Giới thiệu nội dung cuốn sách "Luận Đề Về Cao Bá Quát" của tác giả Nguyễn Duy Diễn:
TIỂU SỬ CAO BÁ QUÁT
Họ Cao ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc (tức là tỉnh Bắc Ninh bây giờ) vẫn là một cự tộc, nối đời khoa hoạn.
Trong họ đó, xưa kia, có Cao bái Hiên làm tới Binh Bộ Thượng Thư dưới triều vua Lê, kiêm lĩnh chức Tham Tụng (Thủ tướng) trong phủ Chúa Trịnh. Sau đó, nhiều người khác trong dòng họ Cao đều rất giỏi về văn chương, và đã sung vào nhiều chức quan trọng khác dưới các triều vua.
Kế tới đời ông đồ Cao, tuy đã nấu sử, sôi kinh, nhưng gặp hồi loạn lạc cuối Lê, không ra thì cử được để tiến đạt, ông đành ở nhà đóng vai ẩn sĩ, rồi sau khi trong nước đã bình định, ông mở trường dạy học.
Bà đồ Cao là một người đàn bà hiền từ – Một tay bà tần tảo nên ông đồ có thể yên tâm mà chuyên công đèn sách.
Ông bà đồ Cao sinh được, một lúc, hai người con trai. Người ra trước, ông bà đặt tên là Cao bá Đạt – Người ra sau, đặt tên là Cao bá Quát.
Vì đẻ sinh đôi, ông Đạt và ông Quát đều lắm tật bệnh – Hết chứng sài nọ, lại tiếp đến chứng sài kia – Nhưng từ ba tuổi trở đi, thì hai ông đều khỏe mạnh.
Hai người tư chất rất mực thông minh nên học đến đâu hiểu tới đấy. Nhất là ông Quát đã tỏ ra trác tuyệt ngay từ khi còn ít tuổi : Lời văn hùng hồn, ý văn rất mạnh. Không những thế, ông lại còm có thêm tính khí ngang tàng, không chịu ràng buộc trong một khuôn sáo nào nhất định.
Khoa Tân-mão niên hiệu Minh-Mệnh thứ 12 (1831) Cao-bá-Quát đỗ Á nguyên 1 tại Trường Thi Hanoi – (ông anh là Cao-bá-Đạt thì bị hỏng, nhưng đến khoa sau Minh-Mệnh thứ 15 (1834) thì đỗ Cử-Nhân).
Đỗ khoa hương rồi, ông Quát lên đường vào kinh thi Hội.
Khoa thi này ông Quát không đỗ chỉ vì có lỗi « huề hiệp văn thư » 2. Sự thực thì ông Quát chỉ có để quên trong tráp tờ nhận thực của Lý-trưởng.
Sau đó trải hai khóa nữa, Cao-bá-Quát đều bị trượt cả, không phải vì văn bài kém, mà chỉ vì người ta hùa nhau ghét ông nên tìm cớ đánh hỏng mà thôi – Thi càng không đỗ, ông càng hiểu rõ tâm địa người đời và càng dùng lời nói, hoặc câu văn để chửi một cách trắng trợn và hết sức chua chát.
Sau khi đã đỗ Á nguyên và trước khi vào kinh lĩnh chức Hành Tẩu Bộ Lễ, khoảng 10 năm trời (từ Minh-Mệnh thứ 13 (1832) đến năm Thiệu-Trị 1 (1841)). Cao-bá-Quát (còn gọi là Cao-chu-Thần nữa) đi ngao du đó đây, lấy văn chương trêu ghẹo người thiên hạ. Ông đã trở nên một kẻ lãng sĩ trong áng giang hồ. Thời kỳ này chính là thời kỳ lang bạc của Cao-chu-Thần vậy.
Niên hiệu Thiệu-Trị nguyên niên (1841), Cao-bá-Quát, do sự tiến cử của quan tỉnh Bắc-Ninh được vào kinh sung chức Hành Tẩu Bộ Lễ. Đó là một chức nhỏ, nhưng vì muốn làm vui lòng thân mẫu, nên ông đành ra nhậm chức.
Trong thời kỳ nhậm, chức Cao-bá-Quát vẫn giữ nguyên tính cũ, không bao giờ, vì một cớ nào đó mà ông có thể chịu uốn nắn cái phong cốt thẳng thắn, cái tính tình phòng nhiệm để a-rua nịnh hót hòng bước lên chức trọng.
Tuy lĩnh một chức nhỏ trong bộ máy chính-trị triều đình Huế (cái triều đình rất trọng đẳng cấp tôn ty), nhưng nếu có sự không hợp lý, ông can đảm mang ra hài hước, bất chấp mọi người, kể cả vua Thiệu-Trị, hoặc Tự-Đức.
Vì một chuyện xảy ra ở trường thi Thừa-Thiên (nơi ông được cử làm một trong những chân sơ khảo) ông bị buộc vào tội chữa bài cho một thi-sĩ, nên bị cách chức và bị đầy vào Đà-Nẵng (Tourane bây giờ).
Thời kỳ đi đầy này kéo dài khá lâu, ông đã nếm hết mọi mùi tân khổ.
Gập khi có sứ bộ Đào-trí-Phúc sang Tân-Gia-Ba công cán, ông được lệnh rời khỏi Đà-Nẵng, theo sứ bộ để phù tá công việc.
Ở Tân-Gia-Ba về, ông được phục hồi nguyên chức, nghĩa là lại làm Hành Tẩu Bộ Lễ. Vài năm sau ông được thăng lên chủ sự (vẫn là một chức rất nhỏ trong triều đình).
Bấy giờ ở Kinh, Tùng Thiện Công Miên Thẩm (tức sau làm Tùng Thiện Vương) cùng các quan Đại thần như Phan-Thanh-Giản, Trương-Đăng-Quế, Hà-Tôn-Quyền, v.v… thành lập Thi Xã Mặc Vân. Thi Xã đó nổi tiếng từ Nam chí Bắc. Vì biết tài lỗi lạc của Cao-Chu-Thần, nên Tùng Miên Thẩm và Tuy Lý Vương đến mời ông tham dự, ông từ chối. Đã có lần ông lắc đầu bịt mũi ngâm hai câu thơ :
« Ngán cho cái mũi vô duyên,
Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An ».
Dám ví thơ thi xã với thuyền mắm Nghệ An thì đủ rõ ông can đảm đến bực nào. Nhưng sau cùng vì hai ông Tùng và Túy hết mực tha thiết mời mọc ông năm lần, bảy lượt ; cảm vì sự tấm lòng, chuộng tài ít có, ông đành phải gia nhập thi xã Mặc Vân.
Vua Tự Đức là một người rất trọng văn chương nên khi lên ngôi ngài đã tỏ lòng hâm mộ Cao chu Thần – Nhưng dù vậy Cao chu Thần vẫn không quên tìm cách chế riễu, châm biếm vua một cách thấm thía.
Trong thời kỳ này, Vua, cũng như các quan triều thần đều ghét ông chỉ vì ông trực ngôn, dám nói sự thực, không kiêng nể.
Năm Tự Đức thứ 7 (1854) Cao chu Thần bị đổi ra làm giáo thụ Quốc Oai (Sơn tây) – nhưng thực ra nó là một hình thức bị đầy ải thì đúng hơn, vì Quốc Oai là một nơi rừng núi, học trò lơ thơ và hầu hết đều dốt nát, đần độn.
Uất hận, một phần vì cảnh điêu đứng, nghèo khổ của dân chúng trước mắt, một mặt vì quân quyền chuyên chế, bất công, nên ông gia nhập làm tham mưu cho Lê Duy Cự, nổi lên chống triều đình. Phong trào thoạt đầu khá mạnh 3. Quân đội của Cao bá Quát tấn công nhiều nơi, nhưng vì tổ chức còn lỏng lẻo, nên bị quân triều đình diệt tan – Cao bá Quát bị bắt và bị điệu về chém tại nguyên quán, tức làng Phú-Thị Kinh Bắc (Bắc-Ninh) cùng với hai con trai ông là Cao-bá-Thông và Cao-bá-Phùng. Cao-bá-Đạt lúc đó đang làm tri huyện ở Nông-Cống cũng bị bắt – khi điệu đi nửa đường ông tự vẫn chết.
Cao-bá-Nhạ là con trai Cao-bá-Đạt chạy trốn được, liền đổi tên họ, và lấy vợ, ẩn náu ở chân núi Hương-Sơn – Nhưng chừng hơn 8 năm sau, có người biết tố giác, nên Cao-bá-Nhạ bị bắt. Trong khi bị giam, ông có làm bài minh oan thống thiết nhan đề là « Tự tình khúc » Sau đó ông bị án tử hình và bị xử ngay tại làng Phú-Thị. 4
***
Hãy trình bày : « Địa vị hát nói trong văn chương Việt-Nam – và địa vị của Cao Bá-Quát trong văn chương hát nói ».
1) DÀN BÀI
Vào bài : Văn chương Việt-Nam chúng ta có nhiều loại : thơ, phú, hành, ký, lục bát, song thất, đối, v.v… Trong các loại vừa kể trên thì hát nói là đặc biệt hơn cả. Nó đã chiếm một địa vị quan trọng vì những lý do sau đây.
Thân bài :
1) Địa vị hát nói trong văn chương Việt Nam
a) Về phương-diện hình thức
- Hát nói phối hợp tất cả các loại văn nói trên : câu đối, phú, lục bát, v.v… Nhiều đoạn còn xen cả tản văn nữa.
- Dài ngắn không hạn chế. Một câu không nhất định phải mấy chữ. Hoặc một bài không nhất định phải mấy câu. Nhiều bài có mưỡu, nhiều bài lại không cần có mưỡu nữa.
- Một bài hát nói có thể làm toàn bằng chữ nôm, hoặc có thể xen chữ nho cũng vẫn được. Trong việc cho xen chữ nho như vậy, đặc biệt là ở chỗ bài hát không bị « lai căng » mà trái lại, khi hát lên, nó còn gợi dậy được sự đường hoàng, trang trọng.
Tóm lại : về hình thức, hát nói là một loại văn vượt khỏi khung khổ, mà vẫn ở trong khung khổ, phá thể-cách mà vẫn ở trong thể cách. Hình thức của nó vì thế rất đặc biệt.
b) Về phương diện ý tưởng
Các loại văn khác, ý tưởng hầu hết đều gò bó, hướng theo luân lý và lễ giáo. Sự diễn đạt của tác giả, vì vậy, phải đóng khung trong một lề lối chật hẹp. Hát nói, là một loại « đứng » ngoài phạm vi « nhà trường » – do đó, người nghệ sĩ được phép diễn đạt một cách thoải mái những ý tưởng và tình cảm mình. Ý tưởng và tình cảm đó thường thường hướng vào những điểm sau này : lập công, đợi thời, ngán đời, ăn chơi, tình tự, tả cảnh, v.v…
2) Địa vị Cao-Bá-Quát trong văn chương hát nói
Cao-Bá-Quát là một nhà thơ trác tuyệt. Cái tài lỗi lạc của ông hiện lên rõ rệt nhất qua những bài hát nói.
Những bài hát nói của ông tuy ít, có chừng 5, 7 bài (mà chúng ta biết được), cũng đủ cho ta nhận thấy cái phong phú của ông về ý tưởng, cái tế nhị của ông về tình cảm, và cái đặc biệt của ông về kỹ thuật.
a) Ý tưởng phong phú
- Ý tưởng yếm thế :
« Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy,
Cảnh phù-du trông thấy cũng nực cười ».
- Ý tưởng hoài nghi :
« Khoảng giời đất cổ kim, kim cổ,
Mảnh hình hài không có, có không ».
- Ý tưởng yêu đời : Ông sống cuống quýt, ông sống vội vàng vì sợ cuộc đời chóng hết :
« Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay,
Sực nhớ chữ « Cổ nhân bỉnh chúc ». 5
Ý tưởng yêu đời có được, một phần lớn, cũng là do ông tin ở thuyết Tiền định và ở luật Tuần hoàn của hóa công :
« Tuế tự dương hồi, xuân cánh tại,
Khổ nết rồi âu phải cam lai.
Thôi thì thôi tiền định an bài,
Sầu cho nát lòng người chi nữa… »
Chính vì thế mà ông theo thuyết « tự nhiên » của Lão Tử :
« Ngộ thử thời hành thử sự,
Dẫn hành tàng xuất xứ cũng tùy nghi ».
- Ý tưởng tự cao :
« Dưới thiều quang thấp thoáng bóng Nam San,
Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ ».
b) Tế nhị về tình cảm
Canh cái phong phú về ý tưởng. Cao bá Quát còn có thêm một ưu điểm nữa đó là cái nghệ thuật diễn đạt tình cảm rất tế nhị – Ít khi ông bộc lộ bằng cách trực tiếp kể lể những tình cảm của mình. Thường thường ông diễn đạt tình cảm bằng những hình ảnh :
« Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh,
Rầu rĩ lắm xuân về, oanh nhớ ».
Hoặc diễn đạt bằng điển cố – nhưng điển cố đã được « linh động hóa » một cách Việt-Nam như trong ca dao :
« Nước sông Tương một giải nông sờ,
Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi ».
Một đôi khi phải nói thẳng tình cảm của mình, thì ông giản dị và thành thực rất đáng khen. Do đó giá trị gợi cảm của lời thơ hết sức thấm thía :
« Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi,
Chữ chung tình biết nói cùng ai… »
Hoặc : « Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
« Tiêu khiển một vài chuông lếu láo ! »
c) Kỹ thuật
Hầu hết, ông thường dùng thể phú (nói thẳng ý nghĩ và tình cảm, nên không dùng đến mưỡu – ông bắt thẳng vào câu hát ngay).
- Kỹ thuật đặt câu : Câu của ông đặt già giặn, chắc chắn, thích hợp với từng ý tưởng định diễn đạt.
- Kỹ thuật dùng chữ : Mỗi chữ đều được cân nhắc đặt vào đúng chỗ nên không có những chữ thừa. Bất cứ tiếng gì, dưới bút ông, cũng trở nên những tiếng của « thần minh » cả. Tỉ dụ :
« Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười,
Tiêu khiển một vài chuông lếu láo ».
- Kỹ thuật dùng điệp chữ một cách lý thú :
« Duy cầm, duy kỳ, duy tửu, duy thi,
Thú vui thú phong hoa tuyết nguyệt ».
Hoặc : « Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ,
Mảnh hình hài không có có không ».
Tham khảo thêm: Thủ Đoạn Chính Trị
Tham khảo thêm: Tiểu Sử Các Tên Phố Hà Nội
Tham khảo thêm: Kinh Tế Và Xã Hội Việt Nam Dưới Các Vua Triều Nguyễn
Tham khảo thêm: Tam Thập Lục Kế (36 Chước)
Tham khảo thêm: Nghiên Cứu Phê Bình Sử Học Hưng Đạo Vương - Bình Định Vương
CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.
Thẻ từ khóa: Luận Đề Về Cao Bá Quát, Luận Đề Về Cao Bá Quát pdf, Luận Đề Về Cao Bá Quát ebook, Tải sách Luận Đề Về Cao Bá Quát