Dẫn Đầu Hay Là Chết
Chuyên mục: Sách kỹ năng sống
Tầm quan trọng của vị trí đầu tiên
Mặc dù khái niệm đầu tiên hay cuối cùng nghe có vẻ không công bằng và khó chấp nhận đối với một số người, nhưng trong thực tế, cho dù bạn kinh doanh cái gì hay sự nghiệp của bạn như thế nào, vị trí tiên phong bao giờ cũng mang tính quyết định. Đó là vị trí giúp bạn vượt qua mọi cơn bão, được chú ý vượt trội và trở thành mục tiêu của sự cạnh tranh chứ không phải chạy theo cạnh tranh với những đối thủ khác. Nhưng, hãy thử đối diện với sự thật: nếu bạn chưa từng nhượng bộ, thì giờ bạn đã ở vị trí đầu tiên, thay vì bất kỳ một vị trí nào khác, đúng không? Lựa chọn giữa vị trí đầu tiên và một vị trí bất kỳ nào khác, chúng ta đều biết vị trí nào được ưa thích hơn rồi.
Trong các hệ thống hoặc các nền văn hóa, mọi người được tặng thưởng chỉ đơn giản vì họ tham gia vào đó, mà không tính đến nỗ lực của họ, khả năng của họ hay thậm chí là hiệu quả làm việc của họ. Trong kinh doanh không giống như vậy, vị trí duy nhất có ý nghĩa quyết định và cũng là vị trí được tưởng thưởng cao nhất, tất nhiên - chính là vị trí đầu tiên. Nếu bạn không đứng ở vị trí thống lĩnh thị trường, có nghĩa là bạn đang đứng trước mọi sự rủi ro nguy hiểm. Khi nền kinh tế bắt đầu có sự cạnh tranh, thì công ty nắm vị trí tiên phong vẫn tiếp tục thu hút được khách hàng, bành trướng quy mô và tần suất xuất hiện của mình, trong khi những đối thủ yếu hơn thì nhận được miếng bánh càng ngày càng bé hơn, nhờ vào tính chất thuận lợi của thị trường. Tuy nhiên, khi giai đoạn thuận lợi này qua đi, công ty thống lĩnh thị trường sẽ được lợi bởi vị trí tiên phong của mình và hớt lấy thị phần từ tay tất cả các đối thủ khác, trong khi những công ty đang ở các vị trí khác phải lãnh đủ.
Từ điển Merriam-Webster định nghĩa vị trí đầu tiên là “vượt qua tất cả những người khác về cả thời gian, thứ tự, lẫn tầm quan trọng”. Là người đầu tiên trong thị trường không quan trọng bằng việc đứng số một trong thị trường đó. Bạn không nhất thiết phải là công ty đầu tiên giới thiệu một sản phẩm là lựa chọn tuyệt nhất trong tâm trí người mua. Thứ tự và vai trò có tầm quan trọng sống còn hơn nhiều so với thời điểm ra đời. Có sự khác biệt lớn giữa việc đứng ở vị trí thứ nhất và thứ ba trong các kết quả tìm kiếm của Google, ví dụ như công ty hàng đầu Intel và những công ty hạng hai như Advanced Micro. Tính đến tháng 12 năm 2009, tổng doanh thu của Intel đạt 32,7 tỉ đô la và có trong tay khoảng 13 tỉ đô la tiền mặt, trong khi đó Advanced Micro có 4,92 tỉ đô la doanh thu và 2,5 tỉ đô la tiền mặt. Hãy thử nhìn lại cuộc chạy đua vũ trang vào Nhà Trắng (năm 2008) giữa Barack Obama và John McCain, chỉ cần một chút điểm khác biệt cũng đủ để đưa một cái tên đi vào lịch sử. Có thể nói, Tổng thống Obama không phải người đầu tiên trong thị trường, thậm chí thực tế ông ấy còn sinh sau đối thủ của mình đến 25 năm và có kinh nghiệm ít hơn rất nhiều. Tuy vậy, ông ấy đã chiến thắng, đã giành được không chỉ là vị trí số một, mà còn là vị trí quyền lực nhất thế giới.
Vì vậy, hãy ngừng thỏa hiệp và bắt đầu tính toán sao cho “hợp lý”. Hãy cố gắng - qua từng khoảnh khắc mỗi ngày - giành lấy vị trí số một trong ngành nghề của bạn. Bạn phải đứng đầu khi nền kinh tế hưng thịnh và hốt lấy thị phần khi nó thoái trào.
Nền kinh tế đang chuyển mình
Các doanh nhân, nhân viên bán hàng, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và các CEO đều sợ kinh tế suy thoái và điều này cũng rất dễ hiểu. Họ cho rằng khi nền kinh tế bước vào giai đoạn thu hẹp, khách hàng sẽ bắt đầu cắt giảm các dự án, giảm chi tiêu và tệ hơn là hy sinh chất lượng để tìm kiếm những người bán hàng/nhà cung cấp giá thấp nhất. Sẽ càng ngày càng khó huy động vốn đầu tư, khó chốt giao dịch và đưa ra những dự đoán chính xác có ảnh hưởng đến việc hoạch định ở tất cả các cấp. Mọi người trở nên quá tải với những nghi ngờ, những điều không chắc chắn, những thứ có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đưa ra quyết định của họ. Những thăng trầm của nền kinh tế có thể đôi khi cũng là sự đòi hỏi những sự chuyển đổi quan trọng trong các kỹ năng của chúng ta, đặc biệt là khi theo sau những giai đoạn phát triển. Sự đòi hỏi này phổ biến đối với đội ngũ quản lý, lực lượng bán hàng và những nhân viên chưa được trang bị một cách thích hợp cho sự chuyển đổi trong nền kinh tế đang chuyển mình.
Có thể dễ quan sát thấy rằng động lực và những kỹ năng của con người đã bị thui chột dần qua những giai đoạn kinh tế tăng trưởng kéo dài. Cũng giống như một đấu sĩ chuyên nghiệp, sau hàng loạt những cuộc so găng dễ dàng thì anh ta bắt đầu đánh mất sự nhạy bén, sức mạnh và thậm chí là cả những khả năng phán đoán cơ bản nhất. Khi nền kinh tế tươi đẹp và thuận lợi, người ta có khuynh hướng phụ thuộc vào những cơ hội, những khoản vay dễ dàng, việc kiếm tiền dễ dàng và phát triển một quan điểm không hiện thực về tất cả mọi mặt. Khi nền kinh tế thay đổi và bắt đầu thắt chặt, cơn gió rủi ro sẽ không thổi từ sau lưng bạn nữa mà nó sẽ thổi thẳng vào mặt bạn. Khi thời thế khó khăn hơn, từng điểm yếu trong cơ cấu sẽ gây thiệt hại gấp nhiều lần so với trước. Từng lỗi nhỏ sẽ gây ra nhiều tốn kém hơn, mỗi giao dịch sẽ trở nên có tính sống còn và thất bại có khả năng trở thành hiện thực đối với cả cá nhân lẫn doanh nghiệp không có khả năng chuyển đổi theo kịp bước chuyển mình của nền kinh tế mới.
Thời điểm tôi bắt đầu viết cuốn sách này là lúc thế giới đang bước vào một trong những đợt khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử, kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Trong suốt những giai đoạn nền kinh tế thực hiện những bước chuyển mình, mọi người đều ngay lập tức cảm thấy sợ hãi, bối rối, choáng ngợp, giận dữ, tuyệt vọng vì không biết phải làm gì. Người ta không chắc liệu họ nên làm gì vào lúc này. Trong những khoảng thời gian như vậy, người ta đột nhiên nhận ra rằng doanh nghiệp của họ, thu nhập của họ và tương lai của họ, tất cả đều đang nguy khốn. Có vẻ như, thế giới đang gầm lên để đánh thức mỗi người chúng ta rằng, các bạn vẫn rất dễ bị tổn thương và có thể biến mất bất cứ lúc nào!
Bản chất của vấn đề đó là nếu bạn không phải là người đi đầu trong lĩnh vực của bạn, thì bạn sẽ bị đặt trong tình huống bấp bênh và nguy hiểm vô cùng. Nếu bạn không phải người đầu tiên, thì cho dù bạn có đang đứng ở đâu trên đường đua, bạn cũng sẽ là người lãnh đủ. Những lúc thế này sẽ cho chúng ta thấy sự nguy hiểm tới mức nào khi bị buộc chặt hay quá phụ thuộc vào nền kinh tế. Thay vào đó, bạn muốn rằng mình có thể đứng ở một vị trí quyền lực trong thị trường của mình để có thể tận dụng được tình trạng hiện tại của nền kinh tế.
Cuốn sách này viết về cách làm thế nào để bạn có thể nâng sứ mệnh và mục tiêu của mình lên một tầm cao mới, không phải trong tư thế cố gắng kiểm soát, mà là đứng ở vị trí thống lĩnh cuộc chơi và cả thị trường. Dù cho sản phẩm của bạn là gì, dịch vụ bạn cung cấp là gì, hay bạn có ý tưởng gì – mặc cho nền kinh tế có thay đổi thế nào đi chăng nữa – bạn vẫn luôn là người dẫn đầu và luôn cố gắng để duy trì vị trí đó. Trong công ty hay trong sự nghiệp của mình, bạn phải cố gắng chiếm lĩnh lấy vị trí mà bạn sẽ không dễ dàng bị tác động khi nền kinh tế đình trệ và hãy bắt đầu tư duy theo hướng tạo ra một hệ thống tài chính riêng cho mình. Tôi không muốn bạn sống theo kiểu qua ngày hoặc là luôn phải lo lắng về tình hình tài chính của mình. Tôi mặc kệ nền kinh tế đấy! Tôi chọn con đường tự cải thiện chính mình, chinh phục và gặt hái thành công và làm mọi điều có thể để đạt đến vị trí đứng đầu. Cuốn sách của tôi sẽ cho bạn thấy chính xác làm thế nào để thành công và sở hữu vị trí dẫn đầu quyền lực đó. Bạn sẽ tìm thấy những hành động cụ thể, tuân theo những bước nhất định để nâng tầm chính mình, nâng tầm công ty của mình, phát triển ý tưởng của mình và luôn là người dẫn đầu.
Khi thời kỳ dễ chịu chuyển thành giai đoạn khó khăn
Khi nền kinh tế thay đổi, chuyển từ tươi sáng lạc quan (giai đoạn mở rộng) sang khó khăn và tiêu cực (giai đoạn thu hẹp), con người có những phản ứng khác nhau. Ở một mặt nào đó, những phản ứng này khá giống với những gì chúng ta đã trải qua khi chịu đựng cảm giác mất đi một người mình yêu thương. Chúng ta bắt đầu cảm thấy như thể bị từ chối, rồi giận dữ, oán hận; và (với vài trường hợp) trở nên lãnh đạm, rồi cuối cùng là tự xốc lại chính mình. Nhưng đối với những người thành công trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thì những thử thách này lại là những khoảnh khắc đầy cảm hứng, khơi dậy trong họ những giải pháp mới mẻ và sức sáng tạo mạnh mẽ.
Tôi có thể đoán chắc với bạn rằng tình hình kinh tế này không phải là vô vọng và bạn không nên từ bỏ. Vẫn có những bước đi và những hành động chính xác giúp bạn đảm bảo được phần thắng về mình. Đây là một cơ hội lớn cho những người đã sẵn sàng để nâng những kế hoạch, thái độ và trách nhiệm của mình lên một tầm cao mới. Sứ mệnh của tôi, trong 25 năm qua, chính là giúp các bạn – những người luôn khao khát tiến bộ và thành công – có thể thực hiện được điều đó. Điều thú vị nhất trong côngviệc của tôi là được làm việc với những con người xuất sắc nổi trội, họ luôn cố gắng để vươn lên vị trí đầu tiên và chiếm lĩnh thị trường.
Trong cuốn sách này, tôi có nhắc đến những bài học mà tôi đã góp nhặt được từ những con người như vậy, thông qua những trải nghiệm gian nan và khó khăn của bản thân, để chứng minh cho bạn thấy chính xác những điều bạn phải làm để tạo ra thành công, bất chấp điều gì đang diễn ra trong nền kinh tế. Nó sẽ dẫn đường cho bạn, chỉ cho bạn làm thế nào để mở rộng, làm thế nào để vượt qua và thậm chí là cách tận dụng những thử thách ấy để đạt được lý tưởng của mình. Bạn sẽ tìm thấy những hành động đơn giản, khả thi và chi tiết vô cùng, giúp bạn và doanh nghiệp của bạn chiến đấu và bạn cũng sẽ học được một cách cụ thể rằng làm thế nào để chiếm thị phần từ tay đối thủ. Bạn sẽ nhìn ra chính xác rằng bạn phải làm gì mỗi ngày để thống lĩnh thị trường và tạo ra thành công – thành công lớn đến nỗi mà không một sự đình trệ nào trong nền kinh tế có thể tác động tiêu cực đến bạn. Bạn sống, làm việc và tạo ra thành công hoặc thất bại trong khuôn khổ nền kinh tế, nhưng bạn sẽ không còn phải phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế nữa. Bạn có thể tận dụng những lợi thế của một nền kinh tế đang suy yếu, chớp lấy thị phần từ những đối thủ ít lợi nhuận hơn và tận dụng những sự kiện kinh tế thắt chặt để tạo ra vị thế tài chính bạn muốn cho mình, cho công ty mình, hoặc cho gia đình – và trở nên độc lập với nền kinh tế địa phương, quốc gia, hay thậm chí là nền kinh tế thế giới. Trên thực tế thì có nhiều lợi thế rất lớn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế; một khi bạn biết cách tận dụng những cơ hội này, bạn sẽ có thể tiến lên, trong khi những đối thủ của bạn chao đảo, khuất phục và dần biến mất. Nếu bạn cho rằng nền kinh tế sẽ chỉ thỉnh thoảng trở nên khó khăn thôi, nhưng bạn vẫn muốn tìm hiểu và thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để thúc đẩy tiến trình kinh doanh của mình, thì chắc hẳn là bạn sẽ tiến bộ thần tốc khi áp dụng vào thực tế những điều đã được học trong cuốn sách này. Và bạn cũng sẽ không bao giờ đơn độc; vô số người ngoài kia cũng đang tìm kiếm cho mình một câu trả lời trong thời buổi kinh tế đầy biến động như ngày nay. Tuy nhiên, tồn tại sự khác biệt lớn giữa những người luôn tìm kiếm câu trả lời với những người luôn sẵn lòng học hỏi và thực hiện chính xác những bước đã học để có thể đảm bảo thành công. Phần lớn bạn bè và gia đình của bạn đã không còn tin rằng còn thứ gì đó cần thiết mà họ có thể làm được, nhưng bạn thì không. Chúc mừng bạn vì điều đó, vì bạn vẫn đang tìm kiếm câu trả lời.
Cảnh báo về những cuốn sách
Thật không may là, hiện nay có không ít người mua rất nhiều sách nhưng chẳng bao giờ đọc hết. Tôi nghĩ nguyên nhân có thể là một trong ba lý do sau: (1) bởi đầu tư tài chính cho một cuốn sách rất nhỏ, nên chúng ta dễ dàng mua được cả tá sách về nhà, nhưng lại chẳng bao giờ đọc hết cả; (2) chúng ta không phải ký một cam kết là phải đọc xong sách vào một ngày cụ thể nào cả; và (3) nhiều cuốn sách có chứa những từ khó hiểu.
Tôi muốn các bạn hãy cố gắng đọc xong cuốn sách này. Tôi đảm bảo rằng nếu bạn đọc hết nó, bạn có thể tạo lập ra một nền kinh tế và thành công mà bạn muốn cho chính mình, cho công ty và cho gia đình của mình – và đứng ở vị trí số một trong lĩnh vực mình đang hoạt động.
Vì thế, chúng ta hãy cùng mổ xẻ một chút những lý do được đề cập trên đây. Thứ nhất, con người thường tiếp cận một cuốn sách theo cách xứng đáng với cái giá mà họ trả để mua nó về, thay vì coi những thông tin chứa đựng trong đó có thể đáng giá cả triệu đô la. Cuốn sách này có thể sẽ đáng giá cả triệu đô đối với bạn, vậy nên hãy cố gắng đọc nó với cách nhìn đó và tiếp cận mỗi phần trong đó như thể nó sẽ tạo ra cả triệu đô cho bạn (vì nó hoàn toàn có thể làm được như thế).
Lý do thứ hai mà mọi người thường không thể đọc hết một cuốn sách là vì họ không bao giờ tự đặt cho mình một cái đích nào đó để hoàn thành. Đối với tôi thì điều đó thật dở hơi; bạn sẽ không bao giờ làm được gì nếu không lên kế hoạch cẩn thận, đúng không? Một người trung bình đọc khoảng 200 từ mỗi phút, nên nếu không bị làm phiền, người đó có thể đọc xong cuốn sách này trong thời gian chưa tới 5 tiếng đồng hồ. Trước khi bắt đầu một điều gì đó, dù cho là đọc một quyển sách hay xây thêm một phần nào đó cho ngôi nhà, tôi đều luôn cố gắng đưa ra một cái đích để hoàn thành. Vì thế, hãy ngừng đọc lại ngay và tự đưa ra một cam kết về hạn chót bạn phải đọc xong cuốn sách này. Chỉ cần viết ngày hôm nay và ngày mà bạn dự định đọc xong nội dung chính của cuốn sách thôi.
Lý do cuối cùng khiến bạn không thể đọc xong một cuốn sách đó là vì nó đề cập tới những từ mà bạn không hiểu và bạn chọn cách ngừng lại. Đối với lý do này, tôi đã chú giải những thuật ngữ mở rộng trong bảng thống kê cuối sách. Bảng thuật ngữ không bao gồm tất cả những cách sử dụng thuật ngữ đó trên thế giới: nó chỉ được sử dụng trong ngữ cảnh tôi đề cập đến trong cuốn sách này. Hãy dành thời gian tra cứu ý nghĩa của mỗi từ, kể cả từ mà bạn chỉ cảm thấy có một chút xíu nghi ngờ thôi. Ghi nhớ: thành công của bạn trong một lĩnh vực sẽ phụ thuộc vào mức độ bạn am hiểu những thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực đó!
Vậy nên, hãy đối xử với cuốn sách này như thể nó đáng giá cả triệu đô la đối với bạn; đặt ra ngày hoàn thành đọc cuốn sách và đừng bỏ qua bất cứ từ nào bạn không hiểu. Mỗi lần bạn đọc xong một bước hành động nào đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu hết và hiểu chính xác điều tôi đang giải thích trong bước đó. Rất nhiều bước hành động có vẻ như khá rõ ràng, nên lý do duy nhất mà bạn không nắm được đó chính là vì bạn không hiểu. Đừng thờ ơ hay bỏ qua bất cứ bước hành động nào, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ chiếm lĩnh được thị trường của mình và cuốn sách này sẽ trở thành nguồn tham khảo không phải chỉ cho mỗi bạn mà còn cho tất cả mọi người trong tổ chức của bạn.
Thông tin chứa đựng trong quyển sách này sẽ giúp bạn vượt qua một khủng hoảng bất kỳ nào đó, cho dù nó có tồi tệ và kinh hoàng, hay kéo dài thế nào đi chăng nữa. Tôi biết điều đó, bởi tôi đã sử dụng chính xác những kỹ thuật này để tự mình vượt qua ba đợt khủng hoảng kinh tế – và sau đó tôi trở nên mạnh mẽ, thiện chiến và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn bao giờ hết. Ngay trong hiện tại, tôi tiếp tục sử dụng chúng để nâng cao vị thế của mình trong thị trường, thâu tóm thị phần từ tay đối thủ và thực sự chiếm được phần trong những thị trường mà tôi chưa từng đặt chân tới trước đây.
Sụp đổ hay đau khổ đều là lúc để bùng nổ
Rất nhiều nhà kinh tế, học giả và cả những chương trình truyền thông đều suốt ngày dự đoán về sự sụp đổ, sự tan tành hay viễn cảnh ngày tận thế. Họ tập trung hoàn toàn vào vấn đề này, rồi quy trách nhiệm cho một người nào đó, mà không thể đưa ra bất cứ một gợi ý nào về giải pháp cho sự sống còn và phát triển. Có thể bạn đã từng trải qua một đợt kinh tế đình trệ nào đó, vì việc kinh doanh gần đây liên tục bị thu hẹp ở khắp nơi trên thế giới. Tôi nghĩ có lẽ bạn cũng đã nhận ra được hiệu ứng của việc này và tôi nghĩ bạn không hề thích nó chút nào. Sự thực là tôi hy vọng bạn không thích nó và tôi cũng khuyến khích bạn căm ghét nó, mạnh mẽ đến mức có thể sẵn lòng đứng lên chống lại nó. Mặc dù chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng chấp nhận được khi mà rất nhiều người bị ảnh hưởng – với hàng triệu người thất nghiệp, công ty phá sản và thậm chí cả một ngành nào đó biến mất; thì bạn vẫn phải coi đây là thời điểm để học hỏi và sử dụng những chiến lược cụ thể để lội ngược dòng. Những công ty mới, sản phẩm mới và thậm chí những ngành kinh doanh mới sẽ ra đời giữa những thách thức của nền kinh tế như vậy. Tôi muốn khi thức dậy mỗi sáng sớm, bạn phải khao khát trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, để không phải trở thành nạn nhân của những điều đang diễn ra trong thực tế, mà trở thành người tạo ra một hiện thực mới từ những cơ hội và những tàn dư của thời kỳ trước. Bằng cách thực hiện những bước đi chính xác, đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể chiến đấu với bất kỳ đợt khủng hoảng kinh tế nào và gặt hái thành công mà bạn khao khát. Bạn có thể tiếp tục mở rộng và tiếp tục cố gắng, nâng mục tiêu và mơ ước của mình lên cao hơn nữa và tạo ra một nền kinh tế mới của riêng bạn, theo đúng nghĩa đen của nó. Thực ra, không cần đến cả một cuộc khủng hoảng hay thắt chặt kinh tế mới làm nảy sinh vấn đề về kinh doanh hay tài chính trong doanh nghiệp. Tôi nghĩ chắc là bạn biết cũng kha khá người, dẫu cho có đang ở trong thời kỳ kinh tế mở rộng đi chăng nữa, cũng làm không tốt. Sự thắt chặt về kinh tế mở đường cho hàng loạt những vấn đề khác nhau cho mọi người và những vấn đề này cũng yêu cầu mức độ suy nghĩ, chấp nhận khác nhau và chúng tương ứng với những bước hành động khác nhau. Những khó khăn về tài chính xuất hiện là do bạn không thể bán được sản phẩm và dịch vụ của mình, với số lượng lớn và giá cao đủ để doanh nghiệp có thể đứng vững và có lợi nhuận.
Có rất nhiều lý do cho việc bạn không thể đưa sản phẩm và dịch vụ của mình vào thị trường – và lý do bào chữa còn có nhiều hơn. Sự thật là doanh nghiệp nào cũng trải qua những thăng trầm trong quá trình phát triển và nền kinh tế nào cũng có chu kỳ hoạt động của nó. Trên con đường tạo ra thành công và sự đảm bảo cho thành công đó, bạn phải đưa ra những điều chỉnh để thích ứng được với những yếu tố thay đổi không ngừng của thị trường. Một doanh nghiệp không thể luôn hoạt động tốt mà không phải nếm trải những khó khăn trong các giai đoạn biến động kinh tế. Một vài sự thoái trào này có thể tệ hơn một số thoái trào khác: nó có thể kéo dài, có thể ngắn, có thể gây ra thiệt hại kinh khủng, nhưng cũng có thể chỉ là một cơn gió thoáng qua. Nhưng nói chung là bạn có hai tin tốt: (1) có những bước hành động chính xác và cụ thể mà bạn có thể sử dụng để chống chọi lại bất cứ một đợt thắt chặt kinh tế nào và (2) thắt chặt kinh tế có thể trở thành những cơ hội tuyệt vời cho bạn mở rộng và chiếm lĩnh thị phần. Hãy khiến sự sụp đổ và tan vỡ ấy trở thành thời điểm cho bạn tỏa sáng!
Grant Cardone
Tham khảo thêm: Triết Lý Nhân Sinh Cuộc Đời
Tham khảo thêm: Nghệ thuật giải quyết các vấn đề trong giao tiếp
Tham khảo thêm: 10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates
Tham khảo thêm: Tư Duy Như Leonardo Da Vinci
Tham khảo thêm: 36 Kế Nhân Hòa
Thẻ từ khóa: Dẫn Đầu Hay Là Chết, Dẫn Đầu Hay Là Chết pdf, Dẫn Đầu Hay Là Chết ebook, Tải sách Dẫn Đầu Hay Là Chết