Cái Toàn Thể Và Trật Tự Ẩn
Chuyên mục: Khoa Học - Kỹ Thuật
Giới thiệu nội dung cuốn sách "Cái Toàn Thể Và Trật Tự Ẩn" của tác giả David Bohm:
Cái toàn thể và trật tự ẩn là cuốn sách kinh điển của của David Bohm. Trong cuốn sách này, ông đã phát triển lí thuyết về vật lí lượng tử, bao gồm cả vật chất và ý thức. Ông đưa ra một lí thuyết khoa học giải thích vũ trụ và bản chất của thực tế. Những lập luận trong cuốn sách được trình bày rõ ràng, mạch lạc và không sử dụng thuật ngữ kĩ thuật để các độc giả không chuyên có thể tiếp cận với cuốn sách dễ dàng hơn. Cuốn sách được Resurgence đánh giá là “một trong những cuốn sách quan trọng nhất của thời đại chúng ta”.
***
Joseph David Bohm là một nhà vật lí lượng tử người Anh. Ông nguyên là giáo sư danh dự Đại học Birkbeck thuộc Đại học Tổng hợp London. Ông là tác giả nhiều cuốn sách và bài báo, trong đó có Thuyết nhân quả và Ngẫu nhiên trong Vật lý hiện đại, Cái toàn thể và Trật tự ẩn, Vũ trụ không phân chia (viết cùng với Basil Hiley). David Bohm là một trong những người có nhiều ảnh hưởng tới mô hình lí thuyết hiện đại. Sự thách thức của Bohm với những hiểu biết thông thường về lí thuyết lượng tử đã khiến các nhà khoa học suy nghĩ lại về những việc họ đang làm, đặt câu hỏi về bản chất của lí thuyết mà họ đang theo đuổi và xác định phương pháp luận khoa học của họ.
***
Cuốn sách này là một tập hợp các tiểu luận (xem Lời cảm ơn) trình bày quá trình phát triển tư tưởng của tôi trong vòng hai mươi năm qua. Có lẽ cần đôi lời giới thiệu về những vấn đề nguyên tắc sẽ được thảo luận và sự liên hệ với nhau giữa chúng.
Tôi muốn nói rằng trong tác phẩm khoa học và triết học này, mối quan tâm chủ yếu của tôi là việc thấu hiểu bản chất của thực tại nói chung và ý thức nói riêng như một toàn thể cố kết, mạch lạc, nó không bao giờ đứng yên và hoàn thành, mà là một quá trình bất tận của vận động và khai mở. Bởi vậy, khi nhìn lại, tôi thấy từ khi còn là một đứa trẻ tôi đã hết sức hứng thú với câu đố thật bí hiểm về bản chất của vận động. Bất cứ khi nào người ta nghi về một điều gì đó, dường như người ta đều hiểu nó như là tĩnh tại, hoặc như một loạt những hình ảnh tĩnh tại. Thế nhưng, trong trải nghiệm thực tế về vận động, người ta cảm thấy một quá trình liên tục, không đứt đoạn của dòng chảy, mà hang loạt những hình ảnh tĩnh tại trong tư duy có liên hệ với nó như một loạt những bức ảnh “tĩnh” chụp nhanh có thể có liên hệ với hình ảnh một chiếc xe đang lao nhanh. Thật ra vấn đề có bản chất triết học này đã được nêu ra cách đây hơn 2.000 năm trong những nghịch lí của Zeno, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thể nói là đã có câu trả lời thỏa đáng.
Rồi lại có vấn đề nữa về mối quan hệ giữa tư duy và thực tại. Tập trung chú ý thật cẩn thận thì sẽ thấy, bản thân tư duy nằm trong một quá trình vận động thực. Có nghĩa là, người ta có thể cảm thấy một cảm giác về dòng chảy trong “dòng ý thức” không khác với cảm giác về dòng chảy trong vận động của vật chất nói chung. Như vậy liệu bản thân tư duy có thể không phải là một bộ phận của toàn bộ thực tại được chăng? Nhưng như vậy thì việc một bộ phận của thực tại “biết” một bộ phận khác có thể có nghĩa là gì, và việc đó có thể xảy ra trong phạm vi nào?
Phải chăng nội dung của tư duy chỉ cho chúng ta một “bức ảnh chụp nhanh” trừu tượng và đơn giản hóa của thực tại, hay nó có thể đi xa hơn, cách nào đó nắm bắt được thực chất của vận động sống mà chúng ta cảm thấy trong kinh nghiệm thực tế? Rõ ràng là, trong khi trầm tư và nghiền ngẫm về bản chất của vận động, cả trong tư duy và trong đối tượng của tư duy, người ta không khỏi đi đến vấn đề tinh toàn thể hay tổng thể. Cái ý niệm rằng người suy nghĩ (cái Tôi tư duy) ít nhất về nguyên tắc là tách rời khỏi và độc lập với thực tại mà y nghĩ về, tất nhiên đã ăn sâu vào toàn bộ truyền thống của chúng ta (Ý niệm này rõ ràng hầu như được thừa nhận phổ biến ở phương Tây, nhưng ở phương Đông có một khuynh hướng chung phủ nhận nó về mặt lập ngôn và triết học, trong khi đồng thời một quan điểm như thế cũng tràn ngập thực tế cuộc sống hằng ngày giống như ở phương Tây). Kinh nghiệm chung thuộc loại được mô tả ở trên, cùng với vô số kiến thức khoa học hiện đại về bản chất và chức năng của bộ não như là cơ sở của tư duy, gợi lên rất mạnh rằng một sự phân chia như thế không thể duy trì mãi. Nhưng điều này đặt chúng ta trước một thử thách hết sức khó khăn: làm thế nào chúng ta có thể suy nghĩ mạch lạc về một thực tại đơn nhất, nguyên vẹn, trôi chảy, tồn tại như một toàn thể, chứa cả tư duy (ý thức) và thực tế bên ngoài như chúng ta trải nghiệm nó?
Rõ ràng điều này đưa chúng ta đến chỗ xem xét cái thế giới quan toàn thể của chúng ta, bao gồm những khái niệm chính của chúng ta về bản chất của thực tại, cùng với khái niệm về trật tự toàn thể của vũ trụ, tức là vũ trụ luận. Để đương đầu với thách thức trước mặt chúng ta, những khái niệm của chúng ta về vũ trụ luận và về bản chất chung của thực tại phải có chỗ chứa đựng được một quan niệm nhất quan về ý thức. Ngược lại, những khái niệm của chúng ta về ý thức phải có chỗ để hiểu được cái nội dung “thực tại như một toàn thể” của nó có nghĩa gì. Như vậy, cả hai loại khái niệm ấy tập hợp lại phải sao cho chúng ta hiểu thực tại và ý thức liên hệ với nhau như thế nào.
Tất nhiên, những vấn đề này là vô cung lớn, và trong bất kì trường hợp nào cũng không thể được giải quyết một cách triệt để và hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với tôi dường như luôn có một vấn đề quan trọng rằng có cuộc điều tra liên tục những đề nghị nhằm đương đầu với thách thức đã được chỉ ra ở đây. Tất nhiên, khuynh hướng thịnh hành trong khoa học hiện đại đi ngược lại một cố gắng như thế, nó được hướng chủ yếu vào những dự đoán tương đối chi tiết và cụ thể về mặt lí thuyết, nó hé lộ ít nhất một số hứa hẹn cuối cùng có thể áp dụng vào thực tiễn. Do đó, tôi thấy cần giải thích tại sao tôi có ý muốn mạnh mẽ đến thế đi ngược dòng chảy chung đang chiếm ưu thế.
Ngoài những điều tôi cảm thấy là mối quan tâm thực chất về những vấn đề cơ bản và sâu sắc, trong quan hệ này, tôi muốn tập trung chú ý vào những vấn đề tổng quát về sự phân mảnh của ý thức con người, điều này sẽ được bàn đến trong chương 1. Trong chương này tôi đề xuất rằng những sự phân biệt giữa những con người (về chủng tộc, dân tộc, gia đình, nghề nghiệp v.v. và v.v.) vốn lan tràn và phổ biến nay dang ngăn cản loài người cùng làm việc vì những mục đích chung tốt đẹp, và thật vậy, ngay cả để sống còn. Trong nguồn gốc của những sự phân biệt này có một nhân tố then chốt là cái lối suy nghĩ coi mọi vật như thể chúng vốn cố hữu bị phân cắt, chia lìa, và “vỡ vụn” thành những hợp phần nhỏ hơn. Mỗi phần được coi như độc lập về bản chất và tự thân tồn tại.
Khi con người suy nghĩ về bản thân theo cách này, y sẽ có xu hướng không tránh khỏi phụ thuộc vào nhu cầu của cái “Tôi” của y, chống lại cái tôi của những người khác; hay là, nếu y đồng nhất bản thân với một nhóm người cùng loại, y sẽ bảo vệ nhóm này theo cùng cách ấy. Y không thể nghĩ về loài người như một thực tại cơ bản, mà sự khẳng định phải là đầu tiên. Cho dù y cố gắng xem xét những nhu cầu của loài người, y vẫn có xu hướng coi loài người tách rời khỏi tự nhiên, v.v. Điều mà tôi muốn đề xuất ở đây là cách suy nghĩ chung của con người về cái toàn thể, tức là thế giới quan tổng quát của y, hết sức quan trọng đối với trật tự chung của bản thân tri óc con người. Nếu ý nghĩ về cái tổng thể như được hợp thành từ những mảnh vụn độc lập thì trí óc của y có xu hướng hoạt động theo cách đó, nhưng nếu y có thể bao gồm mọi thứ một cách mạch lạc và hài hòa trong một toàn thể toàn diện, không phân chia, không vỡ vụn, và không có ranh giới (vì mọi ranh giới là phân chia hay đứt vỡ) thì trí óc y có xu hướng vận động trong một cách tương tự, và từ đó sẽ trôi chảy một hoạt động có trật tự bên trong cái toàn thể.
Tất nhiên, như tôi đã chỉ ra, thế giới quan tổng quát của chúng ta không phải là nhân tố duy nhất quan trọng trong bối cảnh này. Thật vậy, cần chú ý đến nhiều nhân tố khác, như cảm xúc, hoạt động sinh lí, các mối quan hệ giữa con người, các tổ chức xã hội, v. v. Nhưng có lẽ vì chúng ta hiện nay không có một thế giới quan mạch lạc, cho nên có một xu hướng phổ biến hầu như hoàn toàn bỏ qua tầm quan trọng về tâm lí và xã hội của những vấn đề như thế. Đề xuất của tôi là: một thế giới quan đúng, thích hợp với thời đại của nó, nói chung là một trong những nhân tố cơ bản, thiết yếu cho sự hài hòa trong cá nhân và trong toàn thể xã hội.
Trong chương 1 ta thấy rằng bản thân khoa học đang đòi hỏi một thế giới quan mới, không phân mảnh, theo nghĩa là phương pháp phân tích thế giới thành các bộ phận tồn tại độc lập như hiện nay là không có hiệu quả lắm trong vật lí hiện đại. Cả trong thuyết Tương đối và thuyết Lượng tử, các khái niệm hàm nghĩa cái toàn thể không phân chia của vũ trụ đã cung cấp một phương pháp mạch lạc* hơn nhiều hầu xem xét bản chất chung của thực tại.
Orderly.
Trong chương 2 chúng ta xem xét vai trò của ngôn ngữ trong việc đưa sự phân mảnh vào tư duy. Người ta đã chỉ ra, cái cấu trúc “chủ ngữ-động từ-đối tượng” của ngôn ngữ hiện đại ngầm chỉ rằng mọi hành động phát sinh trong một chủ thể biệt lập, và tác động lên một đối tượng tách biệt, hoặc tác động phản thân* lên chính nó. Trong toàn bộ cuộc sống, cái cấu trúc phổ biến này đưa vào một chức năng phân chia cái toàn thể của tồn tại thành những thực thể tách rời, [những thực thể này] được xem như là cố định và bất biến về bản chất. Từ đó chúng ta đặt câu hỏi liệu có thể đưa ra thí nghiệm những dạng ngôn ngữ mới, trong đó vai trò căn bản được dành cho động từ chứ không phải danh từ? Những dạng [ngôn ngữ] đó sẽ bao hàm trong nội dung của nó hàng loạt những hành động trôi chảy và hòa nhập vào nhau, mà không có sự phân chia ranh rẽ hay sự đứt đoạn. Như vậy, cả trong hình thức lẫn nội dung, ngôn ngữ này sẽ hài hòa với dòng chảy vận động không đứt gãy của toàn thể tồn tại.
Reflexively.
Những gì được đề xuất ở đây không phải là một ngôn ngữ mới theo Cách hiểu thông thường, mà đúng hơn là một cách thức mới trong việc sử dụng ngôn ngữ hiện có - một rheomode (phương thức dòng chảy). Chúng ta tạo ra một phương thức như thế như một dạng thử nghiệm đối với ngôn ngữ, chủ yếu nhằm nhìn thấu vào chức năng phân mảnh của ngôn ngữ nói chung, hơn là tạo ra một cách nói mới có thể dùng trong giao tiếp thông thường.
Trong chương 3, cũng vẫn vấn đề này được xem xét trong một bối cảnh khác. Mở đầu, chương này bàn đến vấn đề rằng thực tại, về bản chất, có thể được xem như một tập hợp các hình thức trong một vận động hay một quá trình cơ bản phổ quát như thế nào, và sau đó đặt câu hỏi làm thế nào có thể xem xét tri thức của chúng ta theo cùng cách đó. Như vậy, phương pháp này có thể mở ra một cách nhìn mới về thế giới, trong đó ý thức và thực tại không bị chia lìa khỏi nhau. Vấn đề này được thảo luận kĩ lưỡng và chúng ta đi đến khái niệm rằng cái nhìn tổng quát về thế giới* của chúng ta tự bản thân nó là một vận động toàn diện của tư duy nó phải đứng vững được theo nghĩa toàn bộ các hoạt động tuôn ra từ đó nói chung là hài hòa, cả với bản thân chúng lẫn với toàn thể tồn tại. Một sự hài hóa như thế chỉ có thể có được nếu bản thân cái nhìn thế giới tham gia vào một quá trình bất tận của phát triển, tiến hóa và khai mở, quá trình này phù hợp như một bộ phận của quá trình phổ quát vốn là nền tảng của mọi tồn tại.
General world view: chính là “thế giới quan”, nhưng người dịch muốn thuật ngữ này thoát khỏi cái ý nghĩa [hẹp hòi] mà nó bị áp đặt trong tiếng Việt mấy chục năm qua.
Ba chương tiếp theo khá nặng về kĩ thuật và toán học. Tuy vậy, phần lớn các chương này có thể hiểu được đối với bạn đọc không chuyên về kĩ thuật, vì những phần kĩ thuật không hoàn toàn cần thiết phải hiểu, mặc dù chúng bổ sung nội dung nhiều ý nghĩa hơn cho những ai có thể theo dõi được.
Chương 4 đề cập đến những biến thiên ẩn trong thuyết Lượng tử. Hiện nay thuyết Lượng tử là phương pháp cơ bản nhất của vật lí để hiểu các quy luật cơ bản và phổ quát liên quan đến vật chất và vận động của vật chất. Như vậy, rõ ràng là phải nghiên cứu nó cẩn thận nếu muốn đưa ra một cách nhìn tổng quát về thế giới.
Thuyết Lượng tử, trong tình trạng hiện nay của nó, đề ra cho chúng ta một thách thức cực lớn, nếu chúng ta có chút quan tâm nào đến loại mạo hiểm như thế này, bởi vì trong thuyết Lượng tử không hề có một khái niệm nào nhất quán về cái thực tại nằm bên dưới cấu tạo và cấu trúc phổ biến của vật chất có thể là gì. Như vậy, nếu dùng cái cách nhìn thế giới đang thịnh hành hiện nay dựa trên khái niệm về các hạt, chúng ta khám phá ra rằng các hạt này (như electron chẳng hạn) cũng có thể biểu hiện như các sóng, rằng chúng có thể chuyển động gián đoạn, rằng không hề có quy luật nào có thể áp dụng một cách chi tiết cho những chuyển động thực của các hạt cá thể, và rằng người ta chỉ có thể làm những tiên đoán có tính thống kê cho một tập hợp lớn những hạt như thế. Nếu mặt khác chúng ta áp dụng một cách nhìn thế giới trong đó vũ trụ được coi như một trường liên tục, chúng ta thấy rằng trường này cũng phải là gián đoạn, cũng giống như hạt, và rằng, trong hành trạng thực của nó, nó cũng bị xói mòn như quan điểm hạt về quan hệ như một toàn thể đòi hỏi.
Như vậy đã rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng phân mảnh cực kì sâu xa và triệt để, cũng như tình trạng rối loạn hoàn toàn, nếu chúng ta cố gắng suy nghĩ xem cái thực tại đang bị chi phối bởi các định luật vật lí của chúng ta có thể là cái gì. Hiện nay, các nhà vật lí có xu hướng tránh chủ đề này, bằng cách thể hiện một thái độ cho rằng cái nhìn tổng quát của chúng ta về bản chất của thực tại là không [hay rất ít] quan trọng. Tất cả những gì họ cho là đáng quan tâm trong vật lí học là tìm ra những phương trình toán học cho phép chúng ta dự báo và kiểm soát hành trạng của một tập hợp thống kê lớn gồm các hạt. Một mục tiêu như thế không thể coi như chỉ có lợi ích thực dụng và về mặt kĩ thuật; trái lại, trong phần lớn các công trình vật lí học hiện đại, người ta còn phỏng đoán rằng dự báo và kiểm soát hành trạng của loại đối tượng như thế chính là toàn bộ nội dung kiến thức của loài người.
Thật ra, loại phỏng đoán này hòa hợp với tinh thần chung của thời đại chúng ta, nhưng đề xuất chính của tôi trong quyển sách này là chúng ta không thể đơn giản bỏ qua một cách nhìn tổng quát về thế giới. Nếu cứ cố làm thế, chúng ta sẽ chỉ còn lại bất kì cách nhìn thế giới nào tình cờ có trong tầm tay (mà nói chung là không thích hợp). Quả thực, người ta thấy rằng các nhà vật lí trong thực tế không thể chỉ chăm chú vào các phép tính nhằm dự báo và kiểm soát: họ nhất định thấy cần thiết phải sử dụng những tưởng tượng dựa trên một số loại khái niệm tổng quát nào đó về bản chất của thực tại, chẳng hạn như “các hạt là những đơn vị cơ bản kiến tạo nên vũ trụ”*, song những tưởng tượng như thế giờ đây trở nên quá mức hỗn độn (chẳng hạn, những hạt này chuyển động gián đoạn và đồng thời là sóng). Tóm lại, ở đây chúng ta gặp một ví dụ cho thấy cái nhu cầu có một khái niệm nào đó về thực tại trong tư duy của chúng ta là một nhu cầu sâu xa và mạnh mẽ dường nào, cho dù khái niệm đó là hỗn độn và chắp vá.
Building blocks of the universe.
Đề xuất của tôi là, tại mỗi giai đoạn, trật tự đúng đắn của hoạt động trí tuệ đòi hỏi nắm bắt toàn bộ những gì nói chung đã biết, không chỉ trong các thuật ngữ toán học, logic và hình thức, mà còn một cách trực giác, trong tưởng tượng, tình cảm, phong cách thi ca của ngôn ngữ v.v. (Hẳn chúng ta có thể nói rằng đây là cái đòi hỏi sự hài hòa giữa “não phải” và “não trái”). Cách suy nghĩ toàn diện này không chỉ là một nguồn phong phú sinh ra những ý tưởng lí thuyết mới: nó còn cần thiết để cho trí tuệ con người nói chung hoạt động theo cách hài hòa, từ đó mới có thể tạo nên một xã hội trật tự và ổn định. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở các chương trước, điều này đòi hỏi một dòng chảy liên tục và sự phát triển các khai niệm tổng quát của chúng ta về thực tại.
Như vậy, chương 4 quan tâm đến việc tạo ra một sự khởi đầu trong quá trình phát triển một quan niệm mạch lạc về vấn đề loại thực tại nào có thể là cơ sở cho những dự đoán toán học đúng mà thuyết Lượng tử đạt được. Một mong muốn như thế nói chung đã được cộng đồng các nhà vật lí chấp nhận một cách có thể nói là còn bối rối, vì nhiều người cảm thấy rằng nếu có thể có một cách nhìn chung nào đấy về thế giới thì nó phải được xem như khái niệm “được chấp nhận” và “tối hậu” về bản chất của thực tại. Nhưng ngay từ đầu thái độ của tôi đã là: những khái niệm của chúng ta về vũ trụ và bản chất chung của thực tại nằm trong một quá trình phát triển liên tục, và có lẽ người ta phải xuất phát từ những ý tưởng vốn chỉ là một dạng cải tiến chút ít trên những gì đã có sẵn, và từ đó tiếp tục di đến một ý tưởng tốt hơn. Chương 4 trình bày những vấn đề có thực và nghiêm trọng thách thức bất kì ý đồ nào muốn cung cấp một khái niệm nhất quan về “thực tại có tính cơ học lượng tử”, và chỉ ra cách tiếp cận ban đầu đối với một giải pháp cho những vấn đề này dưới dạng những biến thiên ẩn.
Chương 5 khám phá một cách tiếp cận khác đối với cùng những vấn đề ấy. Đây là một cuộc truy vấn đối với những khái niệm của chúng ta về trật tự. Trật tự, trong tính tổng thể của nó, rõ ràng về cơ bản là không thể xác định, theo nghĩa là nó tràn ngập mọi thứ chúng ta là và làm (ngôn ngữ, tư duy, cảm giác, cảm xúc, hoạt động của thân thể, nghệ thuật, các hoạt động thực tiễn, v.v.). Tuy nhiên, trong vật lí học, trong nhiều thế kỉ trật tự cơ bản là trật tự của hệ tọa độ thẳng của Descartes (được mở rộng ra một chút trong thuyết Tương đối thành hệ tọa độ cong). Trong khoảng thời gian đó vật lí học đã có bước tiến khổng lồ, với sự xuất hiện của nhiều nét cực kì mới mẻ, nhưng cái trật tự cơ bản nói trên vẫn giữ nguyên không thay đổi.
Trật tự kiểu Descartes thích hợp với sự phân tích thế giới thành những bộ phận tồn tại tách rời (như các hạt hay các phần tử của trường*). Tuy nhiên, trong chương này chúng ta xem xét bản chất của trật tự một cách tổng quát hơn và sâu hơn, và phát hiện ra rằng trong cả thuyết Tương đối lẫn thuyết Lượng tử, trật tự kiểu Descartes đều dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng và hỗn độn. Đó là bởi vì cả hai lí thuyết giả định ngầm rằng trạng thái thực của mọi sự vật là cái toàn thể nguyên vẹn (không bị phá vỡ) của vũ trụ, thì đúng hơn là phân tích thành các bộ phận độc lập. Tuy nhiên, hai lí thuyết này khác nhau một cách cơ bản trong những khái niệm chi tiết về trật tự. Như vậy, trong thuyết Tương đối, vận động là liên tục, được quyết định theo quan hệ nhân quả, và được xác định rõ, trong khi ở cơ học lượng tử nó là gián đoạn, không theo quan hệ nhân quả, và không được xác định rõ. Mỗi lí thuyết gắn chặt với những khái niệm của riêng nó về bản chất mà trên cơ bản là bất biến và phân mảnh của tồn tại (thuyết Tương đối với các sự kiện rời rạc có thể kết nối bằng tín hiệu, còn thuyết Lượng tử thì với một trạng thái lượng tử được xác định rõ). Như vậy ta thấy rằng cần có một loại lí thuyết mói, nó vứt bỏ sự gắn bó cơ bản này và nhất là khôi phục lại đôi nét chủ yếu của các lí thuyết cũ như những hình thức trừu tượng suy ra từ một thực tại sâu hơn, trong đó cái chiếm ưu thế là một toàn thể nguyên vẹn.
Field elements.
Trong chương 6 chúng ta đi xa hơn để bắt đầu phát triển cụ thể hơn một khái niệm mới về trật tự, khái niệm này có thể thích hợp với một vũ trụ của cái toàn thể nguyên vẹn. Đây là trật tự ẩn tàng hay trật tự bất hiển lộ (hoặc không khai mở). Trong trật tự ẩn, không gian và thời gian không còn là những nhân tố thống trị quyết định quan hệ phụ thuộc hay độc lập của các phần tử khác nhau nữa. Đúng hơn là, giữa các phần tử có thể có một loại quan hệ cơ bản hoàn toàn khác, từ quan hệ này, những khái niệm thông thường của chúng ta về không gian và thời gian, cùng với những khái niệm về các hạt vật chất tồn tại tách rời, được trừu tượng hóa như những hình thức được suy ra từ cái trật tự sâu hơn này. Những khái niệm thông thường này thật ra xuất hiện trong cái gọi là trật tự hiển lộ hay không ẩn giấu (đã khai mở), vốn là một dạng khác và đặc biệt chứa đựng trong cái toàn thể chính của các trật tự ẩn.
Trong chương 6 trật tự ẩn được giới thiệu một cách tổng quát, và trình bày bằng toán học trong một phụ lục. Tuy nhiên chương 7, chương cuối cùng, là sự trình bày phát triển hơn (mặc dù không có tính chuyên môn) về trật tự ẩn, cùng quan hệ của nó với ý thức. Điều này dẫn đến một chỉ báo về một số con đường theo đó ta có thể đương đầu với thách thức cấp bách nhằm phát triển một vũ trụ luận và một tập hợp khái niệm tổng quát về bản chất của thực tại sao cho thích hợp với thời đại chúng ta.
Cuối cùng, mong rằng sự trình bày tư liệu trong các tiểu luận này có thể giúp bạn đọc thấu hiểu chủ đề tự bản thân nó đã được mở ra như thế nào, do đó hình thức của cuốn sách chính là một ví dụ để hiểu rõ ý nghĩa nội dung của nó.
Tham khảo thêm: Câu Chuyện Khoa Học
Tham khảo thêm: Câu Chuyện Phía Sau - Thời Gian
Tham khảo thêm: Câu Chuyện Phía Sau Bánh Mì
Tham khảo thêm: Câu Chuyện Phía Sau Chocolate
Tham khảo thêm: Câu Chuyện Phía Sau Giấy
CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.
Thẻ từ khóa: Cái Toàn Thể Và Trật Tự Ẩn, Cái Toàn Thể Và Trật Tự Ẩn pdf, Cái Toàn Thể Và Trật Tự Ẩn ebook, Tải sách Cái Toàn Thể Và Trật Tự Ẩn