệm.
***
Có một lần vào năm 1979, tôi đưa đứa con gái mười hai tuổi của mình đi thăm Bảo tàng Mĩ thuật Hiện đại tại thành phố New York. Tôi có phần lo rằng việc nuôi dưỡng tại vùng California đã tước đi của con bé cái vốn di sản văn hóa phong phú của nền văn minh phương Tây, và muốn cho cháu xem một số ví dụ xuất sắc của nó đang tồn tại ở bờ phía Đông này của nước Mĩ.
Bắt đầu với các tác phẩm trưng bày thuộc trường phái Ấn tượng Pháp của Bảo tàng, tôi đã cố khuấy động trong con tôi niềm sùng kính và tâm trạng rạo rực mà tôi luôn cảm thấy trước những tuyệt tác hội họa. Tuy nhiên, khi hai bố con càng đi sâu mãi vào cái mê cung trong bảo tàng, các tác phẩm mỗi lúc càng trở nên hiện đại hơn. Con gái tôi, với cái lối hỏi làm người lớn bối rối, cứ ép tôi phải giảng giải hết bức tranh này đến bức tranh khác tại sao chúng lại tạo nên “nghệ thuật vĩ đại” như vậy. Tôi đã phải trả lời nó rằng nếu toà nhà này mà chỉ là kho báu của nền văn hóa của chúng ta, thì tôi chắc chắn có thể giải thích bằng một thứ tiếng Anh đơn giản về cái gì đã làm cho mỗi bức tranh trở nên quý giá, độc nhất vô nhị như vậy. Mỗi lúc tôi một bứt rứt vì không trả lời nổi các câu hỏi thẳng thắn của con bé.
Sau đó, vừa sưởi nắng và nhóp nhép nhai bánh mì kẹp xúc xích, hai bố con vừa bàn luận về những gì đã xem. Với vẻ hồn nhiên trong sáng của con trẻ, con gái tôi dõng dạc tuyên bố quan điểm của nó - rằng đối với phần lớn mảng nghệ thuật vừa rồi, vị Hoàng đế đã không hề có quần áo gì cả[1]! Tôi chợt nhận ra rằng mặc dù hiểu về nội dung trí tuệ của từng trào lưu hiện đại, nhưng thực ra tôi cũng chưa “nắm bắt được” nó. Tôi đâm cảm thấy bực bội với các họa sĩ đã làm cho việc lĩnh hội nghệ thuật trở nên quá khó đối với chúng ta. Cứ như là họ đã từ chối không cho chúng ta tham dự vào một vài bí mật quan trọng nào đó cùng với họ.
Rồi mấy ngày tiếp theo trong các bảo tàng khác, tôi cứ liên tục bị đối mặt với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan không lấy gì làm thoải mái này. Làm thế nào mà ý nghĩa của những thể hiện nghệ thuật đồng đại với mình lại vuột qua sự hiểu biết của một thành viên năng động và nhạy bén của nền văn hóa như tôi?
Cũng trong chuyến đi ấy, tôi còn đọc một cuốn sách khá nổi tiếng về vật lí hiện đại và tôi đã phải vật lộn với những khái niệm cơ bản của môn khoa học này. Nỗi tò mò suốt đời tôi về những vấn đề như vậy đã không được môn vật lí thuở đại học làm cho thoả mãn, bởi vì chúng tôi đã không được học cả thuyết tương đối của Einstein lẫn môn cơ lượng tử. Vị giáo sư lầm lì và khô khan của chúng tôi đã gạt phắt chúng đi, nói rằng ông đã hết thời gian. Những năm sau đó, khi bắt đầu tự mày mò tìm hiểu về vật lí hiện đại, tôi đã choáng váng trước sự khó hiểu dị thường của nhiều ý tưởng cơ bản của nó. Ý nghĩ này đã trở lại với tôi trong chuyến thăm bảo tàng ở New York. Mấy ngày sau, khi đang lơ đãng đứng trước một bức tranh trừu tượng khồng lồ tại phòng tranh Whitney, tôi băn khoăn tự hỏi làm thế nào mà một hệ thống suy tư về thế giới (bởi vì vật lí về bản chất chính là thế) lại có thể vượt quá tầm hiểu biết của hầu hết những thành viên thông minh nhất của xã hội.
Chính lúc ấy tôi chợt bừng ngộ ra điều làm nên cảm hứng cho cuốn sách này, và cho mười năm làm việc tiếp theo. Tôi thầm nghĩ, hình như có một mối liên hệ giữa cái không thể giải thích hết được của nghệ thuật hiện đại với cái không thể thấu hiểu hết của vật lí hiện đại.
Về nghề nghiệp, tôi không phải là nhà vật lí hay nhà phê bình nghệ thuật, mà là bác sĩ phẫu thuật. Vì thế, tôi đem đến cho cả nghệ thuật lẫn vật lí một con mắt nhìn tương đối không định kiến và một tâm thế của người mới bắt đầu học hỏi. Mặc dù sự khờ khạo của mình đã buộc tôi thực hiện nhiều nghiên cứu hơn hẳn so với một chuyên gia có thể phải làm để hiểu được những sắc thái tinh tế của chủ đề này; nhưng chính điều đó lại có những ưu thế nổi bật. Chẳng hạn như, vì không phải kiếm sống dựa trên một trong hai lĩnh vực ấy, tôi có phần nào tự do hơn trong các suy đoán của mình so với các nhà chuyên môn, những người luôn có một cái gì đó dễ bị mất. Tôi sẽ tiếp cận vật lí với tư cách như là một nghệ sĩ cố gắng giải thích các nguyên lí của nó với những nghệ sĩ khác. Tương tự như vậy, bằng diễn giải khoa học, tôi hi vọng sẽ giải mã được sự huyền bí của nghệ thuật.
Tôi thường được người ta hỏi tại sao một nhà phẫu thuật lại có thể nói một cách hấp dẫn được về hai chủ đề khá nặng và khác hẳn nhau như thế. Thật ngạc nhiên là chính nghề phẫu thuật, một cách chỉ riêng nó mới có, đã chuẩn bị cho tôi có thể đảm đương được nhiệm vụ ấy, bởi nhà phẫu thuật vừa là nhà khoa học vừa là nhà nghệ sĩ. Phẫu thuật đòi hỏi một cảm quan mĩ học sắc sảo đến tinh tế: trong nghề có câu châm ngôn rằng nếu một ca mổ “nom” không đẹp, thì hầu như chắc chắn là nó không vận hành một cách hoàn mĩ. Bác sĩ phẫu thuật do đó trông cậy chủ yếu vào hoạt động linh cảm thị giác-không gian của bán cầu não phải. Đồng thời, nghề của chúng tôi rõ ràng là được đào tạo một cách rất khoa học. Lập luận logic, suy đoán, tư duy trừu tượng của bán cầu não trái là những hòn đá bắc cầu dẫn đến các nguyên lí chuyên sâu của cái kho văn bản khoa học rộng bao la. Yêu cầu của nghề phẫu thuật, đòi hỏi tôi phải liên tục chuyển đi chuyển lại giữa hai chức năng bổ trợ nhau ấy của tâm lí con người, đã phục vụ đắc lực cho tôi để thực hiện công trình này.
Dự định của tôi là nhằm tới các độc giả thiên về nghệ thuật muốn hiểu thêm về vật lí hiện đại và các nhà khoa học muốn có một cái khung giá trị để thưởng thức nghệ thuật. Vì ngôn ngữ của vật lí là cực kì chính xác, đối lập với ngôn ngữ khơi gợi của nghệ thuật, tôi đã phải bắc nhiều “cây cầu” bằng kho từ vựng chung của hai lĩnh vực. Để đạt được việc này, đôi khi tôi phải mở rộng ý nghĩa của các thuật ngữ khoa học và thỉnh thoảng phải kéo dãn chúng ra trở thành các ẩn dụ thi ca. Đồng thời, tôi cũng đã phải nói rất cụ thể khi diễn giải một tác phẩm nghệ thuật, điều này làm cho người ta thấy có vẻ tôi tin rằng diễn giải của mình là diễn giải duy nhất đối với tác phẩm đó. Ngược lại, tôi biết rằng diễn giải của tôi chỉ là một trong nhiều diễn giải và mong nó sẽ làm phong phú thêm các diễn giải khác. Ghi nhớ như vậy trong tâm trí, tôi mong nhận được sự lượng thứ phần nào của các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực. Mượn lời của William Blake[2], “xin hãy tha thứ cho cái mà các bạn không tán thành và xin hãy yêu quý tôi về việc đã nhiệt tình dốc hết tài sức của bản thân.”
Khi tôi viết mấy câu cuối cùng trên, mà hài hước thay chúng lại xuất hiện trước tiên trong cuốn sách, thật khó có thể tin rằng cái công trình hút trọn thời gian công sức này của tôi đã hoàn thành. Tôi mong bạn khi đọc cuốn sách này sẽ thấy thích thú như khi tôi viết ra nó.
Tham khảo thêm: Du Ký Việt Nam Tập 1
Tham khảo thêm: Cẩm Nang Ứng Dụng Phong Tục Dân Gian
Tham khảo thêm: Trung Quốc Trong 10 Từ Vựng
Tham khảo thêm: Nếp Cũ - Làng Xóm Việt Nam
Tham khảo thêm: Kho Tàng Lễ Hội Cổ Truyền Việt Nam
Thẻ từ khóa: Nghệ Thuật Và Vật Lý, Nghệ Thuật Và Vật Lý pdf, Nghệ Thuật Và Vật Lý ebook, Tải sách Nghệ Thuật Và Vật Lý