Giới thiệu nội dung cuốn sách "Truyện Kể Genji" của tác giả Murasaki Shikibu:
Truyện kể Genji (源氏物語), là một trường thiên tiểu thuyết của nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu sống dưới trướng của thứ phi Akiko trong cung Fujitsubo, triều đại Thiên hoàng Nhất Điều (986-1011), không rõ tên thật của bà là gì. Truyện được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ viết kana, theo thể loại monogatari (truyện) cổ điển đã có lịch sử phát triển từ 200 năm trước đó của Nhật Bản. Xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji trong phần chính và Kaoru, người con trai trên danh nghĩa của Genji trong phần thập thiếp cùng mối quan hệ của họ với những người phụ nữ, tác phẩm gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện rất lớn về dung lượng, rất phức tạp về nội dung và rất quyến rũ về mặt hình thức trong lịch sử văn học thế giới. Trở thành một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại vào thời kỳ trung cổ tiền Phục Hưng: về mặt lịch sử truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu với tác phẩm Đôn Kihôtê của Miguel de Cervantes vào thế kỷ 16
***
Murasaki Shikibu (Kana: むらさきしきぶ; Kanji: 紫式部, Hán Việt: Tử Thức Bộ; 978 - 1016) là biệt hiệu của một nữ văn sĩ cung đình thời Heian Nhật Bản, tác giả của cuốn tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, kiệt tác Truyện kể Genji, được viết bằng tiếng Nhật vào khoảng năm 1000 đến 1012.
Cái tên Murasaki Shikibu chỉ là biệt hiệu của bà, không ai biết rõ tên thật của bà là gì và bà sinh ra ở đâu, chỉ biết bà thuộc dòng dõi dòng họ Fujiwara và mất tại Tokyo, tuy một địa điểm tham quan phía Bắc Kyoto hiện nay được coi như mộ của bà.
Murasaki Shikibu thuộc cành thứ của dòng họ lớn đang trị vì đất nước là họ Fujiwara. Thành viên của gia tộc này làm chức nhiếp chính thay cho các Thiên hoàng trong suốt phần lớn thời Heian, cùng tổ phụ về phía họ nội 6 thế hệ trước đó với Fujiwara Michinaga, quan đại chưởng ấn điều khiển việc nước trong buổi đầu thế kỷ 11. Tuy nhiên khi Murasaki Shikibu mới ra đời chi họ của bà bị tụt xuống hạng thứ trong giới quý tộc cung đình. Cha bà, ông Fujiwara no Tametoki (藤原為時) chỉ là một nhà thơ, người có địa vị khiêm nhường ở thủ đô và đã 2 lần làm tỉnh trưởng tỉnh Echizen.
Không ai biết gì nhiều về thời thơ ấu của Murasaki Shikibu ngoài những điều bà tự nói với chúng ta. Trong lời mào đầu nổi tiếng của cuốn Nhật ký Murasaki Shikibu (Murasaki Shikibu nikki) mô tả các biến cố triều đình từ cuối 1008 đến đầu 1010 cho chúng ta biết cha bà, thấy con gái có khả năng trong việc học hành, đã than phiền bà không sinh ra là con trai. Cha bà trở thành tỉnh trưởng Echizen ở duyên hải Biển Nhật Bản, phía bắc Tokyo, vào năm 990 và bà đã đi theo cha đến nơi nhậm chức cho đến khi lấy chồng thì trở về.
Murasaki vào triều hầu hạ thứ phi Akiko, con gái của Michinaga, trong cung điện Fujitsubo thời Thiên hoàng Ichijō (986-1011) trong khoảng giữa thập niên đầu của thế kỷ 11. Cuốn Nhật ký Murasaki Shikibu của Murasaki có nhắc đến sự ra đời của hai người con trai hoàng hậu và cả hai hoàng tử sau đó đều trở thành vua. Trong nhật ký của mình Murasaki cho biết bà vào triều ngày 29 tháng 12 âm lịch nhưng không cho biết năm, có thể là năm âm lịch 1005 và/hoặc 1006. Hoàng hậu Akiko góa chồng năm 1011, khi Thiên hoàng Ichijo băng hà, và Murasaki Shikibu còn ở lại trong cung phục vụ hai năm tiếp theo. Chịu sự giáo dục chu đáo, tỉ mỉ của một phụ nữ trẻ cùng tầng lớp trong cung, và mặc dầu có một trí tuệ khác thường, Murasaki Shikibu đã phải tiếp thu một cách chậm chạp nhưng chắc chắn tất cả những kiến thức văn hóa rộng lớn đương thời mà người thiếu phụ này truyền cho, từ lịch sử Trung Hoa, thơ ca trữ tình Trung Hoa và Nhật Bản cho đến các trước tác triết học Khổng giáo và Phật giáo.
Về truyện hư cấu bằng văn xuôi, bà cũng chỉ biết không nhiều hơn là những trước tác buổi đầu của chính người Nhật Bản vào thế kỷ 10 và ngay cả văn xuôi trong văn học Trung Hoa đương thời, vốn không phải là loại hình được người Trung Hoa ca ngợi hay thành thạo vào thời đó. Murasaki Shikibu lấy chồng khoảng năm 998 hoặc năm 999, chồng là một người bà con xa với bà. Có lý do để tin rằng, so với thời bấy giờ bà lấy chồng khá muộn, có lẽ vào tuổi 20. Bà sinh được một con gái vào năm 999 và góa bụa vào năm 1001.
Chịu nhiều đau khổ sâu sắc trong đời tư nên Murasaki Shikibu đã sớm rút lui khỏi thế giới trần tục và dồn sinh lực của đời mình vào việc học tập cũng như sáng tạo nghệ thuật. Bà đã đạt được những thành tích xuất sắc trong âm nhạc, thơ, hội họa, và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Truyện kể Genji 54 chương, viết xong vào khoảng năm 1004, một kiệt tác đứng vào hàng lớn nhất của văn xuôi cổ điển Nhật Bản cũng như văn xuôi nhân loại.
***
KIRITSUBO
Dưới triều của một vị vua không rõ thời nào, trong số rất nhiều thứ phi và cung nữ, có một người tuy không thuộc dòng dõi quý tộc có đẳng cấp cao nhưng lại được nhà vua hết mực yêu chiều. Ngay từ đầu, nàng đã bị những người có địa vị cao và tự đắc về thân thế của mình ganh ghét, cho là vô lễ. Những người ngang bằng hoặc thấp hơn nàng về địa vị thậm chí còn khó chịu với nàng hơn. Ngày ngày, khi phụng sự nhà vua trong cung, nàng đã làm cho những người khác bực mình vì ghen tỵ. Và có lẽ vì những hờn giận ấy chồng chất quá nhiều nên sức khỏe của nàng cứ yếu dần. Nàng cảm thấy buồn phiền, cô đơn và hay trở về quê. Nhà vua lại càng thấy tội nghiệp cho nàng, không để tâm đến những lời đàm tiếu xung quanh. Tình cảm của nhà vua dành cho nàng trở thành một đề tài đàm tiếu quen thuộc của người đời. Tình yêu ấy khiến cho cả các vị quan lớn trong triều cũng cảm thấy bất ổn và cứ ngoảnh đi không muốn nhìn trực tiếp. Ở Trung Quốc thời Đường cũng xảy ra một chuyện như thế đã làm cho tình hình xã hội xấu đi dẫn đến loạn lạc. Dần dà, người đời cũng cho rằng đây là chuyện không hay và đem ví với chuyện nàng Dương Quý Phi với vua nhà Đường. Nàng cung phi ấy rất đau khổ nhưng vẫn sống nhờ vào tình cảm cao quý hiếm có mà nhà vua dành riêng cho nàng.
Bố nàng là quan Dainagon nhưng đã qua đời. Mẹ nàng - được gọi là phu nhân sống ở cung phía Bắc - là một người nệ cổ và có hiểu biết. Nàng được bố mẹ dạy dỗ để có thể đảm đương mọi chuyện lễ nghĩa trong cung đình không kém gì những người được xã hội đương thời trọng vọng nhưng nếu có chuyện gì thì vẫn thiếu người hậu thuẫn, nên không khỏi cảm thấy cô đơn vì thiếu nơi nương tựa mỗi khi có chuyện bất ngờ.
Có lẽ vì duyên nợ sâu nặng từ tiền kiếp, nàng cung phi Kiritsubo đã sinh hạ một hoàng nam có vẻ đẹp rực rỡ lạ thường và trong sáng như một viên ngọc quý. Nhà vua rất nóng lòng mong được gặp con nên khi vừa hết thời gian ở cữ là ngài vội vã mời cung phi và hoàng tử về cung. Trông thấy hoàng tử lúc ấy mới là một đứa trẻ sơ sinh, nhà vua đã nhận thấy con mình có khí sắc phi thường. Hoàng tử thứ nhất của nhà vua là con của hoàng phi con gái quan Hữu đại thần, có thế lực hậu thuẫn rất tốt tại triều đình và theo sự ngưỡng vọng của dân tình lúc đó thì "chuyện chàng được kế thừa ngôi vua không còn gì có thể nghi ngờ nữa". Nhưng hoàng tử mới ra đời lại có vẻ đẹp không ai sánh bằng. Vì thế nhà vua vẫn hết lòng yêu quý hoàng tử thứ nhất như một người con bình thường, còn với hoàng tử mới sinh thì ngài dành cho một tình yêu vô hạn và nâng niu như một báu vật của riêng mình. Mẹ của chàng hoàng tử vốn không phải thuộc loại cung nữ tầm thường chỉ chuyên làm công việc hầu hạ. Mọi người đều biết rằng nàng được nhà vua hết mực yêu thương và cũng có địa vị khá cao trong cung đình. Nhà vua lúc nào cũng muốn giữ nàng bên cạnh. Bất cứ cuộc vui tao nhã nào trong cung, nhà vua cũng cho gọi nàng trước hết. Cũng có lúc nhà vua qua đêm với nàng, và hôm sau lại tiếp tục giữ nàng ở lại không cho về, nên tất nhiên nàng bị những người khác coi thường, cho là loại người thiếu ý tứ và hời hợt. Sau khi nàng sinh hạ hoàng nam thì tình yêu thương của nhà vua đối với nàng càng sâu đậm hơn bao giờ hết. Vì vậy mẹ của hoàng tử thứ nhất cũng lo lắng nghĩ rằng "biết đâu hoàng tử nhỏ này chiếm được vị trí đông cung". Hoàng phi này vào cung sớm nhất và cũng được nhà vua rất yêu thương, quý trọng. Nàng cũng đã sinh cho nhà vua hoàng tử và các công chúa nhưng đôi khi những điều nàng hay phàn nàn không khỏi làm cho nhà vua cảm thấy "phiền toái, buồn lòng".
Tham khảo thêm: Truyện Kể Hằng Đêm Dành Cho Các Cô Bé Cá Tính - 100 Người Phụ Nữ Truyền Cảm Hứng
Tham khảo thêm: Truyện Loài Vật
Tham khảo thêm: Truyện Ngụ Ngôn Việt Nam Chọn Lọc
Tham khảo thêm: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hay Việt Nam Dành Cho Thiếu Nhi - Tập 1
Tham khảo thêm: Vợ Chồng Lão Twit
CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.
Thẻ từ khóa: Truyện Kể Genji, Truyện Kể Genji pdf, Truyện Kể Genji ebook, Tải sách Truyện Kể Genji