Giới thiệu nội dung cuốn sách "Đuốc Lá Dừa" của tác giả Hoài Anh:
Truyện viết về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả lấy bối cảnh thời thực dân Pháp đánh chiếm miền Nam, sự bất lực của triều đình nhà Nguyễn và các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực… để khắc họa hình ảnh nhà thơ yêu nước Tú Chiểu. Đọc “Đuốc lá dừa”, bạn đọc sẽ bị cuốn vô một giai đoạn lịch sử đầy biến động, căm giận sự hèn nhát, bất lực của vua quan triều Nguyễn đối với giặc Pháp nhưng cũng dấy lên lòng tự hào dân tộc qua những con người bình dị, nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu nước, sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ tổ quốc, trong đó Tú Chiểu là một nhà thơ tuy mù nhưng lại là linh hồn của những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam kỳ.
"Đôi mắt đục lờ của ông như sáng lên hướng về một nơi nào đó rất xa... Dường như phía đó có tiếng đuốc lá dừa cháy bập bùng, tiếng cờ bay phần phật, tiếng reo hò tở mở của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Ngọc Tòng... Những Lục Vân Tiên lẫy lừng lịch sử, của những người dân ấp, dân lân, những ông Tiều, ông Ngư, ông Quán, lớp lớp anh hùng bình thường không tên cầm mác thông, giáo gỗ nườm nượp xông lên, bước chân không đạp bằng đồn giặc... cho cái ngày "bốn phương đều ngợi chữ thăng bình"".
(Tác phẩm được tặng thưởng về văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam 1981 - 1983).
***
Tối thứ năm, khi leo lên cầu thang phòng trọ, tôi chợt nhớ những câu thơ của Hoài Anh: “Cầu thang nhà em/Đi lên rất khó, xuống rất dễ/Nhưng với anh/Lên rất dễ, xuống rất khó/Lên: lồng ngực lao về phía trước/Xuống: trái tim rớt lại đằng sau”. Sáng ra, nhận được tin nhà văn Hoài Anh đã mất lúc 20 giờ 15 tối cùng ngày 24.3.
Hoài Anh tên thật là Trần Quốc Tộ, vốn là hậu duệ nhà Trần. Ông sinh năm 1938 tại Bình Lục (Hà Nam). Lên 6 tuổi, cha mẹ chia tay. Cha ông tham gia Việt Minh, dắt ông theo và đổi tên ông thành Trần Trung Phương. Bởi thế, ông có một quá trình tham gia cách mạng từ rất sớm. Ngày tiếp quản thủ đô, ông mới 16 tuổi, công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội. Hoài Anh được học chữ Hán và Pháp văn từ nhỏ và tiếp tục nâng cao tri thức bằng con đường tự học. Với tài năng bẩm sinh, bút lực của Hoài Anh thật dồi dào và viết thành công ở nhiều thể loại: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, phê bình văn học… Đặc biệt, Hoài Anh có một trí nhớ siêu phàm. Theo nhà văn Triệu Xuân thì vào năm 1981, Hoài Anh viết xong Đuốc lá dừa và trao cho biên tập viên của một nhà xuất bản. Mấy tháng sau, anh này bị mất túi xách, trong đó có bản thảo Đuốc lá dừa. Hoài Anh chết lặng vì không còn bản lưu, đành phải viết lại theo trí nhớ. Chỉ trong hai tuần ông đã tái sinh tiểu thuyết Đuốc lá dừa. Tiểu thuyết này được NXB Măng non rồi NXB Trẻ in và tái bản nhiều lần: 1981, 1994, 1995. NXB Kim Đồng tái bản năm 2002 và được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1982-1983…
Suốt đời nhà văn Hoài Anh sống trong cảnh cô đơn, nghèo khó nhưng lại đầy tiết tháo. Có một người bạn vong niên đã “tổng kết” Hoài Anh là nhà văn có “7 cái không”: không xe cộ (suốt đời đi bộ), không bao giờ ăn mặc bảnh bao, không nhà đất, không huân chương, không chức vụ, không xu nịnh và không bao giờ chung chiếu với những kẻ phi nhân cách.
Chỉ một tuần sau khi vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), nhà văn Hoài Anh đã ra đi ở độ tuổi 74 với nhiều chứng bệnh: suy thận, tiểu đường, huyết áp, nhồi máu não… Xin vĩnh biệt nhà văn của kham khổ, nghèo khó nhưng sức viết lại đầy tinh lực và trong sáng như Đuốc lá dừa một thuở…
***
Trời tờ mờ sáng. Trong màn sương trắng đục hiện rõ dần một đoàn tàu chiến Lang-Sa1*tiến dần vào sông Bến Nghé. Những thiết giáp hạm lớn với nhiều lớp buồm chằng chịt dây neo, cột buồm đầu tàu treo cờ ba sắc, thân tàu sơn nhiều màu đề những chữ Phlê-giê-tông, A-lác-mơ, Pri- mô-ghê và A-va-lăng-xơ, tiếp đến những tàu hơi chân vịt La Đra-gon-nơ, En Ca-nô, Prê-giăng… Hơi sương lờ mờ quyện với làn khói đen đặc nhả từ đầu ống khói thấp lè tè làm nhòa một góc trời.
Tới trước bến Thành, cả đoàn tàu dừng lại. Bỗng trên chiến hạm Phlê-giê-tông nhốn nháo, một đám đông sĩ quan mũ lưỡi trai thêu kim tuyến, áo trắng khuy vàng đứng xúm xít quanh tên chỉ huy đội mũ ba sừng, nhung phục xanh lá mạ, đeo ngù vai, đi ghệt, bên sườn đeo một thanh kiếm ngắn. Đó là tên đô đốc Ri-gô đờ Giơ-nui-i. Ri-gô đưa ống nhòm lên. Qua lớp kính, thành Gia Định hiện ra, chỉ cách bờ sông khoảng tám trăm thước, bốn mặt đều đặt trọng pháo. Thành xây đá ong, vuông vức, nhưng khuất sau một dốc đất lớn nên từ ngoài sông nhìn vào chỉ thấy cửa thành và cột cờ nhô ra cao vượt rặng cây và những dãy nhà cửa, vườn tược chạy dọc bờ sông. Ri-gô hạ ống nhòm quay lại thì thầm với một người đội mũ ba cạnh, áo dài đen, đó là viên thừa sai Lơ-phép-vrơ thông thạo địa dư, chữ Nho và tiếng Việt làm hướng đạo cho hắn.
Bỗng hiệu cờ Đô đốc được kéo lên đỉnh cột buồm tàu Plê-giê-tông. Một hồi kèn vang lên the thé. Chiếc A-lác-mơ dẫn đầu hai chiến hạm Pri-mô-ghê và A-va-lăng-xơ, vượt qua chiếc Phlê-giê-tông. Những lính thủy đội mũ vải có dải, áo cổ bẻ trắng sọc xanh biển lùi cả xuống, rồi những pháo thủ áo dạ lính dài chấm gối, vai đeo cuộn chăn, quần nẹp đỏ, giày xăng đá hùng hổ chạy lên. Tàu chiến dàn hai hàng, hàng trăm khẩu đại bác đều chĩa nòng vào thành.
Nghe tin cấp báo, quan hộ đốc Gia Định Võ Duy Ninh lật đật trèo lên vọng lầu nhìn xuống đã thấy từ các tàu giặc, đại bác tập trung bắn vào thành, mỗi lúc một dữ dội. Võ Duy Ninh vội truyền lệnh cho quân sĩ bắn trả.
Được tin mấy bữa trước Lang-Sa đem một số quân hùng hậu đánh phá Vũng Tàu và cửa Cần Giờ, Võ Duy Ninh một mặt báo về Huế việc đó, một mặt thông tư đi các tỉnh lấy thêm quân tăng cường cho Gia Định. Nhưng quân các tỉnh chưa về kịp thì giặc đã nổ súng. Vì thiếu chuẩn bị, nên quân ta đối phó rất lúng túng. Đại bác ta bắn phần nhiều rớt ra ngoài đích, chỉ trúng cột buồm, không bắn chìm được tàu địch. Trái lại địch đóng vai chủ động, tha hồ ngắm kỹ các mục tiêu, đạn của chúng phá hủy được rất nhiều cơ sở quan trọng của ta trong thành.
Hỏa lực của giặc mỗi lúc mạnh thêm thì bên ta mỗi lúc yếu dần. Chẳng bao lâu, súng trong thành im bặt, riêng pháo đài phía Nam còn tiếp tục. Tuy vậy trọn một ngày đầu giao chiến, giặc vẫn chưa hiểu lực lượng ta ra sao nên chưa dám hãm thành. Nhưng hôm sau, nhờ sự do thám của tên Giô-rê-ghi-be-ry và sự chỉ dẫn của tên Lơ-phép-vrơ, Ri-gô nắm vững được tình thế Gia Định.
Rạng ngày hôm sau, Ri-gô để một số quân giữ tàu còn bao nhiêu cho đổ bộ hết. Cánh bên trái gồm hai đạo thủy quân lục chiến và những đại đội của tàu Phlê-giê-tông, Pri-mô-ghê và En-ca- nô đánh vào mặt Nam là nơi bên ta bố trí nhiều đại bác vì gần bến tàu nhất. Tên đại úy Ga-li-ma và toán công binh đi theo cánh quân này để nổ mìn các cửa thành, mở lối tiến quân. Một đội lính Y Pha Nho do tên trung tá Pa-lăng-ca chỉ huy cũng được cử làm lực lượng dự bị cho cánh quân này.
Cánh bên phải do tên đại tá Lăng-da-rốt-tơ chỉ huy gồm đơn vị còn lại lính Y Pha Nho và nửa tiểu đoàn lính thủy phải xuống bộ tiến vào chân thành cửa Bắc, phía rạch Thị Nghè.
Một tiểu đoàn còn lại để dự bị ở bờ sông do tên trung tá Rây-bô chỉ huy.
Cùng một lúc, súng đồng từ trên tàu và ô-buy của các toán đổ bộ bắn rất rát. Thành Gia Định mù mịt dưới làn mưa đạn, nhiều chỗ bị sụp đổ.
Tham khảo thêm: Dưới Sao Mẹ Kể Con Nghe
Tham khảo thêm: Em Gái Bị Ốm !
Tham khảo thêm: Gia Đình Mumi Ở Biển
Tham khảo thêm: Giày Nhỏ Đi Thôi!
Tham khảo thêm: Hai anh em nhà khỉ
CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.
Thẻ từ khóa: Đuốc Lá Dừa, Đuốc Lá Dừa pdf, Đuốc Lá Dừa ebook, Tải sách Đuốc Lá Dừa