Hỏi Đáp toàn diện Về Chủng Virus Corona - Nguyễn Xuân Hưng
Chuyên mục: Đông y
Cuốn sách "Hỏi Đáp toàn diện Về Chủng Virus Corona" do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng biên soạn, sẽ mang đến cho bạn đọc các kiến thức quan trọng về chủng Virus Corona hay thường gọi Covid-19, sách đề cập đến các nội dung được trích lược như dưới đây:
1. Virus Corona là gì?
Corona là một họ virus lớn, trong đó một số chủng có khả năng gây bệnh khi xâm nhiễm từ động vật sang người, một số khác chỉ xâm nhiễm và tồn tại ở các loài động vật bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Đôi khi virus Corona từ động vật tiến hóa để lây sang người, rồi sau đó lây từ người sang người như trường hợp Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng Hô hấp cấp (SARS).
2. Chủng virus Corona mới năm 2019 là gì?
Chủng virus Corona mới năm 2019 (2019 Novel Coronavirus – viết tắt là 2019-nCoV) là chủng virus hô hấp mới, chưa từng xuất hiện ở người trước đây và có khả năng lây từ người sang người. Các ca nhiễm 2019-nCoV đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
3. Nguồn gốc của 2019-nCoV là gì?
Hiện tại vẫn chưa rõ nguồn gốc của chủng 2019-nCoV. Nghiên cứu giải trình tự hệ gen của virus cho thấy chủng virus này có độ tương đồng 96,3% với chủng virus Corona từ dơi, do đó có khả năng cao đây là chủng virus từ dơi bị đột biến rồi xâm nhiễm sang người.
4. 2019-nCoV có giống với virus gây bệnh MERS và SARS không?
Không. 2019-nCoV không phải là chủng virus đã gây bệnh MERS (có nguồn gốc từ lạc đà) và SARS (có nguồn gốc từ cầy hương). Tuy nhiên, nghiên cứu di truyền cho thấy 2019-nCoV có thể đã tiến hoá từ một chủng virus liên quan đến virus gây bệnh SARS. Các nghiên cứu hiện vẫn đang được tiến hành để tìm ra nguồn gốc của 2019-nCoV.
5. 2019-nCoV phát tán và lây nhiễm như thế nào?
2019-nCoV là một chủng virus hô hấp chủ yếu phát tán khi tiếp xúc với người bị nhiễm thông qua các giọt bắn tạo ra khi người bị nhiễm ho, hắt hơi hoặc sổ mũi. Giọt bắn có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người ở gần hoặc bị hít vào phổi.
Cần lưu ý rằng khả năng lây từ người sang người của các loại virus khác nhau là khác nhau. Một số virus rất dễ lây lan (như sởi), trong khi các virus khác khó lây hơn. Do 2019-nCoV là loại virus mới chưa từng xuất hiện ở người trước đây nên khả năng lan truyền, mức độ nghiêm trọng và các đặc trưng khác của chúng hiện vẫn đang được nghiên cứu.
a2
6. 2019-nCoV có thời gian ủ bệnh bao lâu?
Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi bị nhiễm cho tới khi khởi phát các triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh ước tính hiện nằm trong khoảng 2-12 ngày, và thời gian này sẽ được cập nhật chính xác hơn khi có thêm dữ liệu. Dựa trên thông tin về bệnh do các chủng virus Corona khác như MERS và SARS, thời gian ủ bệnh của 2019-nCoV có thể lên tới 14 ngày.
7. 2019-nCoV nguy hiểm như thế nào?
Cũng như các bệnh về đường hô hấp khác, 2019-nCoV có thể gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và sốt. Triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn ở một số người và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở. Hiếm gặp hơn, 2019-nCoV có thể gây tử vong.
8. Ai có khả năng bị nhiễm 2019-nCoV?
Những người sinh sống hoặc đi đến khu vực có dịch 2019-nCoV có nguy cơ nhiễm bệnh. Hiện tại, virus 2019-nCoV đang bùng phát tại Trung Quốc - nơi có đại đa số người nhiễm bệnh. Những người bị nhiễm 2019-nCoV tại các quốc gia khác là những người gần đây đã đi đến Trung Quốc hoặc đang sinh sống/tiếp xúc gần với những người đó như người nhà, đồng nghiệp hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trước khi biết được bệnh nhân bị nhiễm 2019-nCoV.
Nhân viên y tế chăm sóc cho người nhiễm 2019-nCoV có nguy cơ bị nhiễm cao hơn và phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp dự phòng và kiểm soát lây nhiễm thích hợp.
9. Ai có nguy cơ bị bệnh nặng khi nhiễm 2019-nCoV?
Người già và những người có bệnh nền từ trước (như bệnh tiểu đường và bệnh tim) dễ bị nặng khi nhiễm virus này.
a3
10. Tôi có thể bị lây 2019-nCoV từ người không có triệu chứng bệnh không?
Theo các báo cáo gần đây, người nhiễm 2019-nCoV có thể phát tán virus trước khi họ có các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên dữ liệu hiện tại cho thấy hầu hết các ca lây nhiễm bệnh đều là từ người có triệu chứng.
11. Tôi có thể bị nhiễm 2019-nCoV từ động vật không?
Nghiên cứu chi tiết cho thấy SARS-CoV truyền từ cầy hương sang người ở Trung Quốc vào năm 2002 và MERS-CoV truyền từ lạc đà sang người ở Ả-rập Xê-út vào năm 2012. Một số chủng virus Corona chỉ tồn tại ở động vật mà chưa lây sang người.
Hiện vẫn chưa rõ 2019-nCoV lây sang người từ loài động vật nào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể bị lây nhiễm 2019- nCoV từ bất kỳ loài động vật nào hoặc từ thú cưng của bạn.
Những ca bệnh đầu tiên có khả năng bắt nguồn từ động vật trong chợ động vật sống ở Trung Quốc. Hãy tự bảo vệ bằng cách tránh tới các chợ động vật sống, nếu buộc phải đến thì hãy tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật sống và các bề mặt tiếp xúc với chúng.
Cần tránh ăn các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Thịt sống, sữa hoặc nội tạng động vật cần được xử lí cẩn thận để tránh lây nhiễm chéo sang các thực phẩm chưa nấu chín. Cần tuân thủ tốt các nguyên tắc an toàn thực phẩm.
12. Tôi có thể bị lây 2019-nCoV từ các loài thú cưng của tôi không?
Không. Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy các loài vật nuôi trong nhà như chó và mèo bị nhiễm hay phát tán 2019-nCoV.
a4
13. Kháng sinh có khả năng phòng ngừa và điều trị hiệu quả 2019-nCoV không?
Không. Kháng sinh chỉ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, không tiêu diệt được virus. 2019-nCoV là virus, do vậy không nên dùng kháng sinh để phòng ngừa và điều trị 2019-nCoV.
14. Có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin phòng bệnh chưa?
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng 2019- nCoV. Tuy nhiên, người nhiễm 2019-nCoV cần được chăm sóc thích hợp nhằm làm giảm và điều trị các triệu chứng, và những ca bệnh nặng cần được chăm sóc đặc biệt. Một số biện pháp điều trị đặc hiệu hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. WHO đang hỗ trợ điều phối các nỗ lực phát triển thuốc điều trị nCoV với nhiều trung tâm nghiên cứu và hãng dược khác nhau.
Những biện pháp dưới đây KHÔNG PHẢI là các biện pháp điều trị 2019-nCoV được WHO khuyến cáo, do chúng không có hiệu quả trong việc bảo vệ bản thân và thậm chí có thể gây hại:
• Uống vitamin C
• Hút thuốc
• Uống các loại trà thảo dược
• Đeo nhiều lớp khẩu trang để tăng cường bảo vệ
• Tự uống thuốc như kháng sinh
Trong bất kì trường hợp nào, khi bị sốt, ho và khó thở, hãy nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế để giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn và nhất thiết phải trình bày với chuyên viên y tế về lịch sử các chuyến đi của bạn.
a5
15. 2019-nCoV có tồn tại trên bề mặt đồ dùng không? Nếu có thì tồn tại trong bao lâu?
Có. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ 2019-nCoV có khả năng sống trên bề mặt trong bao lâu, mặc dù thông tin ban đầu cho thấy virus này có thể sống trên bề mặt trong vài giờ.
Thẻ từ khóa: Hỏi Đáp toàn diện Về Chủng Virus Corona - Nguyễn Xuân Hưng