Gã Khổng Lồ Mất Ngủ
Chuyên mục: Kinh tế - Quản lý
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn ebook "Gã Khổng Lồ Mất Ngủ":
Cuốn sách Gã khổng lồ mất ngủ được xuất bản thật trùng hợp sau ba sự kiện lớn ở Trung Quốc. Đó là các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, trận động đất kinh hoàng và khủng khiếp ở tỉnh Tứ Xuyên cùng với những dư chấn và hậu quả của nó, và Olympic Bắc Kinh 2008. Tất cả những sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với giới cầm quyền cũng như người dân Trung Quốc.
Tôi sẽ mở đầu với Olympic Bắc Kinh vì sự kiện này đã gây ra các cuộc khủng hoảng trầm trọng thách thức giới cầm quyền Trung Quốc ở trong cũng như ngoài nước suốt quá trình chuẩn bị. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tổ chức Olympic 2000 từ năm 1990, chỉ sau hơn một thập kỷ Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế thành công rực rỡ và mở cửa với thương mại cùng đầu tư thế giới. Việc tổ chức Olympic sẽ đem lại cho Trung Quốc danh hiệu cường quốc toàn cầu sau hơn một thế kỷ chìm đắm trong sự yếu đuối đáng hổ thẹn. Điều này sẽ củng cố lòng tự tôn dân tộc và tăng cường sự ủng hộ của công chúng vào chính quyền và Đảng Cộng sản. Trong suốt ba năm, Bắc Kinh khuấy động nhiệt huyết của công chúng đối với việc đăng cai thông qua các cuộc diễu hành và các biểu ngữ. Nhưng Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu phản đối việc đăng cai tổ chức của Trung Quốc và ủy ban Olympic quốc tế cũng đã từ chối. Sau vụ đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc năm 1989, thế giới có vẻ như không muốn chấp nhận một đất nước với tình hình nhân quyền tồi tệ như thế. Người Trung Quốc cảm thấy như bị cướp đoạt và đổ lỗi cho Hoa Kỳ.
Năm 2002 khi Trung Quốc giành được quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội năm 2008, đông đảo công chúng Trung Quốc sung sướng, hào hứng và cảm thấy như được rửa hận. Bắc Kinh đã không tiếc tiền để xây dựng những sân vận động, nhà thi đấu, sân bay, đường tàu điện ngầm hoành tráng, do những kiến trúc sư và kỹ sư hàng đầu thế giới thiết kế. Trong nỗ lực đổi mới đô thị một cách điên cuồng, các khu ngoại ô cũ nát bị san phẳng, thay bằng những tòa nhà chọc trời và trung tâm mua sắm lộng lẫy.
Thách thức lớn nhất của Bắc Kinh là vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chính quyền đã cho di dời các nhà máy ra xa thành phố, lên kế hoạch cắt giảm hoạt động ở các tỉnh xung quanh và hạn chế giao thông trong nội đô trong suốt quá trình diễn ra Thế vận hội. Tất cả các công trình xây dựng phải hoàn thành hàng tháng trước ngày khai mạc để có thời gian cho tan bụi. Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn thế giới phải ngưỡng mộ một đất nước tiên tiến mà họ đã xây dựng nên.
Mong muốn khẳng định với các quốc gia khác rằng cường quốc đang trỗi dậy này không phải là mối đe dọa, Trung Quốc trở nên ý thức về danh tiếng trên trường quốc tế hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Thế vận hội là cơ hội tốt nhất mà quốc gia này sẽ có trong suốt thời gian dài xây dựng hình ảnh.
Mặc dù vậy, thậm chí khi mọi ánh mắt của thế giới đang đổ dồn về mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn lảng tránh cải cách chính trị, những cải cách có thể giúp họ được ca ngợi hơn là những cơ sở vật chất đẹp đẽ. Olympic Seoul 1988 đã thúc đẩy Hàn Quốc chuyển đổi từ chế độ quân sự độc tài sang dân chủ nhân dân. Điều này đã không xảy ra ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo quá sợ người dân của mình và không dám mạo hiểm để đem lại cho người dân một tiếng nói chính trị lớn hơn.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc toàn quốc lần thứ 17 diễn ra tháng Mười năm 2007, nội bộ Đảng đã bàn rất nhiều về “dân chủ” nhưng không tiến tới một tiến bộ quan trọng nào cho phép đảng viên hoặc các quan chức cấp trung được bầu những vị trí chủ chốt trong Đảng. Giới cầm quyền Trung Quốc tiếp tục truyền thống chuyển giao quyền lực sau hậu trường. Họ dàn xếp một thỏa thuận chung, nâng một số nhà lãnh đạo trẻ vào những vị trí cấp cao, và đưa Tập Cận Bình, một nhân vật rõ ràng không phải là thân tín của Hồ Cẩm Đào hay bất cứ ai, trở thành nhân vật số một khi ông Hồ hết nhiệm kỳ trong năm năm tới (2013).
Việc bầu cử dân chủ cũng không được triển khai ở các cấp thấp hơn, ngoại trừ tại các thôn, vốn không phải là một đơn vị hành chính của chính phủ. Các cuộc bầu cử ở cấp cao thứ hai là thành phố đều bị cấm.
Trong suốt năm trước khi diễn ra Thế vận hội, chính quyền đã tìm mọi cách để đảm bảo không xảy ra biến cố chính trị bất ngờ nào bằng việc siết chặt kiểm soát các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả các nhóm tôn giáo, truyền thông và mạng Internet.
Bất chấp những nỗ lực kiểm soát, các quan chức Trung Quốc tỏ ra bất ngờ trước các cuộc biểu tình vào tháng Ba năm 2008 ở Tây Tạng và của các cộng đồng người Tây Tạng ở miền tây Trung Quốc. Khi cư dân mạng Trung Quốc phẫn nộ không chỉ với các cuộc tấn công bạo lực của người biểu tình nhắm vào những cửa hàng người Hoa ở Lhasa mà còn cả với phản ứng kém cỏi của chính phủ, các nhà lãnh đạo đã biện hộ bằng cách đề cao chủ nghĩa dân tộc. Các cơ quan tuyên truyền đã hướng sự giận dữ của công chúng từ chính phủ sang phía “những phần tử ly khai” Tây Tạng và báo chí phương Tây, mà họ buộc tội là đưa tin thiên vị. Truyền thông Trung Quốc bôi nhọ Dalai Lama bằng những ngôn từ chưa từng xuất hiện kể từ sau Cách mạng Văn hóa: họ gọi vị lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng này là “con sói đội lốt nhà sư”, “mặt người dạ thú” và cuộc đấu tranh chống lại ông là “cuộc chiến một mất một còn”. Công chúng Trung Quốc thích thú điều này, nhưng những người ngoại quốc cảm thấy kinh tởm trước biểu hiện này của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, khác xa hình ảnh về một xã hội thân thiện và hội nhập mà Bắc Kinh hy vọng sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy trong suốt quá trình diễn ra Olympic.
Cú sốc thứ hai trước thềm Olympic là trận động đất 8 độ richte hồi tháng Năm ở tỉnh Tứ Xuyên làm hơn 70.000 người chết và hàng triệu người mất nhà cửa. Việc chính phủ Trung Quốc nỗ lực cứu hộ cứu nạn một cách nhanh chóng, bài bản và sẵn sàng chấp nhận cứu trợ quốc tế đã thu hút được sự đồng tình và cảm thông của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh hoàn toàn tương phản với chính quyền quân sự khắc nghiệt và khép kín ở Myanmar đã từ chối cứu trợ quốc tế cho các nạn nhân của trận bão chỉ vài tuần trước đó. Những hình ảnh trên truyền hình về Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhanh chóng đến tỉnh Tứ Xuyên để chỉ đạo công tác cứu hộ và động viên những trẻ em còn bị kẹt dưới đống đổ nát giúp cho “chủ nghĩa cộng sản từ bi” của giới lãnh đạo Trung Quốc hiện tại có được khuôn mặt con người. Vấn đề Tây Tạng biến mất khỏi trang nhất của báo chí nước ngoài và được thay thế bởi những bài ca tụng nỗ lực cứu hộ kiên cường của Trung Quốc, sự cởi mở báo chí và hoạt động xã hội tình nguyện mà trước đó chưa từng có.
Không thể nào giữ bí mật một trận động đất cho dù có cố gắng kiểm soát báo chí thế nào đi chăng nữa. Các nhà báo và biên tập viên đã phớt lờ lệnh cấm ban đầu của Ban Tuyên truyền và hối hả đổ về hiện trường thảm họa vì đó là câu chuyện quá lớn khiến báo chí thương mại không thể làm ngơ. Một khi truyền thông hoạt động theo cơ chế thị trường đưa tin về sự kiện, báo chí chính thống như Tân Hoa Xã sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết hơn bao giờ hết. Nếu người dân không có thông tin đầy đủ và chính xác về thảm họa, họ có thể hoảng loạn và có những phản ứng bột phát. Trận động đất đã buộc chính phủ phải cho phép minh bạch hóa hơn bao giờ hết.
Sau thảm họa, lòng cảm thông sâu sắc với nạn nhân của trận động đất đã làm dấy lên phong trào tình nguyện mạnh mẽ của đông đảo công chúng Trung Quốc. Người dân trên khắp cả nước quyên góp đồ ăn, lều bạt, quần áo, tiền bạc rồi tự chở đến Tứ Xuyên và tham gia những nỗ lực cứu hộ. Lần đầu tiên, người dân được trải nghiệm một xã hội dân sự Trung Quốc tự do thoát khỏi những ràng buộc nhiều đến như thế.
Liệu rằng sự cởi mở hơn của giới lãnh đạo Trung Quốc do trận động đất đem lại có khiến họ tự tin tiếp tục làm như vậy sau khi cơn khủng hoảng đã qua đi? Hay là giới quan chức chịu trách nhiệm kiểm soát truyền thông và các tổ chức xã hội lại phải trở lại công việc như cũ? Vẫn còn quá sớm để biết được chắc chắn. Những cuộc biểu tình ở Tây Tạng và trận động đất đã làm gia tăng sự cảm thông của người dân với chính quyền Bắc Kinh nhưng cũng thúc đẩy đòi hỏi về tự do thông tin và hoạt động của xã hội dân sự mà chính quyền khó lòng chối bỏ.
Một loạt khủng hoảng nội bộ diễn ra ngay trước thềm Olympic Bắc Kinh đã bộc lộ rõ sự mong manh của hệ thống chính trị Trung Quốc, và đây chính là chủ đề của cuốn sách này. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự mong muốn Trung Quốc phát triển một cách hòa bình, không gây xung đột với Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Liên quan đến các vấn đề như Bắc Triều Tiên hay Ấn Độ, vốn không thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng, chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng tỏ ra thực dụng.
Điều khiến tôi phải suy nghĩ - và là động lực để tôi viết cuốn sách này - là liệu lập trường quốc tế mang tính xây dựng có bền vững ở Trung Quốc không, nơi mà chủ nghĩa dân tộc đang được củng cố, các cuộc biểu tình của quần chúng đang gia tăng, thông tin qua mạng Internet và truyền thông thương mại ngày càng nở rộ. Tôi hy vọng rằng việc hiểu rõ hơn những chuyển động phức tạp của nội bộ chính trị Trung Quốc có thể giúp những nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và các quốc gia khác đưa ra những chính sách phù hợp hơn, những chính sách giúp Trung Quốc hành xử như một cường quốc có trách nhiệm như nước này tuyên bố.
Tham khảo thêm: Người Chọn Nghề Hay Nghề Chọn Người
Tham khảo thêm: Sự Trở Lại Của Kinh Tế Học Suy Thoái Và Cuộc Khủng Hoảng Năm 2008
Thẻ từ khóa: Gã Khổng Lồ Mất Ngủ, Gã Khổng Lồ Mất Ngủ pdf, Gã Khổng Lồ Mất Ngủ ebook, Tải sách Gã Khổng Lồ Mất Ngủ