Giới thiệu bạn đọc cuốn ebook "Tình Yêu và Nỗi Buồn":
Tình Yêu Và Nỗi Buồn là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kawabata trước khi ông tự tử. Đây là một trong những tiểu thuyết đẹp nhất của ông, và có phần hấp dẫn hơn các cuốn Xứ Tuyết và Ngàn Cánh Hạc. Câu chuyện mở đầu khi nhân vật chính, Oki, một nhà văn ở tuổi ngoài năm mươi, đang trên đường trở về Kyoto vì một lòng hoài niệm nước Nhật Bản cổ. Nhưng có lẽ động lực chính, thúc đẩy Oki trở về Kyoto, là lòng ao ước đi tìm lại chút hương cố nhân ở người tình cũ của hai mươi bốn năm về trước là Otoko. Otoko hiện là họa sĩ, và vẫn còn rất đẹp. Nàng đang sống trong nhà khách của một ngôi đền cùng với Keiko, người học trò họa sĩ. Keiko là một nhân vật vô cùng đam mê và không quan tâm đến luân lý, và cũng vừa mới hai mươi tuổi. Khi ba người gặp nhau tại một điểm hẹn của định mệnh, thì chính Keiko là người đã tạo ra một sự tàn phá chết chóc vì lòng ghen và một cuộc trả thù rất lạ lùng.
Tình Yêu Và Nỗi Buồn mô tả nhiều đến khía cạnh tình dục, nhưng bằng một văn phong rất nhẹ nhàng, như mặt hồ thu phẳng lặng trong một hoa viên yên tĩnh. Tình Yêu Và Nỗi Buồn chính là một bằng chứng về nét điêu luyện tâm lý của Kawabata, cùng với nghệ thuật kể chuyện siêu đẳng, một sắc thái độc đáo trong tinh thần cổ truyền Nhật Bản. Chuyến đi của Oki về Kyoto để nghe tiếng chuông chùa và gặp lại người tình cũ, phải chăng biểu tượng niềm hoài cổ và lòng yêu mến nước Nhật Bản cổ xưa của tác giả?
Buồn thương và tinh tế, sáng tác của nhà văn người Nhật Yasunari Kawabata là một trong những di sản tinh thần quý giá nhất của thế kỷ 20. Tác giả của những trang văn nhạy cảm và mong manh ấy cũng là người mang nhiều nỗi sầu thương, kết đọng lại từ cuộc đời riêng đầy tang tóc, từ cảm thức hoài cổ và những suy tư trầm mặc về cuộc sống và con người.
***
Năm chiếc ghế xoay được xếp dọc một phía trong toa dành cho khách ngắm cảnh của chuyến xe lửa tốc hành Kyoto. Oki Toshio thấy chiếc ghế cuối dẫy đang lặng lẽ quay theo chuyển động của xe lửa. Chàng không thể rời mắt khỏi chiếc ghế ấy. Những chiếc ghế bành thấp bên cạnh chàng không quay.
Oki ngồi một mình trong toa ngoạn cảnh. Thu mình trong chiếc ghế bành, chàng ngồi nhìn chiếc ghế cuối quay. Chiếc ghế không quay theo cùng một chiều, hoặc cùng một tốc độ: đôi khi nó quay hơi nhanh hơn, hoặc hơi chậm hơn, hoặc ngừng lại rồi quay ngược lại. Nhìn chiếc ghế quay trước mặt trong một toa xe trống vắng, chàng cảm thấy cô đơn. Những ý nghĩ của quá khứ bắt đầu chập chờn qua tâm trí chàng.
Hôm ấy là ngày hai mươi chín tháng mười hai. Oki đang đi Kyoto để nghe tiếng chuông đêm giao thừa.
Chàng nghe những tiếng chuông ấy qua máy phát thanh đã bao nhiêu năm rồi? Những buổi phát thanh đó bắt đầu từ bao giờ? Có lẽ kể từ đó, năm nào chàng cũng nghe những tiếng chuông, cùng với lời bình luận của nhiều xướng ngôn viên, trong lúc họ phát lại tiếng chuông từ nhiều ngôi đền khác nhau tại khắp nước. Năm cũ nhường bước cho năm mới trong buổi phát thanh, nên những lời bình luận thường có vẻ hoa mỹ và cảm động. Âm thanh rộn ràng thăm thẳm của một cái chuông khổng lồ từ một ngôi đền Phật giáo vang lên thong thả cách quãng nhau, và tiếng ngân kéo dài gợi nhắc đến nước Nhật Bản cổ và báo hiệu sự trôi đi của thời gian. Sau tiếng chuông của những ngôi đền miền Bắc thì đến tiếng chuông của Kyushu, nhưng giao thừa nào cũng chấm dứt bằng tiếng chuông của Kyoto. Kyoto có nhiều đền chùa đến nỗi đôi khi nhiều tiếng chuông hòa lẫn với nhau qua máy phát thanh.
Vào lúc nửa đêm, vợ và con gái chàng vẫn bận rộn lắm, sửa soạn những món ăn đặc biệt cho ngày Tết trong bếp, dọn dẹp lại nhà cửa, hoặc có lẽ soạn sẵn những chiếc áo kimono, hoặc cắm hoa. Oki thường ngồi trong phòng ăn và lắng nghe máy phát thanh. Khi những tiếng chuông vang lên thì chàng quay nhìn lại năm cũ đang ra đi. Chàng thường cảm thấy đó là một kinh nghiệm cảm động. Có năm cảm xúc ấy rất mãnh liệt hoặc đau đớn. Đôi khi chàng bị dầy vò bởi những đau buồn và hối tiếc. Ngay cả khi sự cảm xúc của các xướng ngôn viên làm chàng khó chịu thì tiếng chuông chùa vẫn âm vọng lên trong tâm chàng. Đã từ lâu chàng ước muốn có mặt tại Kyoto vào đêm giao thừa để nghe âm thanh sống thực của những tiếng chuông đền chùa cổ xưa ấy.
Điều ao ước ấy trở lại với tâm trí chàng vào cuối năm nay, và chàng bốc đồng quyết định đi Kyoto. Chàng cũng hồi hộp vì sự ao ước dai dẳng được gặp lại Ueno Otoko sau những năm xa cách, và cùng nghe tiếng chuông chùa với nàng. Otoko không hề viết thư cho chàng, kể từ khi nàng dọn về sống tại Kyoto, nhưng bây giờ nàng đã trở thành một họa sĩ theo trường phái cổ điển Nhật Bản. Nàng vẫn chưa lập gia đình.
Bởi vì đó là một việc làm nổi hứng bất ngờ và chàng không thích giữ chỗ trước trên xe lửa, nên chàng chỉ tới ga Yokohama và lên toa xe ngoạn cảnh của chuyến xe lửa tốc hành Kyoto. Gần ngày lễ nên xe lửa chắc đông lắm, nhưng chàng quen một người bồi tầu và tin sẽ lấy được chỗ nhờ người ấy.
Oki thấy xe lửa tốc hành Kyoto rất là thuận tiện, vì chuyến xe rời Đông Kinh và Yokohama ngay lúc xế trưa, đến Kyoto vào buổi tối, và cũng rời vào lúc xế trưa trên đường về. Chàng luôn luôn đi Kyoto bằng chuyến xe này. Phần lớn các chiêu đãi viên trên toa hạng nhất đều biết chàng.
Khi đã lên xe lửa rồi, Oki ngạc nhiên thấy toa xe trống trơn. Có lẽ không bao giờ có nhiều hành khách vào ngày hai mươi chín tháng mười hai. Có thể xe lửa sẽ lại đông vào ngày ba mươi mốt.
Tham khảo thêm: Tình Yêu Vượt Thời Gian
Tham khảo thêm: Tội Ác Của Sylvestre Bonnard
Tham khảo thêm: Tội Ác Trên Thiên Đường Mật
Tham khảo thêm: Tôi Bị Bố Bắt Cóc
Tham khảo thêm: Tôi Chọn Hôm Nay, Tôi Chọn Hạnh Phúc
Thẻ từ khóa: Tình Yêu và Nỗi Buồn, Tình Yêu và Nỗi Buồn pdf, Tình Yêu và Nỗi Buồn ebook, Tải sách Tình Yêu và Nỗi Buồn