Giới thiệu nội dung cuốn sách "Máu Mực" của tác giả Cornelia Funke:
Nếu bạn đã đọc và say mê Harry Potter của J.K.Rowling thì không thể bỏ qua Tim Mực của Cornelia Funke, hiện đang đứng đầu danh sách Bestseller tại CHLB Đức và Mỹ. Với bộ tác phẩm Tim Mực, Cornelia Funke được coi là J.K.Rowling của nước Đức.
Một đêm nọ, cha của Meggie, ông Mo, đọc to thành tiếng cuốn Tim Mực. Và thế là tên trùm nanh nọc đen ác tên là Capricom cựa quậy, sổng ra ngoài ranh giới của sự tưởng tượng và xuất hiện sừng sững trong phòng khách. Bằng cách nào đó Meggie và ba Mo phải học cách chế ngự phép thuật để giải thoát khỏi cơn ác mộng này. Bằng cách nào đó, họ phải thay đổi diễn biến của câu chuyện để thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi…
***
Cornelia Caroline Funke là một nhà văn người Đức dành rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực văn học cho trẻ em. Funke được biết đến nhất với bộ ba Inkworld; bản dịch tiếng Anh của tập thứ 3 Inkdeath đã được phát hành vào 6 tháng 10 năm 2008. Các tác phẩm của bà phần lớn thuộc thể loại giả tưởng, phiêu lưu và rất nhiều trong số đó đã được dịch sang tiếng Anh. Hiện bà đang sống tại Los Angeles, California.
Cornelia Funke đã bán được hơn 10 triệu bản sách trên toàn thế giới.
Cornelia Funke sinh năm 1958 tại thị trấn Dorsten nước Đức, là con của Karl-Heinz và Helmi Funke. Lúc còn nhỏ, bà muốn trở thành một phi hành gia hoặc phi công, nhưng sau đó đã quyết định theo học ngành sư phạm tại Đại học Hamburg. Sau khi hoàn thành việc học, Funke làm nhân viên xã hội trong 3 năm, tập trung chủ yếu vào những đứa trẻ có hoàn cảnh thiếu thốn. Cornelia Funke có một công việc minh họa sách, nhưng bà đã sớm bắt đầu viết những tác phẩm của riêng mình, được truyền cảm hứng từ những câu chuyện đã hấp dẫn lũ trẻ nghèo khổ mà bà làm việc cùng. Vào cuối những năm 80 và thập kỷ 90, Funke đã gây dựng tên tuổi tại Đức với 2 loạt truyện cho trẻ em có hơi hướng giả tưởng là Gespensterjäger (Ghosthunters) và Wilde Hühner (Wild Chicks). Tiểu thuyết giải tưởng Kỵ sĩ rồng (1996) là bước đột phá quốc tế của bà. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách Sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong 78 tuần, và sau đó là The Thief Lord (Vua Trộm) (2000, dịch sang tiếng Anh năm 2002), đã leo lên vị trí thứ 2 trong danh sách này trong 19 tuần và bán được 1.5 triệu bản. Tiểu thuyết tiếp theo của Cornelia Funke là Inkheart (2003) đã giành giải thưởng BookSense Book of the Year Children's Literature năm 2004. Inkheart (Tim Mực) là phần đầu tiên của bộ ba Inkworld, tiếp đó là Inkspell (Máu Mực) (2005) đã tiếp tục giành giải BookSense Book of the Year Children's Literature năm 2006. Bộ ba được kết thúc với Inkdeath (xuất bản tại Đức năm 2007, phát hành bản tiếng Anh vào năm 2008, bản Mỹ vào mùa thu 2008).
Trên trang chủ của mình, Cornelia Funke phát biểu rằng điểm khởi đầu sống còn cho một quyển sách hay là “ý tưởng”, và nếu ý tưởng đó có giá trị thì hãy nghiên cứu những chủ đề thú vị để phục vụ nó và tìm kiếm những địa điểm và nhân vật thích hợp. Bà nói về những ý tưởng: “chúng đến từ mọi nơi và chẳng từ đâu cả, cả trong lẫn ngoài. Tôi có rất nhiều và không thể viết hết chúng trong một cuộc đời này được.” Cornelia Funke cũng nói về các nhân vật của mình: “Hầu hết bọn họ bước vào phòng viết của tôi và sống động đến mức tôi phải tự hỏi bản thân, rằng họ từ đâu đến. Dĩ nhiên, một vài nhân vật là kết quả của suy nghĩ kỹ lưỡng, thêm vào tính cách, cử chỉ..., nhưng những người khác đều sống từ ngay giây phút đầu tiên họ xuất hiện”. Bà cũng cho biết Dustfinger trong “Inkheart” là một trong những nhân vật sống động nhất đã từng nảy ra trong đầu bà. Đối với những người đang mơ ước trở thành nhà văn, Funke khuyên: “Đọc – và hãy tò mò. Nếu có ai đó nói với bạn: ‘Mọi thứ là như vậy. Bạn không thể thay đổi được’ – thì đừng tin một lời nào.”
***
Khi bắt đầu viết tiểu thuyết Tim Mực, tôi hoàn toàn không linh cảm được rằng câu chuyện này rồi sẽ lớn lên trong đầu tôi, lớn đến mức nó đổ đầy hơn một cuốn sách. Đã từ rất lâu rồi tôi muốn viết một câu chuyện nơi các nhân vật trở thành thực thể sống, bởi ai mê sách mà không biết cảm giác đó: rằng các nhân vật trong một cuốn sách đối với ta còn thực hơn và gần gũi hơn là những con người ta quen trong đời thực.
Lời giải thích thật đơn giản. Đã có người thực nào cho phép ta nhìn thật sâu vào trái tim anh ấy, giống như cách mà người kể chuyện cho phép ta làm với những nhân vật? Ta có thể đào đến đáy sâu tâm hồn, có thể nhìn thấy mọi nỗi sợ, mọi tình yêu, mọi giấc mơ.
Nhưng còn một điều nữa thúc cho tôi viết Tim Mực – một hình ảnh mà tôi luôn nhìn thấy trước mắt mình: một cô bé, quỳ trên giường trong đêm, trước một khuôn cửa sổ ướt nước mưa, và phía ngoài kia có một người đang đứng. Tôi nhìn thấy hình ảnh đó thật rõ ràng, giống như một cảnh trong phim, và tôi chỉ cần tìm cho ra câu chuyện nào đang núp đằng sau hình ảnh đó. Dĩ nhiên tôi đọc rất nhiều, kể cả những cuốn sách về những người sưu tầm sách, những người ăn cắp, những người giết sách, những người mê sách, những người đóng sách (như Mo)… và tìm thấy rất nhiều thứ cùng rất nhiều ý tưởng để có thể chăm bón cho câu chuyện của mình.
Chưa bao giờ việc viết sách đối với tôi trở nên dễ dàng đến như thế, như khi viết Tim Mực, chưa bao giờ có một câu chuyện thúc hối được tràn xuống mặt giấy như vậy – rất có thể bởi đó là nỗi đam mê về một câu chuyện của bản thân tôi, nỗi đam mê dành cho sách vở, và kể cả dành cho việc đọc sách cho người khác nghe. Giờ đây Tim Mực đã được xuất bản.
Tôi đang viết tiếp phần ba của câu chuyện này – và nó vẫn là một cuộc phiêu lưu lớn lao! Tôi hoàn toàn không biết trước kết cục sẽ ra sao, nhưng như vậy là tốt! Tôi rất thích để những nhân vật của mình gây ngạc nhiên cho bản thân mình. Nếu tôi biết chính xác con đường rồi sẽ dẫn tới đâu, chắc là tôi sẽ nhàm chán đến chết khi viết mất.
Như vậy đấy – tôi hy vọng khi đọc sách bạn cũng sẽ thấy vui thú y hệt như khi tôi viết sách – xin chào mừng bạn vào mê hồn trận của các chữ cái!
CORNELIA FUNKE
***
Trẻ thơ muốn đọc sách. Các em đòi hỏi những câu chuyện lớn lao và không cần những mẩu thức ăn dễ tiêu. Ít nhất thì đó cũng là ấn tượng được gây nên bởi những phong trào đọc sách trong mấy năm gần đây. Ý tôi không chỉ nói đến cậu học trò phù thủy Harry Potter hoặc Molly Moon, cô gái với ánh mắt thôi miên, mà cũng muốn đề cập tới cả thành công của tủ sách pháp thuật Bartimäus của Jonathan Stroud (Anh) và các tập Eragon từ công viên rồng của nhà văn trẻ tuổi người Mỹ Christopher Paolini… Đặc biệt đáng chú ý là những cuốn sách đan quyện một thế giới tưởng tượng với thế giới thực, chặt chẽ tới mức độc giả dễ dàng lướt qua lướt lại giữa hai nơi. Những tiểu thuyết đó mang lại cho dòng văn học tưởng tượng một thứ như là một mảnh đất nền tảng.
Thế giới trong Máu Mực của Cornelia Funke mang không khí của một chợ phiên thời Trung Cổ: dòng hoạt động nhộn nhịp, thợ thủ công làm những nghề đã từ lâu sa vào quên lãng, trẻ em ồn ào, những lề thói thô bạo và những mối nguy hiểm lớn lao. Trong phần hai này của Tim Mực, những nhân vật được đưa vào một vương quốc được làm bằng câu chữ - vào cuốn sách. Họ bị đọc vào đây bởi giọng nói của những người đọc sách tài năng, những người không chỉ thổi sức sống vào trang sách theo nghĩa bóng.
Ngón Tay Bụi, người lúc đầu được xuất hiện trong thế giới thực vì nhầm lẫn, nay quay trở lại chốn cũ và thấy mình không còn dễ sống như trước nữa. Còn Meggie, vốn chỉ muốn chạy vào, ngó qua Thế Giới Mực chút đỉnh, lại không thể thoát ra được. Cô cảm thấy thân thiết với thế giới này, bởi mẹ cô cũng đã từng bị biến vào đây, thời Meggie còn nhỏ. Nhưng giờ thì cả cha cô cũng bị kéo vào đó, và không ít kẻ muốn lấy mạng ông.
Với Máu Mực, Cornelia Funke đã chứng minh rằng bà thật sự có được một hơi văn dài, đã được báo trước khi phần một kết thúc trong lời hứa hẹn tiếp nối. Cũng vẫn chính là các nhân vật đã quen thuộc, nhưng Cornelia Funke kể tiếp câu chuyện trong những điều kiện khác hẳn. Nếu trong phần một, chị dệt ra một cuộc kiếm tìm cuốn sách bí hiểm, cuốn Tim Mực đã nhả ra chàng Ngón Tay Bụi thông minh và cả một loạt những gương mặt u tối, với quầng hào quang của tình yêu sách vở còn phần nào quen thuộc với ta, thì cú nhảy vào trong sách cũng có nghĩa là một cuộc di chuyển tới một địa hình xa lạ.
Nữ văn sĩ Cornelia Funke, thuở đầu còn bị trách móc vì viết quá nhanh (mặc dù không tác phẩm nào của chị thiếu ý tưởng), ở đây đã chú ý rất kỹ đến chi tiết. Người đọc hiểu cách Ngón Tay Bụi gọi cho lửa múa; người đọc nhìn thấy vẻ buồn rầu của ông Vua, cảm thấy những ánh mắt tò mò của lũ trẻ. Và mỗi lần đổi cảnh là mỗi lần một bầu không khí lạ lùng kỳ ảo được tạo ra.
Cuốn sách hấp dẫn tới phút chót.
Tham khảo thêm: Ngai Vàng Lửa
Tham khảo thêm: Ngày của Kiến
Tham khảo thêm: Người Ngoài Hành Tinh Qua Đời
Tham khảo thêm: Người Tây Tạng nghĩ về cái chết (Người chết đi về đâu)
Tham khảo thêm: Người Tìm Thấy Mặt
CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.
Thẻ từ khóa: Máu Mực, Máu Mực pdf, Máu Mực ebook, Tải sách Máu Mực